BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bà Merkel 'run rẩy' khiến châu Âu lo lắng về khoảng trống để lại 

Cập nhật ngày: 05/07/2019 - 08:16

Mặc cho những quan ngại về tình hình sức khỏe, Thủ tướng Đức Angela Merkel đáp lại bằng một tuần làm việc vô cùng căng thẳng nhưng hiệu quả, với thành quả bất ngờ ở phút chót.

Trong vòng một tháng trở lại đây, vấn đề sức khỏe của bà Merkel đang thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Hai lần, trực tiếp trên truyền hình, khi đang thực hiện công việc của mình, thủ tướng Đức bị bắt gặp run lẩy bẩy.

Lần đầu là vào 18/6, khi bà Merkel tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và lần tiếp theo vào ngày 27/6, khi gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Trong cả hai lần, dường như bà đều cố gắng kiềm chế tình trạng đó nhưng không thành công.

Nữ thủ tướng vẫn tiếp tục công việc. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bước sang tuổi 63, và cam kết sẽ hoành thành nhiệm kỳ thứ tư của mình, kết thúc vào năm 2021. Ảnh: AFP.

"Tôi vẫn ổn"

Ngay sau lần run lẩy bẩy thứ hai, thủ tướng Đức ra sân bay, lên chuyến bay kéo dài 12 tiếng tới Nhật Bản, tham gia 10 cuộc gặp song phương với các lãnh đạo thế giới, trong đó có cả cuộc gặp với ông Trump và ông Putin. Chưa hết, bà Merkel trở lại châu Âu ngay sau đó, tham dự cuộc họp thượng đỉnh kéo dài kỷ lục 20 tiếng với các lãnh đạo EU để bàn về nhiều vấn đề, trong đó có việc xác định các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tổ chức.

Đó là lời nhắc nhở cho mọi người về sức bền của bà Merkel, thứ đã được kiểm chứng trong thời gian 14 năm làm thủ tướng Đức và trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng ở châu Âu, từ cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công cho đến khủng hoảng Ukraine. Bà Merkel luôn ở đó.

Tuy nhiên, nó cũng khiến người ta quan tâm hơn đến những bí ẩn về sức khỏe của bà Merkel. Điều gì đang xảy ra với sức khỏe của người phụ nữ được coi là "hòn đá tảng" của nền chính trị châu Âu, trong bối cảnh sức ảnh hưởng của đảng CDU nói riêng, và nước Đức nói chung, đang suy giảm.

"Khi Angela Merkel run rẩy, cả liên minh run rẩy", nhà báo Stephan-Andreas Casdorff đã nói vậy trên tờ Tagesspiegel.

Ở trong nước, việc bà Merkel hai lần run bần bật trong vòng 10 ngày, cộng với một sự việc tương tự diễn ra ở Mexico cách đây 2 năm, là một vấn đề không thật sự được chú ý, vì người Đức nói chung rất tôn trọng quyền riêng tư.

Bản thân bà Merkel cũng né tránh những câu hỏi về tình hình sức khỏe của mình, nói rằng bà "không có gì để báo cáo" khi được phóng viên hỏi về chủ đề này.

"Tôi vẫn ổn", thủ tướng Đức cho biết.

Tuy vậy, hình ảnh thủ tướng run bần bật dường như trở thành biểu tượng cho thực tế là đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, và nước Đức nói chung, đều đang sụt giảm tầm ảnh hưởng. Và điều đó dẫn đến những câu hỏi về người kế nghiệm nữ chính trị gia đầy quyền lực.

Tại Brussels tuần này, bà Merkel đã thất bại trong việc thuyết phục các nước EU lựa chọn những đề cử của bà cho vị trí lãnh đạo khối trong vòng 5 năm tới. Mặc dù vậy, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đàm phán, tầm ảnh hưởng của bà Merkel đã đóng vai trò quan trọng trong việc một người Đức - Ursula von der Leyen, bộ trưởng quốc phòng hiện tại của bà Merkel - được đề cử vào vị trí chủ tịch ủy ban châu Âu.

Bà Ursula von der Leyen, người đang đảm nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng trong nội các của bà Merkel, được đề cử trở thành chủ tịch ủy ban châu Âu. Ảnh: AFP.

Ở trong nước, thăm dò cho thấy đảng của bà Merkel đang tụt lại phía sau đảng Xanh. Người được chỉ định kế nhiệm bà cho chức lãnh đạo đảng CDU - Annegret Kramp-Karrenbauer (AKK) - chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây. Bà AKK - hay còn được truyền thông phương Tây gọi là "tiểu Merkel", đang phải đối mặt với những câu hỏi về khả năng lãnh đạo CDU trong cuộc bầu cử sắp tới, được dự đoán sẽ rất khó khăn.

Ngược lại, bà Merkel, người không phải chuẩn bị kế hoạch cho cuộc bầu cử sắp tới (vì đây đã là nhiệm kỳ cuối cùng của bà), bất ngờ chứng kiến sự ủng hộ tăng trở lại.

Sự kiên cường đã thành thương hiệu

Khi bà Merkel tuyên bố ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2017, thủ tướng Đức cho biết bà làm vậy vì "sức khỏe cho phép". Vào lúc đó ít ai chú ý đến khía cạnh ấy, nhưng bây giờ thì mọi thứ đã khác.

Tuy nhiên Đức là quốc gia cực kỳ tôn trọng quyền riêng tư, và sức khỏe luôn được coi là một chủ đề riêng tư ở quốc gia này. Vào những năm 1970, thủ tướng Đức khi đó là ông Willy Brandt bị trầm cảm nhẹ và có nhiều lần ngoại tình, nhưng thông tin này không được thảo luận công khai mặc dù các nhà báo biết rõ.

