BAOTAYNINH.VN trên Google News

3 ‘điểm nóng’ thế giới 2019 

Cập nhật ngày: 01/01/2019 - 18:47

Quan hệ Mỹ-Trung, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và căng thẳng tại Syria tiếp tục là những điểm nóng được thế giới quan tâm vào năm 2019.

Thế giới bước vào năm 2019 với những cuộc “đổi vai, đổi thế” hứa hẹn mang lại nhiều bất ngờ nhưng thế giới có hòa bình hơn hay không đòi hỏi những nỗ lực lớn.

Căng thẳng Mỹ-Trung

Trong cả năm 2018, phần lớn châu Á bị “rung chấn” bởi những biến động trong quan hệ Mỹ-Trung. Cách đây một năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở về từ Bắc Kinh sau chuyến thăm cấp nhà nước đặc biệt quan trọng mà trong đó Trung Quốc (TQ) hy vọng sẽ làm cho chiến dịch bài Trung của ông Trump thất bại. Thế nhưng Mỹ-Trung vướng vào cuộc chiến tranh thương mại chưa được giải quyết và chính quyền Trump đã thay thế “tiếp cận chiến lược” của Mỹ với TQ bằng “cạnh tranh chiến lược”.

Triển vọng nào cho quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2019? Theo nhận định của ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc và hiện là chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ), có thể vào tháng 3 tới sẽ có một thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương và những quyết định về nhập khẩu mà TQ sẽ thực hiện nhằm thực hiện điều này.

Một thỏa thuận giảm thuế suất khi đó cũng khả thi, dù mức độ phức tạp của nó có thể khiến hai nước mất nhiều thời gian. Nhưng nếu các nhà cải cách TQ thực hiện một cách tiếp cận kịch tính hơn, bằng cách cam kết thuế suất bằng 0 qua thời gian và thách Mỹ có hành động tương ứng, việc này có thể được kết thúc nhanh chóng hơn.

Trên mặt trận chính sách đối ngoại và an ninh, theo ông Rudd, TQ trong năm 2019 có thể tránh đẩy mình vào thế xung đột với các nước khác do những thách thức về chiến lược của Mỹ. Hiện Bắc Kinh đã có sự bình thường hóa nhất định với Nhật Bản. Dữ liệu của lực lượng tuần duyên Mỹ cho thấy có sự suy giảm đáng kể những vụ TQ xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

TQ muốn xuống thang căng thẳng với ASEAN liên quan đến vấn đề biển Đông thông qua việc thúc đẩy đàm phán về một “bộ quy tắc ứng xử”. Bắc Kinh cũng muốn có mối quan hệ ấm áp hơn với Ấn Độ sau cuộc họp thượng đỉnh song phương tại Vũ Hán hồi tháng 4-2018. Và TQ có thể bắt đầu giảm nhẹ lập trường về Đài Loan do kết quả “vui cho Bắc Kinh” mà đảng Dân Tiến có quan điểm ủng hộ độc lập của lãnh đạo Thái Anh Văn đạt được trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11-2018. Dĩ nhiên điều này sẽ thay đổi đáng kể nếu Mỹ xúc tiến bán thêm vũ khí cho Đài Loan.

Quan hệ Mỹ-TQ sẽ là điểm nhấn cho tình hình quốc tế năm 2019. Ảnh: PROJECT SYNDICATE

Vấn đề Triều Tiên sẽ tiếp tục là điểm nóng thế giới 2019. Ảnh: AFP

Bán đảo Triều Tiên

Một Triều Tiên “dễ bảo” hơn tiếp tục là điều mà Mỹ mong muốn nhìn thấy trong năm 2019. Theo CNN, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mở màn năm 2018 bằng lời ngỏ cử một phái đoàn tham dự Olympic mùa đông ở Pyeongchang nhưng cũng hứa sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời cảnh báo Washington rằng loạt phóng hạt nhân “luôn nằm trên bàn trong văn phòng của tôi”. Gần đây, báo cáo của các chuyên gia phân tích hạt nhân nguồn mở dường như xác nhận rằng Triều Tiên không ngừng chương trình hạt nhân của nước này, dù ông Kim đã giữ lời hứa không tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa hay bom hạt nhân.

Dù việc tiếp tục làm việc với những vũ khí này có thể vi phạm tinh thần cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Trump ở Singapore, Bình Nhưỡng đã không cam kết ngừng toàn bộ công việc liên quan đến chương trình hạt nhân trong năm 2018. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí bắt đầu xây dựng lại quan hệ song phương và đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Về vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cam kết “nỗ lực hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, cụm từ mà các chuyên gia nói rằng Washington và Bình Nhưỡng diễn dịch khác nhau.

