BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài dự thi Cuộc thi viết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:

Bà Ba “từ thiện” 

Cập nhật ngày: 24/09/2018 - 11:47

BTN - Từ nhiều năm qua, bà Lê Thị Huệ- 57 tuổi, Trưởng Ban quản lý ấp Long Bình, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu được nhiều người trong ấp gọi với cái tên rất thân thương: bà Ba “từ thiện”.

Bà Ba “từ thiện” (bên phải) tận tình lo bữa cơm trưa cho bà Rảnh.

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, khi còn ngoài quê, bà Huệ làm giáo viên trường làng. Lương không đủ nuôi gia đình, năm 1994, vợ chồng bà dắt 4 người con vào Tây Ninh sinh sống. Không họ hàng thân thích, không nơi nương tựa, thời gian đầu, gia đình bà ở đậu trên đất của người khác ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu.

Chân ướt chân ráo nơi đất khách quê người, không nghề nghiệp, hằng ngày, hai vợ chồng bà chỉ biết nai lưng ra làm thuê, làm mướn kiếm tiền sinh sống. Bà nhớ lại: “Hồi đó, cuộc sống cơ cực đến nỗi không chịu đựng được nữa, chồng tôi đành phải chia tay, tìm phương khác sinh nhai. Bốn đứa con ở lại với tôi. Rồi không ai thuê mướn gì nữa. Một mình tôi đành chuyển sang làm nghề bán vé số dạo kiếm tiền nuôi con. Nhiều lúc cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”.

Theo năm tháng, các con bà cũng dần lớn khôn, chăm chỉ học hành, lao động chung lưng đấu cật với bà. Nhờ thế, cuộc sống gian khổ dần dần bị đẩy lui. Sau một thời gian tích cóp, năm 2003, bà và các con dời về ấp Long Bình, xã Long Chữ mua đất, cất nhà làm ăn, sinh sống. Hiện nay, các con của bà đã lớn, thành đạt, lập gia đình và ra ở riêng.

Bà Ba sống chung với vợ chồng con gái út và hai đứa cháu ngoại. Hằng ngày, các con đều cho bà tiền tiêu vặt. Bà cũng đang nuôi 9 con bò sinh sản. Có chút thu nhập, bà để dành làm từ thiện. Bà Ba nhớ lại: “Trong xóm này có một tiệm bán bánh canh, bún riêu. Tôi hay đến đây ăn sáng. Tôi thấy có vài người nghèo khổ, muốn vào ăn, nhưng không đủ tiền. Nhớ lại, mình cũng từng có một thời gian dài đói khổ như vậy, thấy thương, tôi kêu họ vào ăn, tôi trả tiền”.

Thế là từ đó đến nay, những người đói khổ thường hay chờ bà đến ăn sáng để được bà trả hộ. Không những thế, trong xóm hễ có gia đình nào lâm vào hoàn cảnh đau bệnh, không có tiền, họ đều tìm đến gõ cửa nhà bà, nhờ cứu giúp. Bà sẵn sàng cho tiền thuê xe đưa đi bệnh viện và điều trị bệnh. Bà kể: “Có trường hợp bệnh nặng, tôi giúp 2 triệu đồng. Sau khi xuất viện trở về, tôi thường đến nhà thăm tiếp tục hỗ trợ khó khăn”. 

Trưa 19.9, chúng tôi đến thăm, sức khoẻ của bà chưa bình phục vì bị điện giật trước đó hai ngày, nhưng bà vẫn bảo con cháu nấu cơm, làm thức ăn để bà đem đến cho một bà cụ trong xóm. Theo chân bà Ba, chúng tôi cùng đến thăm bà cụ. Ði vòng vèo qua những đoạn đường nhỏ hẹp trên bờ ruộng, chúng tôi đến trước một căn nhà tình thương cũ kỹ. Trong nhà có một cụ già, tóc bạc, lưng còng, đang lom khom cho những trái mướp vào bọc ni-lông.

Thấy bà Ba đem cơm đến, bà cụ dừng tay nghỉ ngơi. Bà Ba vào nhà lấy chén đũa, bới cơm, gắp thức ăn trong chiếc cà mên của mình vừa mang tới và đưa cho bà cụ dùng. Bà cụ tâm sự, bà tên Trần Thị Rảnh, năm nay 79 tuổi, chồng qua đời đã lâu. Một người con của vợ chồng bà cũng đã chết, 3 người con còn lại ở xa, đều nghèo khổ. Mấy chục năm nay, bà sống thui thủi một mình. Trước sân nhà bà có một khoảnh đất ruộng chừng vài chục mét vuông.