Người kế nhiệm ông Brandt là Helmut Schmidt từng bị bệnh tim khiến ông nhiều lần bất tỉnh trong văn phòng. Nhưng một lần nữa, các phương tiện truyền thông không đưa tin về sức khỏe của ông cho đến khi thủ tướng rời nhiệm sở.

Bà Merkel thậm chí còn bí mật hơn, và không chỉ giữ kín về sức khỏe của mình. Không có một bác sĩ chính thức nào làm việc cho thủ tướng. "Không ai biết bác sĩ của bà ấy là ai", Stefan Kornelius, người viết tiểu sử bà Merkel, cho biết.

Khi bà Merkel bị rạn xương chậu vì tai nạn khi trượt tuyết vào năm 2014, báo chí đưa tin hồ sơ trong bệnh viện của bà được đặt một cái tên giả. 

"Bà ấy có sự kiên cường của người Phổ, và đôi khi bà ấy thể hiện điều đó với chính bản thân mình. Bà ấy chưa từng nghỉ ngày nào trong 14 năm làm thủ tướng", ông Kornelius cho biết.

Sau lần gần nhất run rẩy hôm 27/6, bà Merkel lên chuyến bay dài 8 tiếng đến Nhật Bản lúc 8h sáng, tương đương 23h ở Berlin, thủ tướng Đức đi thẳng tới các cuộc gặp với nguyên thủ các nước. Ông Kornelius cho biết những lãnh đạo khác đến Nhật trước một ngày để nghỉ ngơi cho hết "jet lag".

Thủ tướng Đức Angela Merkel bên cạnh các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: AP.

Ở những phương diện cá nhân khác, không ai biết gì nhiều về chồng của bà Merkel là ông Joachim Sauer, ngoài thông tin về việc ông là một nhà hóa học và rất thích nghe nhạc của Wagner. Rất hiếm khi chồng bà xuất hiện ở nơi công cộng.

Mùa hè năm ngoái, khi có thông tin về việc bà Merkel cùng chồng sẽ không thực hiện chuyến đi bộ hàng năm tới dãy Alps bên phía Italy, lý do của việc này cũng không được công bố. "Có phải vì không đủ thể lực? Hay là vì bà ấy muốn tẩy chay Italy vì Matteo Salvini? Chúng tôi không biết được", ông Kornelius chia sẻ.

Ông Matteo Salvini là bộ trưởng nội vụ kiêm phó thủ tướng Italy, người theo đường lối thiên hữu và chống lại chính sách mở cửa cho người nhập cư mà bà Merkel muốn các nước EU thực hiện.

Và trong khoảng 4 tuần, công chúng không ai biết bà Merkel làm gì ở đâu, cho đến ngày người ta nhìn thấy bà đang đi mua đồ tại một cửa hàng ở Berlin.

"Bạn có thể tưởng tượng được điều tương tự xảy ra với một tổng thống Mỹ không?", ông Kornelius nhận xét.

Đề cao sự riêng tư

Evelyn Roll, một người viết tiểu sử Merkel khác, kể lại việc từng gửi thư điện tử cho chồng bà Merkel 3 tháng mỗi lần trong vòng hàng năm trời, nhưng luôn nhận được sự từ chối lịch sự.

"Bà Merkel chú trọng sự riêng tư từ ban đầu. Chưa bao giờ có những bức ảnh về kỳ nghỉ hè được cung cấp cho báo chí như những thủ tướng trước đây. Đổi lại, điều đó tạo cảm giác bà là người cực kỳ tập trung vào công việc. Hầu hết người Đức tôn trọng sự đánh đổi này.

Một lý do khác dẫn tới việc không có những sự quan tâm quá mức tới sức khỏe của thủ tướng có thể là vì nhiều người Đức vẫn tin tưởng vào sự ổn định và tính liên tục của các thể chế chính trị của họ.

"Đó là trải nghiệm của người Đức trong vòng 70 năm qua. Có một sự tin tưởng cơ bản vào tính liên tục của các cơ quan nhà nước. Người dân đơn giản tin tưởng rằng một người kế nhiệm sẽ làm tốt công việc", ông Paul Nolte, sử gia tại Đại học Freie ở Berlin, cho biết.

Mặc dù không còn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ như trước, bà Merkel vẫn đang làm rất tốt công việc của mình và nhận được sự ủng hộ cao của người dân Đức. Ảnh: AP.

Yếu tố đó sớm có thể trở thành quá khứ ở châu Âu, nơi khung cảnh chính trị đang có xu hướng trở nên phân mảnh. Bản thân ông Kornelius cũng thừa nhận sức mạnh chính trị của bà Merkel đang bị lung lay.

Nhưng sau một tuần làm việc bận rộn gần như không nghỉ từ thứ sáu đến thứ ba, với hàng chục cuộc họp và hàng nghìn km di chuyển, bà Merkel không chỉ một lần nữa chứng minh sự kiên cường về thể chất của mình, bà cũng biến kế hoạch tưởng chừng như thất bại hoàn toàn trở thành chiến thắng trong phút cuối: các lãnh đạo EU đã lựa chọn bà Ursula von der Leyen làm chủ tịch ủy ban châu Âu.

"Điều này không nằm trong kế hoạch, nhưng bà Merkel vẫn sẽ được ca ngợi vì mang tới cho nước Đức vị trí lãnh đạo", ông Kornelius nhận định.

Nguồn Zing