Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở NN&PTNT:

26 cây rừng trồng bị cưa, chặt ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng 

Cập nhật ngày: 06/12/2017 - 06:26

BTN - Thực hiện Công văn số 800 ngày 20.11.2017 của Ban Nội chính Tỉnh uỷ về việc đề nghị kiểm tra làm rõ thông tin phản ánh trên Báo Tây Ninh số ra ngày 11.11 trong bài báo “Lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Dầu Tiếng: Con voi chui lọt lỗ kim”, ngày 1.12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) có Báo cáo số 328 về kết quả xác minh thông tin do Báo phản ánh tại tiểu khu 56, 58, 59 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Khai thác trắng cả một mảng rừng để trồng mì (ảnh chụp ngày 7.11.2017).

Trước đó, sau khi báo đăng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc. Kết quả, đối với thông tin phản ánh trên Báo Tây Ninh: qua kiểm tra xác định được tại khoảnh 1, tiểu khu 56; khoảnh 9, tiểu khu 59; khoảnh 2, tiểu khu 58 thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng số cây bị cưa, chặt là 26 cây, khối lượng gỗ ước tính khoảng 19,7m3. Bao gồm, còn đứng tại hiện trường 1 cây dầu (đã bị cưa 1/2 thân cây); bị mất cắp 16 cây, khối lượng gỗ 7,9m3 (trong đó có 5 cây dầu, 11 cây xà cừ); số cây bị cưa, chặt còn bỏ tại hiện trường là 9 cây, khối lượng 11,1m3 (7 cây dầu, 2 cây keo). Vị trí cây bị cưa, chặt nơi gần nhất cách chốt bảo vệ rừng (chốt phụ) khoảng l,9km.

Về công tác bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng, bố trí thêm các chốt phụ để thường xuyên kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm, nhất là tình trạng vận chuyển gỗ trộm theo đường sông Sài Gòn đưa sang tỉnh Bình Phước tiêu thụ. Cụ thể, phân công một tổ Kiểm lâm cơ động (có 4 thành viên) phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra. Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm các huyện Bình Long, Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) ngăn chặn, xử lý vi phạm. Ban quản lý rừng đã bố trí thêm 5 chốt phụ, mỗi chốt có từ 2 đến 3 nhân viên bảo vệ rừng, vị trí đặt chốt đa số nằm gần mép nước hồ Dầu Tiếng và ven sông Sài Gòn.

Cũng theo Báo cáo 328, trong năm 2017, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý 23 vụ phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, cừ tạp (giảm so với năm 2016 là 11 vụ). Tang vật đã xử lý, 19,017m3 gỗ với các chủng loại như dầu, xà cừ, chò, sao, giá tỵ, lim, sến, mít nài, hương, keo, vên vên. Thu giữ 13 xe mô tô, 11 xe cù gỗ tự chế, 1 chiếc xuồng, 1 động cơ dùng để chạy xuồng, 3 điện thoại di động, 2 cái rựa, 1 cái búa… Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, trộm gỗ có giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng trộm cắp gỗ rừng, nhất là các khu rừng trồng như Báo Tây Ninh đã nêu.

Nguyên nhân khách quan, địa bàn rừng phòng hộ rộng gần 30.000 ha, nằm gần khu dân cư, có nhiều đường giao thông nông thôn, do vậy, việc tổ chức canh phòng, ngăn chặn nạn phá rừng, trộm cắp gỗ lậu gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ dân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng chưa có biện pháp bảo vệ tích cực. Nhiều hộ nhận khoán không cư ngụ gần rừng, nên việc bảo vệ có phần lơi lỏng. Đối với lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ, tuy có tăng cường thêm nhân viên kiểm lâm, nhưng địa bàn rừng rộng và phức tạp nên rất khó ngăn chặn triệt để tình trạng trộm cây rừng. Lâm tặc thường dùng thủ đoạn tổ chức theo dõi hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, thực hiện hành vi trộm cắp gỗ vào ban đêm, bọn chúng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện.

Nguyên nhân chủ quan, Ban quản lý rừng chưa có biện pháp nhắc nhở, yêu cầu các hộ nhận khoán thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ rừng đã hợp đồng, có để xảy ra tình trạng rừng nhận khoán bị phá, mất cắp gỗ. Một số nhân viên bảo vệ rừng có biểu hiện lơ là, thiếu tích cực trong thực hiện nhiệm vụ; với những trường hợp này, Ban quản lý rừng đã kiểm điểm và cho chuyển đến địa bàn khác, hoặc cho nghỉ việc. Giữa Ban quản lý rừng, cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng không được phá rừng, cũng như tích cực tố giác và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Báo cáo của Sở NN&PTNT còn đề ra giải pháp trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng cơ sở tin báo để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng sẽ làm việc với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng chủ động bố trí người, cùng phối hợp với lực lượng bảo vệ và chính quyền địa phương. Trong trường hợp hộ nhận khoán không có biện pháp bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng cây rừng trồng bị phá, mất cắp, không bảo đảm được mục tiêu rừng phòng hộ… Ban quản lý kiên quyết thanh lý hợp đồng, giao khoán cho các hộ khác có đủ điều kiện thực hiện. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tập trung xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Đồng thời, kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ để giáo dục, răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Tổ chức kiểm điểm, củng cố hoạt động của Kiểm lâm địa bàn, lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ do thiếu trách nhiệm, để rừng bị phá, bị mất cắp.

Quốc Sơn

 

 

Từ khóa
Quốc Sơn