BAOTAYNINH.VN trên Google News

‘Thời tôi sống’: Cái nhìn nhân văn, đa chiều, điềm tĩnh về chiến tranh 

Cập nhật ngày: 15/08/2018 - 23:33

Có nhiều con đường xây dựng nên một tác phẩm văn học có ý nghĩa về đề tài chiến tranh. Nhà văn Trần Mai Hạnh xây dựng tác phẩm của mình bằng chính những trang nhật ký văn học rung động, ám ảnh về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ông đã đi qua.

Vào đúng những ngày Tháng Tám hào hùng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 này, cuốn “Thời tôi sống” của  tác giả Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành ra mắt bạn đọc, gồm 16 tác phẩm văn học, nhiều tác phẩm đặc sắc, mang tới những cảm thấu mạnh mẽ cho người đọc về cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng, bi tráng đã hằn sâu trong ký ức dân tộc.

Tin cậy và rung cảm mạnh mẽ

Nếu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (cùng của tác giả Trần Mai Hạnh, đã dành được Giải thưởng Văn học trong nước và khu vực) là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử tái hiện và phục dựng trung thực những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn bằng chính những tài liệu nguyên bản tuyệt mật, hoàn toàn không có bóng dáng tác giả, không chen bất cứ bình luận, nhận xét gì của người viết, thì “Thời tôi sống” lại là những trang nhật ký mang đậm phẩm chất văn chương về chính cuộc đời tác giả.

Những trang nhật ký văn học và ghi chép tại trận từ 50 năm trước của  nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.

“Những trang nhật ký văn học và ghi chép tại trận từ 50 năm trước luôn ở bên tôi trong suốt những năm tháng chiến trường ác liệt, bom rơi đạn nổ, kẻ thù vây ráp lùng sục gắt gao. Bảo quản được tài liệu không chỉ là kỳ công mà còn có rất nhiều may rủi”, nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết.

Đây không chỉ là những khoảnh khắc, những chuyện cá nhân đơn lẻ, mà là câu chuyện của một thời, của chính những năm tháng và sự kiện mà tác giả đã trải qua, đã can dự và chứng kiến trong quãng đời 10 năm (1965-1975) làm phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.

Những câu chuyện không chỉ mang đậm dấu ấn của cá nhân tác giả mà còn là dấu ấn của nhiều nhân vật người thật việc thật mà tác giả được sát cánh chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ cho tới ngày toàn thắng.

Đó là anh Đấu trong truyện ngắn “Anh Đấu”; nhà báo, nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Trọng Định trong “Bài thơ tình đẫm máu”; chị Nắng trong “Nắng Thu Bồn”; mẹ Tư trong “Như thể là tình yêu”; chị Sao trong “Sao Bắc Đẩu”; chị Hoa trong “Trời sáng trong mưa”; nhạc sĩ Phan Miêng trong “Câu chuyện về một bản hợp xướng”; chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư trong “Côn Đảo một ngày tháng bảy”; là cán bộ, chiến sĩ và phóng viên trong “Danh dự người lính” và “Thần chết, thần khổ ải” – hai tập nhật ký được viết tại trận giữa bom đạn, trong vòng vây dày đặc, săn lùng gắt gao của kẻ thù.

Với thói quen viết nhật ký và ghi chép hàng ngày, những con người đi qua cuộc đời của nhà văn Trần Mai Hạnh và câu chuyện về họ trong những năm tháng chiến tranh đều được ông lưu lại trong những trang nhật ký văn học sống động như một mảnh ghép không thể thiếu của một thời đạn bom, một thời đáng nhớ.

Điều đặc biệt của “Thời tôi sống” là trước mỗi tác phẩm đều có lời dẫn, lý giải với độc giả về bối cảnh ra đời. Kèm theo đó là những tư liệu bằng hình ảnh, văn bản giấy tờ liên quan để minh chứng cho sự thật của câu chuyện, tuy là một tác phẩm văn học nhưng hoàn toàn không phải do tác giả hư cấu nên.

Mặt khác, những nhân vật, cảnh ngộ, tình huống trong các tác phẩm đều là những điều tác giả được chứng kiến, tiếp xúc, ghi lại trong những trang nhật ký văn học tức thời chứ không phải chỉ viết dựa trên sự hồi tưởng sau này. Chính vì thế nó mang lại sự tin cậy và rung cảm mạnh mẽ cho người đọc.

Những bức thư tình viết trong lằn ranh sự sống, cái chết

Không chỉ là những trang nhật ký ghi chép tại trận, với “Thời tôi sống”,lần đầu tiên nhà văn Trần Mai Hạnh công bố những bức thư tình ông viết ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết cháy xém lửa đạn, được lưu giữ suốt 50 năm qua. Những bức thư tình thời chiến đó cũng là một mảnh ghép không thể thiếu của một thời bom đạn ông đã can dự, đã đi qua.

Tác giả có thói quen ghi chép, viết nhật ký hàng ngày dù là trong những ngày đêm mưa bom, bão đạn.

Ông Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Nhờ thói quen ghi chép, viết nhật ký hàng ngày, tôi mới viết nổi các tác phẩm trong “Thời tôi sống”, nhất là hai tập nhật ký trong vòng vây: “Danh dự người lính” và “Thần chết thần khổ ải”. Nếu không có những ghi chép tại trận thì làm sao 50 năm sau tôi có thể nhớ lại và sống với tâm trạng và cảm xúc mạnh mẽ ngày ấy để viết”.

Những bức thư tình được viết ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết ngày ấy, đã vượt lên tình cảm yêu đương đơn thuần, chạm tới những suy nghĩ về chiến tranh-hoà bình, khát vọng sống và sự hy sinh của mỗi một con người.

Trong “Thời tôi sống” có những câu chuyện chân thực nhưng quá đau thương, mất mát của cuộc đời người lính. Giờ đây đó lại là những mảnh ghép không thể thiếu của gương mặt quá khứ. Câu chuyện ám ảnh ông Trần Mai Hạnh nhất là“Danh dự người lính”.

Ông kể, “đó là cuộc chiến đấu 21 ngày đêm của Tiểu đoàn 3 anh hùng trong vòng vây dày đặc của 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu. Gần 200 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 đã anh dũng hy sinh, chỉ còn có 8 người, trong đó có tôi được lệnh tìm đường ra khỏi vòng vây báo cáo với cấp trên, xin quân số bổ sung để giữ lại phiên hiệu Tiểu đoàn 3 anh hùng. 50 năm đã qua, tim tôi vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại những ngày bi tráng ấy”.

Viết lên được “Danh dự người lính”, ông Trần Mai Hạnh cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào trước linh hồn của gần 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đã nằm lại trên mảnh đất Điện Bàn (Quảng Nam) ngày ấy...

“Trong chiến tranh, điều quan trọng nhất là động viên mọi người ra trận, dốc toàn lực cho chiến thắng. Những câu chuyện chân thực nhưng dữ dội và quá đau thương, bi tráng như “Danh dự người lính” thì giờ là lúc chúng ta có thể nhìn và viết lại một cách đầy đủ, chân thực với cái nhìn nhân văn, đa chiều và điềm tĩnh nhất”, ông Trần Mai Hạnh bộc bạch.

Theo ông Trần Mai Hạnh, chính sự rung động sâu xa và niềm tin cậy bạn đọc dành cho tác phẩm của mình, mới là điều quan trọng nhất mà với tư cách là một người cầm bút ông phải vươn tới.

Nguồn chinhphu


 
Liên kết hữu ích