Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðầu tư hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội 

Cập nhật ngày: 05/10/2017 - 08:08

BTN - Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, vẫn cần phải có những bước đột phá để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế năng động của địa phương.

Đường Lý Thường Kiệt, huyện Hoà Thành được mở rộng, nâng cấp.

Hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là “công cụ” thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, vẫn cần phải có những bước đột phá để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế năng động của địa phương.

 

NHIỀU TUYẾN ÐƯỜNG HUYẾT MẠCH CẦN NÂNG CẤP

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, mặc dù mật độ đường bộ của tỉnh tương đối cao so với các tỉnh trong khu vực, mạng lưới đường bộ phân bổ tương đối đồng đều và rộng khắp; hình thành các trục dọc theo hướng Bắc - Nam để kết nối với thành phố Hồ Chí Minh như quốc lộ 22 - 22B, đường 782 - 784... cũng như các trục ngang để kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An như đường 781, 786, Trà Võ - Ðất Sét và Ðất Sét - Bến Củi...

Ngoài ra, hệ thống giao thông của tỉnh còn có các trục hướng tâm kết nối các huyện với thành phố Tây Ninh, các trục kết nối các vùng nguyên liệu với nhà máy, các khu công nghiệp...

Tây Ninh còn nằm trên cửa ngõ đường bộ rất quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sang Campuchia và khu vực ASEAN. Một thuận lợi nữa là tỉnh có địa hình, địa chất thuận lợi để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ (chi phí đầu tư thấp).

Bên cạnh đó, giao thông đường thuỷ nội địa của tỉnh cũng tương đối thuận lợi với 2 tuyến sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Ðông kết nối trực tiếp với thành phố Hồ Chí Minh đến các cảng Sài Gòn, cảng Hiệp Phước và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, sông Vàm Cỏ Ðông chạy dọc tỉnh từ Bắc xuống Nam và có thể khai thác vận tải với phương tiện sà lan khoảng 2.000 tấn.

Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố liên kết vùng, Tây Ninh lại có vị trí địa lý không thuận lợi so với các tỉnh khác. Trong đó, hệ thống giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh chưa nhiều, chỉ có 3 tuyến với tổng chiều dài 132km.

Các tuyến đường này đã được đầu tư từ rất lâu và có quy mô nhỏ, nhất là quốc lộ 22B hiện chỉ có quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hiện nay của tỉnh.

Mặt khác, hệ thống đường bộ kết nối với các tỉnh lân cận còn ít, có quy mô nhỏ, điển hình như kết nối với thành phố Hồ Chí Minh hiện chủ yếu chỉ có tuyến quốc lộ 22.

Do đó, vào các giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đoạn đường đi qua đô thị Trảng Bàng, Khu công nghiệp Trảng Bàng. 

Cũng theo Sở GTVT, mặc dù mạng lưới đường bộ địa phương ở tỉnh nhiều nhưng lại có quy mô nhỏ, chủ yếu là đường cấp IV, chỉ có đường 782 đạt tiêu chuẩn đường cấp II, đường 785 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

Các tuyến đường trên hầu hết được đầu tư rất lâu, không được trùng tu, đại tu theo định kỳ nên đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Ngoài ra, nhiều cây cầu trên một số tuyến đường chưa được đầu tư nâng cấp đạt tải trọng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá, phải hạn chế các loại phương tiện có tải trọng lớn lưu thông, như cầu Lò Gò, Ða Ha, Ða Ha - Xa Mát trên đường 791; Thái Hoà trên đường Trương Nữ Vương; Tha La trên đường 795; K8 trên đường Ðất Sét - Bến Củi và các cầu trên hệ thống đường huyện, đường xã.

Bên cạnh đó, sông Vàm Cỏ Ðông đoạn qua tỉnh có chiều dài 105km, chia cắt toàn huyện Bến Cầu và một phần huyện Trảng Bàng, Châu Thành với vùng phía Ðông Bắc của tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, mới chỉ có 4 cây cầu được bắc qua sông (gồm các cầu Gò Dầu, Gò Chai, Bến Sỏi và Bến Ðình).

Ðồng thời, vận tải đường thuỷ ở tỉnh chưa được khai thác hết tiềm năng, hiện chỉ có tuyến đường thuỷ Sài Gòn - Bến Kéo đã được công bố luồng.

Các tuyến đường thuỷ còn lại chưa được đầu tư nạo vét luồng, chưa được trang bị đầy đủ hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa trên các tuyến sông, rạch nên các luồng đường thuỷ nội địa địa phương chưa được công bố, làm hạn chế khả năng vận tải của các phương tiện đường thuỷ.

SẼ TẠO ÐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Theo Sở GT-VT, Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X (Nghị quyết số 04-NQ/ÐH ngày 16.10.2015) đề ra mục tiêu: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Ðảng, hiệu lực quản lý Nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng cao hơn 5 năm trước. Phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ tốt nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá địa phương.

Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2017-2020 về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông với mục tiêu được đề ra là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn và tính kết nối cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ phát triển du lịch; bảo đảm an ninh quốc phòng; phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; kéo giảm tai nạn giao thông; bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, phát triển hạ tầng giao thông vận tải phải phù hợp với các quy hoạch của tỉnh, bảo đảm chất lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm môi trường.

Ðồng thời tạo kết nối giữa các phương thức vận tải hình thành mạng lưới vận tải thông suốt với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và các cảng trên địa bàn Thành phố, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, nhất là vận tải hàng hoá với chất lượng và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi.

Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ gần nhất của thành phố Hồ Chí Minh vào Campuchia và ngược lại. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung đầu tư hạ tầng để nâng cao năng lực vận tải bằng đường thuỷ nội địa, giảm áp lực vận tải bằng đường bộ.

Sở GTVT cho biết thêm, trong thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.

Cụ thể như đường Xuyên Á (quốc lộ 22), quốc lộ 22B, đường tuần tra biên giới, đường Hồ Chí Minh, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và nhánh kết nối đến thành phố Tây Ninh...

Tỉnh cũng rà soát, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; tập trung đầu tư các dự án có tính đột phá, kết nối trực tiếp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của tỉnh như: đường từ quốc lộ 22 đến cửa khẩu Chàng Riệc, đường 781 đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương, đường 794, đường Ðất Sét - Bến Củi; lựa chọn và đầu tư nâng cấp các dự án kết nối từ trung tâm các huyện, khu công nghiệp, vùng nguyên liệu... với mạng lưới giao thông quốc gia, các tuyến đường kết nối với các tỉnh lân cận, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn và thuận lợi.

Tỉnh sẽ có giải pháp nâng cao khả năng khai thác vận tải bằng đường thuỷ nội địa, nhất là tuyến sông Vàm Cỏ Ðông, tạo kết nối thuận lợi giữa các cảng trên địa bàn tỉnh với các khu cảng Sài Gòn, Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải và các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư hoàn thành cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công, Thanh Phước, Mộc Bài.

THIÊN TÂM


Liên kết hữu ích