Những người chỉ trích nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã không thuyết phục Bình Nhưỡng nhất trí với điều gì đó cụ thể. Triều Tiên đã không tán đồng bất kỳ thời hạn nào nhằm từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng không cam kết công bố các loại vũ khí và cơ sở vũ khí then chốt, những bước mà các chuyên gia nói rằng có vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán về giải giáp nào, theo CNN.

Thế giới đang bước vào thời điểm tăng trưởng kinh tế của TQ, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, chậm lại. Mặc dù TQ phải chịu những sức ép từ Mỹ, một số nước châu Âu cùng Nhật Bản và Úc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, các nhà cải cách kinh tế nước này đang muốn nhân cơ hội này tìm cách đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế. 

TS ELIZABETH ECONOMY, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ quốc tế Mỹ 

“Chảo lửa” Syria

Khi tờ lịch cuối cùng của năm 2018 được bóc đi, có vẻ như cuộc xung đột tại Syria sẽ tiếp tục con đường cũ. Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, với sự hỗ trợ của Iran và Nga, rất có thể sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến chống phe đối lập. Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ đến hồi kết.

Nhưng với quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria hồi giữa tháng 12-2018, Tổng thống Trump đã lật ngược thế cân bằng đó. Việc Mỹ rút quân có thể làm tăng nguy cơ xung đột đẫm máu bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh của Ankara ở Syria, người Kurd ở nước này cùng chính quyền của Tổng thống al-Assad và thông qua đó có thể giúp IS hồi sinh bằng cách châm lửa cho tình trạng hỗn loạn từng giúp tổ chức khủng bố này khuếch trương thanh thế.

Chính sách trước đây của chính quyền Trump duy trì vô thời hạn sự hiện diện quân sự ở Syria luôn có giá trị đáng ngờ. Hiện chưa rõ làm thế nào 2.000 binh sĩ Mỹ có thể hạn chế ảnh hưởng của Iran hay tạo sức ép đáng kể đối với chính quyền al-Assad. Cuộc chiến chống IS không đòi hỏi Mỹ duy trì lực lượng trên bộ. Phải thừa nhận rằng việc Mỹ rút quân bất ngờ có thể khiến YPG (lực lượng liên kết với Mỹ chống IS và hiện kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria) có thể gặp nguy hiểm. YPG giờ đây có thể trở thành mục tiêu tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn coi nó là một tổ chức khủng bố có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoặc từ chính quyền al-Assad.

Theo Foreign Policy, cả Mỹ và Nga đều có quyền lợi trong việc ngăn chặn một cuộc tranh đoạt lãnh thổ mà Washington từ bỏ, do nó có thể khiến IS hồi phục và tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát thêm lãnh địa ở Syria. Để tránh kịch bản này, cả Washington và Moscow phải thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công YPG, thuyết phục YPG giải giáp và hỗ trợ một thỏa thuận giữa Damascus và YPG để bao gồm việc đưa chính phủ Syria trở lại vùng Đông Bắc kèm theo một mức độ tự trị cho người Kurd trong khu vực.

Một kết quả như thế sẽ đồng thời cho phép Syria khôi phục chủ quyền, trấn an Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách hạn chế quyền lực và sức mạnh của YPG, cũng như bảo vệ người Kurd khỏi nguy cơ tấn công quân sự. Có thể quá trễ để đạt mục tiêu này nhưng không quá muộn để thử.

Thông điệp năm mới ông Putin gửi đến ông Trump

Theo CNN, dẫn nội dung trong thư chúc mừng năm mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới người đồng cấp Mỹ Donald Trump, điện Kremlin ngày 30-12-2018 cho biết ông Putin khẳng định Moscow sẵn sàng đối thoại cùng Mỹ với chương trình nghị sự đa dạng.

“Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp Giáng sinh và năm mới, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh quan hệ Nga-Mỹ là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo ổn định chiến lược và an ninh quốc tế, khẳng định rằng Nga mở cửa đối thoại với Mỹ với chương trình nghị sự đa dạng nhất có thể” - tuyên bố của điện Kremlin nêu rõ.

Theo điện Kremlin, ông Putin cũng gửi lời chúc mừng năm mới đến các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

TRI TÚC

Nguồn PLO