Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiến nghị của TTC-BH:

5 “cần” để “cứu” ngành mía đường 

Cập nhật ngày: 18/05/2019 - 06:57

BTN - Trước nhiều khó khăn hiện tại và sắp tới, TTC-BH đã kiến nghị đến Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh và cá nhân ĐBQH Huỳnh Thanh Phương một số vấn đề được cho là hệ trọng, có tính quyết định đến ngành mía đường nói chung và tại Tây Ninh nói riêng.

Thu hoạch mía bằng phương tiện cơ giới. Ảnh: Công Điều

Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-BH) cho biết, niên vụ 2018-2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho vụ trước lớn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Dự kiến vụ sản xuất 2019-2020, giá mía và đường sẽ tiếp tục giảm.

Trước nhiều khó khăn hiện tại và sắp tới, TTC-BH đã kiến nghị đến Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh và cá nhân ĐBQH Huỳnh Thanh Phương một số vấn đề được cho là hệ trọng, có tính quyết định đến ngành mía đường nói chung và tại Tây Ninh nói riêng.

Cần điều tra chống bán phá giá đối với đường lỏng HFCS

Theo TTC-BH, cho đến nay, Việt Nam chỉ mới có một số chính sách “rời rạc” về lĩnh vực mía đường. Tuy có tác động tích cực, hỗ trợ ngành mía đường phát triển nhưng các chính sách này còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; có những chính sách đã được ban hành nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận.

 Để thống nhất thực hiện các chính sách đối với sản xuất ngành mía đường, từ năm 2014, thông qua ý kiến đóng góp của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định về mía đường Việt Nam, nhưng chưa được Chính phủ ban hành. Đến năm 2016, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tiếp tục đề nghị trình lại nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa trình để Văn phòng Chính phủ đưa vào kế hoạch trình Chính phủ ban hành nghị định.

Do đó, TTC-BH đề nghị Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh có ý kiến với Chính phủ về việc sớm ban hành nghị định về sản xuất kinh doanh mía đường nằm trong chương trình triển khai Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19.11.2018 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Đáng chú ý là TTC-BH kiến nghị Chính phủ có chủ trương đánh thuế đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (High-Fructose Corn Syrup - gọi tắt là HFCS). Loại phổ biến được nhập khẩu trong thời gian qua là HFCS-55, chứa 55% fructose và có độ ngọt cao hơn đường mía gấp khoảng 1,1 đến 1,3 lần. HFCS có dạng lỏng, không phải là sản phẩm “tự nhiên”, mà do chế biến từ ngô (bắp) của ngành công nghiệp thực phẩm hiện đại. HFCS là thủ phạm chính gây ra mỡ gan, béo phì và hiện đang được sử dụng thay thế một phần hoặc hoàn toàn cho đường mía làm nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm.

Thế nhưng, ở Việt Nam, HFCS được xem là sản phẩm tương tự và cạnh tranh trực tiếp đối với đường mía sản xuất nội địa với giá bán thấp hơn rất nhiều (trên 40%), nên đây là thách thức cạnh tranh rất lớn đối ngành sản xuất đường mía trong nước. Mặt khác, HFSC lại được hưởng ưu đãi từ chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu hiện hành của Chính phủ Việt Nam với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% và không áp dụng hạn ngạch. Trong khi thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với đường mía trong hạn ngạch là 5%, ngoài hạn ngạch đối với đường trắng và đường thô lần lượt lên tới 85% và 80%.

Việc áp dụng chính sách thuế không đồng nhất như vậy càng làm chênh lệch về giá bán giữa mặt hàng HFCS và mặt hàng đường mía sản xuất trong nước. Giá rẻ cùng với các chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi bất bình đẳng giữa hai loại đường làm cho HFCS trở nên hấp dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát, gây tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ đường mía trong nước. Hệ quả là HFCS gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất đường mía trong nước, gây thất thu thuế.

Để thực hiện cơ chế chống bán phá giá, cạnh tranh bình đẳng đối với mặt hàng HFCS nhập khẩu, bên cạnh nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc chỉ đạo Bộ Công Thương tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với đường lỏng HFCS vào thị trường Việt Nam. Trước đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá đối với đường lỏng HFCS nhưng đến nay chưa được thực hiện.

