BAOTAYNINH.VN trên Google News

50 mùa xuân Trung đội nữ pháo binh Trảng Bàng 

Cập nhật ngày: 16/02/2018 - 15:27

BTN - Có được cuộc sống no ấm, bình yên như ngày hôm nay, người ta không thể quên sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông một đời đánh giặc giữ nước, sẵn sàng hy sinh cả xương máu, cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập dân tộc, trong đó có các chị Trung đội Nữ pháo binh Trảng Bàng.

Ông Lê Khoăn và bà Phạm Thị Bè kể lại chuyện chiến đấu năm xưa của Trung đội Nữ pháo binh.

Cho dù nay đã ở cái lứa tuổi “nước thời gian gội tóc trắng phau phau” nhưng mỗi khi nhắc về thời thanh xuân của mình, họ không hề tiếc nuối mà còn vui vẻ, tự hào. Chuyện của 50 mùa xuân trước tính từ 1968 trở đi, họ còn nhớ như chuyện vừa mới xảy ra... Chúng tôi may mắn có dịp được gặp hai người trong số họ: bà Phạm Thị Bè và ông Lê Khoăn- nguyên cán bộ, chiến sĩ Trung đội Nữ pháo binh huyện Trảng Bàng.

 

à Bè được sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, có chiến khu Bời Lời nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp, nên bà sớm giác ngộ cách mạng. Bà đã thoát ly gia đình đi làm du kích xã Đôn Thuận khi còn là thiếu nữ.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam vào mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Huyện đội Trảng Bàng thành lập Trung đội Nữ pháo binh cơ động của huyện. Đơn vị này tập trung nhiều nữ chiến sĩ ưu tú từ các xã trong huyện. Khi đó, mặc dù đã tham gia du kích xã được vài năm nhưng bà Bè chỉ làm nhiệm vụ hậu cần mà không trực tiếp chiến đấu, đã từng mang vác súng đạn mà chưa được bắn một lần nào.

Được gia nhập Trung đội Nữ pháo binh cơ động, vừa về đơn vị mới, bà đã được nhận súng để trực tiếp chiến đấu. Bà phải nhanh chóng học hỏi đồng đội các thao tác tháo, lắp, lên đạn, rồi tập “kề vai, áp má, nhắm mục tiêu, nín thở, bóp cò…”.

Trung đội Nữ pháo binh lúc mới thành lập được trang bị hai khẩu súng cối 82 ly, còn lại là súng tiểu liên AK. Trung đội nữ đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ chống lại quân thù xâm lược, bà Bè nhớ nhất trận chống càn vào ấp Lộc Chánh, xã Lộc Hưng. Đây là trận đánh đầu tiên sau khi Trung đội Nữ pháo binh huyện Trảng Bàng thành lập, và cũng là trận thắng lớn của đơn vị.

Trung đội Nữ pháo binh Trảng Bàng nã pháo vào sào huyệt của Mỹ - nguỵ (ảnh chụp lại tại Nhà truyền thống huyện Trảng Bàng).

Một ngày giữa tháng 5.1968, mới sáng sớm một tiểu đoàn lính Mỹ từ máy bay trực thăng đổ bộ xuống ngay trận địa của Trung đội Nữ pháo binh để càn vào ấp Lộc Chánh. Thế là Trung đội Nữ và Đại đội 4 của Huyện đội cùng trực tiếp chống càn. Trung đội nữ ở chính diện đánh với một đại đội Mỹ có 2 trực thăng yểm trợ.

Quân số ít nhưng nhờ có 2 khẩu cối 82 ly, các chị bắn dồn dập về phía địch và đẩy chúng ra xa. Địch dùng khói mù, hơi ngạt và trung liên, đại liên bắn trả dữ dội. Các chiến sĩ Trung đội nữ dựa vào công sự và địa hình thuận tiện đã đánh trả 8 đợt xung phong của địch.

