BAOTAYNINH.VN trên Google News

90 năm đền thánh Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 08/03/2017 - 15:40

BTNO - Có thể thấy rằng, ngôi Đền thánh hiện tại cao lớn gấp mấy chục lần với nhiều chi tiết, cấu trúc mới như mái nhiều tầng cùng các tháp Nghênh Phong, Bát Quái, cửa gỗ lối đi, bao lam cửa sổ, cột rồng nội thất… lộng lẫy khang trang thì vẫn là sự phát triển lên từ ý tưởng kiến trúc đầu tiên bằng nứa, lá, tranh tre.

Nội thất Toà thánh ngày đại lễ.

Đi xem triển lãm của đạo Cao Đài nhân dịp đại lễ Vía đức Chí tôn mùng 9 tháng Giêng hằng năm, trong mấy chục gian bao giờ cũng có một gian gọi là “Về chùa mới”. Đấy là nơi đạo hữu Cao Đài ôn lại ngày dời các pho tượng Phật Thích Ca và đệ tử của ngài về khu đất nay thuộc khuôn viên Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ngày ấy đến nay đã 90 năm, bởi sự kiện này diễn ra vào đêm 13.2 Đinh Mão, tức đêm 16 rạng 17.3.1927 (theo nữ Đầu sư Hương Hiếu- đạo sử Cao Đài).

Vài năm nay, mô hình triển lãm “Về chùa mới” được thực hiện ngày một công phu, tinh xảo. Chỉ trong mặt bằng 9 mét vuông mà mô tả được cả hành trình cùng câu chuyện dời chùa. Cảnh trí sinh động, vừa bằng cây kiểng vừa bằng tranh vẽ. Lại có cả các mô hình chuyển động; nào cảnh xe bò chở tượng, người xúm xít đẩy xe; nào cảnh lao động công quả tấp nập khai phá rừng hoang- người đánh xe trâu, kẻ kéo nước nấu cơm hoặc gánh gồng đi chợ…

Người nghệ sĩ dân gian dường như đã tái hiện lại cả một không gian thời “khai sơn phá thạch” tại khuôn viên Toà thánh Cao Đài. Nổi bật lên ở một góc mô hình, chính là ngôi Đền thánh được xây dựng lần đầu tiên vào tháng 3.1927. Dù chỉ đơn sơ bằng nứa, lá, tranh, tre nhưng khối kiến trúc này khá giống với ngôi Đền thánh ngày nay. Cũng hai tháp chuông và trống cao hai bên với một mái kiểu mái chùa ở giữa. Ngôi chính điện ở đằng sau khối tháp cũng chạy dọc ra sau, hai mái dốc đổ xuôi.

Có thể thấy rằng, ngôi Đền thánh hiện tại cao lớn gấp mấy chục lần với nhiều chi tiết, cấu trúc mới như mái nhiều tầng cùng các tháp Nghênh Phong, Bát Quái, cửa gỗ lối đi, bao lam cửa sổ, cột rồng nội thất… lộng lẫy khang trang thì vẫn là sự phát triển lên từ ý tưởng kiến trúc đầu tiên bằng nứa, lá, tranh tre.

Trước kia người xem có thể “hồ nghi”, rằng đấy chỉ là một ký ức mờ xa được phục dựng từ trí nhớ. Nhưng nay thì đã có căn cứ. Là nhờ ban tổ chức lễ kỷ niệm 180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển (1836-2016) đã sưu tầm và đem triển lãm các tấm ảnh Tây Ninh trong quá khứ, trong đó có tấm ảnh Toà thánh Tây Ninh tháng 3.1927.

Thật đáng ngạc nhiên là kiến trúc này còn đẹp hơn cả mô hình làm trong triển lãm. Và nó không hoàn toàn bằng gỗ, tre, lá như ở mô hình; mặt tiền tầng trệt được xây gạch hẳn hoi, 5 gian với các ô cửa vòm cong, có cả một hàng lan can con tiện trên bờ nóc mái. Ở tầng trên, nổi bật mái nhà kiểu dân gian truyền thống, kiểu 4 mái, kích thước lớn hơn và cũng trau chuốt hơn, dù lợp lá.

Đặc biệt, hai nóc mái tháp cũng nhọn hơn, với 6 hoặc 8 bề mặt mái nên trông có cảm giác mái tháp hình chóp nón. Điểm nhấn của trang trí mặt tiền là nổi bật tấm cuốn thư (dường như viết các chữ nho) như đang mở ra một trang sách mới, kính cáo giữa đất trời. Tác giả bức ảnh còn chụp được một đàn em nhỏ chạy phía trước, hướng về ống kính, tất cả đều mặc quần áo bà ba và mang nón.

Từ tư liệu lịch sử này, ta hãy cùng đối chiếu với ngôi Đền thánh hôm nay.