Cần đẩy mạnh phát triển năng lượng điện trong sản xuất mía đường

Thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện năng cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt dân cư, Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thuỷ điện lớn, thuỷ điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030; quan tâm phát triển sử dụng nguồn năng lượng sinh khối (đồng phát nhiệt điện từ các nhà máy đường, nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm; thực hiện đồng phát đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát điện từ chất thải rắn...).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam và Bộ Công Thương đã ban hành biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho điện sinh khối... Các cơ chế chính sách này đã tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đầu tư sử dụng nguồn bã mía (năng lượng tái tạo) hiện có sản xuất điện đồng phát, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và bổ sung nguồn điện năng cho nguồn cung đang mất cân đối.

Tuy nhiên, quy định về giá điện mua vào như hiện nay đã không thực sự khuyến khích, tạo động lực cho các nhà máy nhiệt điện bã mía hiện có và các nhà máy đang dự kiến đầu tư điện đồng phát từ bã mía.

Mía đường nước ta là ngành có tiềm năng, triển vọng tạo nguồn sinh khối lớn. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và đầu tư phù hợp thì 1 tấn mía cây có 0,3 tấn bã mía có thể sản xuất được khoảng 100 - 120 kWh, sau khi trừ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, có thể phát lên điện lưới khoảng 60-70 kWh.

Ngày 21.8.2018, sau khi đến thăm Nông trường Thành Long, thông qua báo cáo, đề nghị của TTC-BH và trên cơ sở đệ trình của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh giá điện đồng phát từ bã mía của các nhà máy đường đầu tư đấu nối lưới điện theo một giá thống nhất mà không phân thành giá đồng phát từ bã mía và giá điện sinh khối. Dù vậy, cho đến nay, chủ trương này vẫn chưa được thực hiện.

CẦN LẤP “Lỗ hổng” trong quản lý, ngăn ngừa đường nhập lậu

TTC-BH cũng kiến nghị các bộ, ngành có liên quan cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường; đồng thời, cần xem xét sửa đổi quy định và chế tài liên quan quy định ghi nhãn hàng hoá nhằm hạn chế tình trạng sang chiết, đóng gói tràn lan đường nhập lậu.

Hiện tại, thông tin về “Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá” đối với hàng hoá đóng gói bán ra thị trường được quy định tại khoản 6, Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, nội dung quy định này đã tạo ra “lỗ hổng” để các cá nhân, tổ chức nhập khẩu đường lậu lợi dụng để thực hiện hành vi đóng gói đường lậu. Trong khi chế tài xử lý vi phạm về nhãn hàng hoá cũng còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Do đó, TTC-BH kiến nghị Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh có ý kiến đến Chính phủ xem xét sửa đổi quy định về ghi nhãn hàng hoá cho phù hợp. Đồng thời, cần sửa đổi theo hướng tăng nặng chế tài áp dụng trong trường hợp không thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hoá; bổ sung chế tài “Tịch thu hàng hoá vi phạm”.

Một góc nhà máy đường TTC-BH.

Cần ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc nông nghiệp

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đối với việc đầu tư máy móc thiết bị (thời hạn đến 31.12.2020). Chính sách này đã tạo động lực quan trọng cho doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư máy móc thiết bị, nâng tỷ lệ cơ giới hoá đến khâu thu hoạch mía tại Tây Ninh đạt 50%.

Việc đưa máy móc vào chăm sóc đã giúp giảm 15% chi phí canh tác mía so với canh tác thủ công, giúp nâng cao năng suất mía lên 20% - 30% so với trước đây. Trong khâu thu hoạch mía, chi phí thu hoạch bằng máy thấp hơn khoảng 30% so với thủ công. Tỷ lệ chênh lệch này sẽ tiếp tục tăng do giá nhân công lao động ngày càng tăng cao.

Do đó, TTC-BH kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đến năm 2025 nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị, giảm giá thành canh tác, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

TTC-BH cũng kiến nghị về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu máy kéo nông nghiệp công suất từ 18 kW, có xuất xứ ngoài khối ASEAN được hưởng thuế suất 0% thay vì 5% như hiện nay.

BẢO TÂM