Đến khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, địch buộc phải rút lui. Sau tròn một ngày chiến đấu trực diện với kẻ thù xâm lược, Trung đội Nữ pháo binh đã làm thương vong hàng chục tên lính Mỹ. Về phía Trung đội, có một chị hy sinh và một bị thương.

Sau thời gian hoạt động cánh Đông, đơn vị nữ pháo binh vượt sông Vàm Cỏ Đông chuyển qua cánh Tây của huyện Trảng Bàng. Trên địa bàn sông nước chằng chịt, nhiều đồng ruộng sình lầy, các chị em trong Trung đội cùng nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chuyển pháo an toàn.

Trung đội đã nã pháo vào đồn Bình Thạnh làm sập hai tháp canh, diệt hàng chục tên địch. Rồi đơn vị lại chuyển về cánh Đông tập trung bắn pháo vào Chi khu Trảng Bàng. Trong năm 1968, Trung đội Nữ pháo binh Trảng Bàng lập được nhiều chiến công và đã làm cho bọn địch ở quận lỵ Trảng Bàng khiếp sợ.

Trung đội Nữ pháo binh Trảng Bàng (ảnh chụp lại tại Nhà truyền thống huyện Trảng Bàng).

Bà Bè kể thêm, hồi đó trong đơn vị có chị Ngô Thị Điểm, một tiểu đội trưởng chiến đấu rất dũng cảm. Sau này, mỗi khi có dịp ôn lại những năm tháng tuổi trẻ, bà Điểm thường nói: “Hồi đó không biết sao mình không sợ chết”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phía, cũng là một nữ chiến sĩ trung đội năm xưa thì: “Mình hổng đánh nó, thì nó cũng đánh mình, chỉ duy nhất một con đường- đánh!”. Khi gia nhập vào Trung đội Nữ pháo binh, các nữ chiến sĩ ngày ấy đều được rèn luyện một tinh thần chiến đấu sắt thép và luôn tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật đề ra.

Trung đội trưởng Nguyễn Thị Coi luôn nhắc nhở: chiến đấu là nhiệm vụ tối quan trọng, các chị em không được có tình cảm riêng tư, không được có tình yêu nam nữ làm mất tập trung, ảnh hưởng tinh thần chiến đấu. Các chị em trong trung đội nữ pháo binh đồng loạt răm rắp nghe theo.

Ông Lê Khoăn cho biết, chiến tranh ngày càng ác liệt, cán bộ lãnh đạo trung đội nữ pháo binh người bị thương, người hy sinh; số chị em còn lại là tân binh chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, nên tháng 3.1969, Huyện đội Trảng Bàng phân công ông làm trung đội trưởng chỉ huy Trung đội Nữ pháo binh (đến tháng 9 cùng năm, ông Khoăn bị địch bắt).

Kể về những khó khăn của các chị em Trung đội nữ trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, ông Khoăn nói, các chị em đêm ngày băng rừng lội suối, vất vả không thua kém nam giới.

Tuy sức vóc nhỏ bé nhưng các chị không hề tỏ ra yếu đuối. Nhiều người mang vác nặng ngang bằng sức nam thanh niên. Chị em còn phải chấp nhận khó khăn trở ngại trong những “ngày đặc biệt”, nhất là trong hoàn cảnh trăm bề thiếu thốn, lắm khi nước cũng không đủ dùng.

Thế nhưng các thành viên Trung đội Nữ pháo binh vẫn không quản ngại nhọc nhằn, gian khó, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ kiềm chế các cuộc tấn công của địch.

Lại một mùa xuân đến, đất nước đang trên đà dựng xây và phát triển. Huyện Trảng Bàng cũng đang trong giai đoạn phát triển tiến lên thị xã. Có được cuộc sống no ấm, bình yên như ngày hôm nay, người ta không thể quên sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông một đời đánh giặc giữ nước, sẵn sàng hy sinh cả xương máu, cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập dân tộc, trong đó có các chị Trung đội Nữ pháo binh Trảng Bàng.

NGỌC HÂN- NGỌC MY