Đền thánh nằm ở góc phía Đông Bắc khuôn viên gần 100 ha của khu nội ô Toà thánh. Mặt tiền quay về hướng chính Tây. Nhìn từ bên ngoài, người ta đã có thể nhận ra sự phối hợp các nền kiến trúc đông, tây, kim cổ. Hai tháp lầu chuông, lầu trống có chiều cao tới nóc, tính từ mặt sân là 27 mét cho ta hình bóng gác chuông nhà thờ Thiên Chúa giáo. Khoảng giữa của mặt tiền, giữa hai lầu chuông trống là một toà kiến trúc 3 tầng, mỗi tầng một phong cách khác nhau. Dưới là tiền sảnh bán nguyệt với các trụ tròn đắp nổi hình rồng như một dạng đền miếu Trung Hoa. Tầng giữa có sự kết hợp những vòm cong châu Âu trung cổ với hình tượng cuốn thư trong kiến trúc đình miếu dân gian người Việt. Tầng trên lại trau chuốt một mái chùa với các đầu đao lượn nhẹ. Trên đỉnh mái chùa còn có pho tượng Phật Di Lạc ngự giữa toà sen.

Toà Nghênh Phong đài trên khoảng giữa mái cũng có 2 khối hình: vuông ở bên dưới, tròn ở bên trên, kết thúc bởi một mái vòm kiểu thánh đường Hồi giáo. Có một ẩn ý Việt cổ ở trong ấy rằng trời thì tròn, đất thì vuông từ thời Tổ Hùng Vương dựng nước. Phần tháp trên mái Bát Quái đài ở phía sau chót lại là toà tháp 3 tầng, 8 cạnh theo mô hình bát quái đồ của đạo Lão.

Thế nhưng, tượng ba vị trên đỉnh lại là 3 vị thần của đạo Bà La Môn, Ấn Độ. Sự kết hợp giữa các mảng khối chi tiết kiến trúc này lại khá hài hoà, cho người xem một cảm nhận ngôi Đền thánh vừa bề thế, cao vời, vừa gần gũi với tâm hồn mộc mạc của người dân Nam bộ. Bên trong nội thất, phần chính giữa là Cửu Trùng đài được thiết kế phần nền thành 9 cấp cao dần về phía Bát Quái đài. Dĩ nhiên, mọi bộ phận và chi tiết kiến trúc của ngôi Đền thánh kể từ các trang trí hoa văn cửa sổ đến các tượng, phù điêu các vị thánh thần, tiên phật, các chức sắc khai đạo, cột rồng, giảng đài, các biểu tượng gắn trên mỗi phần kiến trúc… đều mang một ý nghĩa nhất định. Tất cả chung quy lại, nhằm biểu đạt tôn chỉ của đạo Cao Đài là: “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi phục nhất”.

Nói về kích thước của Đền thánh, hiện có một số tài liệu in trên các báo viết không chính xác, trong đó có chi tiết bề ngang tới 27 mét, lầu chuông cao tới 40 mét. Thực ra, kích thước thật sự của Đền thánh nếu không kể tới phần bán nguyệt của tiền sảnh thì mặt bằng (phủ bì) có hình chữ nhật bề ngang chỉ 22m, bề dài 93m.

Phần chính của nhà được chia làm 3 gian, gian giữa 7 mét, gian bên 4,2m. Hai hành lang, mỗi bên rộng lọt lòng 2,4m. Từ trước ra sau lần lượt là tiền sảnh bán nguyệt, bán kính 4,5m. Tịnh tâm điện rộng 5,6m, hai bên là 2 lầu chuông trống mặt bằng vuông mỗi chiều 5,6m. Tiếp theo là 9 nhịp gian của Cửu Trùng đài, mỗi nhịp 7m, sau nữa là Cung đạo rộng 2,8m và sau cùng là Bát Quái đài hình bát giác. Trong Bát Quái đài bố trí 12 bậc cấp. Chân cấp 2,4m, cấp trên cùng ở độ cao 3,6m (so với nền sân).

Đền thánh có cấu trúc mái dốc chạy dọc theo chiều dài nhà, mỗi bên lại giật thành 3 cấp, cách nhau một khoảng bố trí các cửa trời lấy ánh sáng và thông gió. Ở các nhịp giữa, trần được mô phỏng vòm cong theo dạng bầu trời như ở những nhà thờ cổ của đạo Thiên Chúa. Giữa chi chít các vì sao là các hình vẽ tượng trưng cho giáo lý Cao Đài, những mảng tròn chạm thủng hình sáu con rồng uốn lượn bện vào nhau rất sinh động. Trên đỉnh mái có các kiến trúc tháp đã kể với Nghênh Phong đài cao 17m, Bát Quái đài 19m. Mái đúc bê tông cốt thép, giả ngói sơn đỏ và vàng được uốn lượn hơi cong, kết hợp với các đường gờ chắn mái tạo nên một ấn tượng ưa nhìn và gợi cảm.

Ngôi Đền thánh có quy mô kiên cố như ngày nay được khởi sự thi công từ năm 1931, tuy nhiên do những khó khăn về tài chính nên đến 14.12.1936 mới thật sự khởi công.

Cho đến nay, sau 90 năm kể từ ngày di dời “về chùa mới” với kiến trúc ban đầu chỉ nứa, lá, tranh, tre ngôi; Đền thánh trong quần thể kiến trúc Toà thánh Tây Ninh hiện là một trong những điểm du lịch quan trọng bậc nhất ở Tây Ninh, được đông đảo du khách thập phương tìm tới.

TRẦN VŨ


 
Liên kết hữu ích