Hằng ngày, bà ra đó cuốc đất, trồng hoa màu để bán cho bà con trong xóm, kiếm tiền sinh sống. Nhưng việc bán hoa màu cũng tuỳ vào hên xui. Vì bà không có khả năng chở sản phẩm của mình ra chợ bán, nên khi thu hoạch xong, bà cứ để trước sân, ai đến mua được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Gặp lúc hoa màu dội chợ, xuống giá, bà đành để héo úa rồi đem bỏ. “Mấy năm qua, nhờ sự giúp đỡ của bà Ba, nếu không, tôi chưa biết sẽ sinh sống ra sao”, bà Rảnh xúc động nói.

Trong lúc bà Rảnh ăn cơm, bà Ba ngồi cạnh bên hỏi thăm sức khoẻ. Biết bà Rảnh đang bị bệnh chóng mặt, nhức đầu, bà Ba lấy tiền túi ra cho 100.000 đồng để mua thuốc và hứa về nhà sẽ đem sữa đến cho bà Rảnh. Rời nhà bà Rảnh, trên đường trở về nhà, bà Ba kể thêm: “Tôi giúp đỡ bà cụ nhiều năm rồi.

Có lần đến nhà, tôi thấy bà cụ nằm bất động trên nền nhà, tay chân co quắp, miệng ú ớ không nói được gì. Tôi hoảng quá, ẵm bà lên giường rồi chạy ra ngoài xóm la làng, kêu bà con đến cứu giúp. Sợ bà chết, tôi khóc quá chừng. Sau một lúc cạo gió, xoa bóp tay chân, may mắn bà tỉnh lại. Từ đó đến nay, mỗi khi trái gió trở trời là tôi thường đến trông nom bà cụ”.

Bà Ba không thống kê số tiền mình làm từ thiện, cũng không nhớ hết những người mình đã giúp đỡ, bà chỉ ước tính, trung bình, mỗi năm, bà sử dụng hết số tiền khoảng 40-50 triệu đồng vào việc giúp đỡ người khác. Nữ Trưởng Ban quản lý ấp này chia sẻ: “Có những lúc làm từ thiện hết tiền túi, tôi xin con cái thêm để giúp bà con. Các con tôi cũng thích làm từ thiện, mỗi lần chúng nó về thăm đều dúi vào tay tôi ít tiền để tôi giúp bà con.

Chỉ tính riêng trong dịp Rằm tháng 7 vừa qua, có đứa cho năm bảy triệu đồng, có đứa cho cả trăm ký gạo với nước tương, dầu ăn. Chúng phân chia ra thành nhiều phần nhỏ đem cho bà con nghèo trong xóm”. Bà Ba còn bộc bạch, bà đã giữ cương vị Trưởng Ban quản lý ấp Long Bình được gần 2 nhiệm kỳ. Bà dự định, sắp tới, khi hết nhiệm kỳ lần này, bà sẽ xin nghỉ, không tham gia vào công việc của ấp nữa, để dành nhiều thời gian hơn cho việc làm từ thiện.

Chị Lê Thị Tuyết Nga- cán bộ Tuyên giáo xã Long Chữ cho biết thêm: “Bà Ba khiêm tốn, không kể nhiều về mình, với tấm lòng thương người như thể thương thân, bà luôn quan tâm giúp đỡ người khác, như bà đã mua bảo hiểm y tế cho 3 hộ gia đình nghèo và nhiều việc làm thiết thực khác. Là Trưởng Ban quản lý ấp, bà luôn hoàn thành nhiệm vụ và hằng năm luôn đi đầu trong công tác”.

Với những nghĩa cử cao đẹp của mình, vừa qua, tại Hội nghị gặp gỡ các gương tiêu biểu “Nét đẹp thường ngày làm theo gương Bác” huyện Bến Cầu năm 2018, do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bến Cầu phối hợp cùng Ðài Truyền thanh huyện và Huyện đoàn Bến Cầu tổ chức, bà Ba “từ thiện” là 1 trong 12 cá nhân được tuyên dương.

Có thể so với nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả khác, chuyện bà Ba làm từ thiện mỗi năm chỉ vài chục triệu có lẽ chẳng đáng bao nhiêu, nhưng với hoàn cảnh chỉ đủ ăn đủ mặc mà giúp đỡ người dưng nước lã bằng tất cả tấm lòng, bằng tất cả số tiền mình dành dụm được như bà Lê Thị Huệ, quả thật, không phải ai cũng làm được.

Ðại Dương