BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng đi nào cho hợp tác xã kiểu mới ?

Bài 1: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế 

Cập nhật ngày: 23/11/2018 - 06:02

BTN - Phần lớn các HTX vẫn còn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Vì vậy, để các HTX phát triển, phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể (KTTT) cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành có liên quan, cùng tháo gỡ những “rào cản”.

Thu hoạch chuối xuất khẩu của một số hộ dân tại huyện Tân Biên.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, nông nghiệp Tây Ninh còn lạc hậu, vẫn sử dụng sức người trong sản xuất là chủ yếu, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc tập hợp một lượng lớn hàng hoá khi có đơn hàng lớn cung cấp cho các doanh nghiệp hoặc xuất khẩu là điều không dễ dàng. Vì vậy, hợp tác xã (HTX) được coi là một trong những hình thức tập hợp hàng hoá cùng với lực lượng sản xuất hiệu quả nhất. Qua 5 năm thực hiện HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 (có hiệu lực vào ngày 1.7.2013), nhiều HTX kiểu mới vẫn loay hoay trong việc tập hợp người dân, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, phần lớn các HTX vẫn còn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Vì vậy, để các HTX phát triển, phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể (KTTT) cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành có liên quan, cùng tháo gỡ những “rào cản”.

Một trong những mục tiêu chính của HTX kiểu mới là tổ chức lại sản xuất cho người dân, đưa người dân vào tổ sản xuất để nâng cao trình độ cũng như nhận thức về thị trường. Chỉ khi tập hợp lại với nhau, tạo sự liên kết vững chắc giúp nông dân giảm thiểu những chi phí không cần thiết, nâng cao giá trị sản xuất, đầu ra sản phẩm ổn định hơn.

Phá bỏ “rào cản” KTTT

Trên thực tế, KTTT đóng vai trò quan trọng trong phát triển  kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi HTX còn hoạt động theo luật năm 2003 (kiểu cũ), tất cả làm theo kiểu “cha chung không ai khóc” khiến cho nhiều HTX “chết yểu” sau một thời gian hoạt động. Luật HTX năm 2012 thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý, HTX chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra, một số khâu của quá trình sản xuất như tìm nguồn hỗ trợ nông dân về vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Trong khi đó, tài sản như đất đai, vốn liếng thuộc về các thành viên. Các thành viên tự nguyện hợp tác tương trợ, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình, tháo gỡ được “rào cản” phát triển của KTTT. Tính đến nay, toàn tỉnh có 58/112 HTX đã thực hiện chuyển đổi.

Gia đình ông Lê Minh Chia (ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Biên) là một trong những hộ điều kiện kinh tế khó khăn ở xã Tân Bình. Gia đình ông phải đi làm thuê kiếm sống. Từ khi tham gia vào Hội Nông dân xã rồi HTX dịch vụ - nông nghiệp Tân Bình, ông Chia được tham gia các lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò. Nhờ vậy mà sau đó, gia đình ông chăn nuôi đạt hiệu quả, từng bước cải thiện cuộc sống.

Ông Phan Tấn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình (huyện Tân Biên) cho biết, người dân làm ăn nhỏ lẻ rất khó tiêu thụ sản phẩm, khó tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật. Do đó, xã chủ trương thành lập HTX để hướng người dân phát triển theo hình thức kinh tế tập thể. Thành viên vào HTX được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kiểm soát nguồn bệnh, liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Vào HTX, mỗi thành viên sẽ được cung ứng sản phẩm dịch vụ theo hợp đồng, phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ và hưởng phúc lợi của HTX...

Đồng thời, mỗi tháng, ban quản trị tập huấn cho các thành về phương pháp chăn nuôi, sản xuất; kỹ thuật quản lý nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... không để nông dân sản xuất theo kinh nghiệm như trước đây. Ngoài học tập kỹ thuật canh tác, mỗi hộ được cung cấp thông tin thị trường. Từ đó, mỗi thành viên tự điều tiết sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Từng bước làm giàu

Toàn tỉnh có 112 HTX, trong đó có 67 HTX đang hoạt động, 26/67 HTX đã chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, hiệu quả kinh tế mang lại cho các thành viên là không nhỏ.

HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến - Suối Ngô (HTX Tân Tiến) đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. Thành lập từ năm 2006, với số vốn điều lệ đăng ký là 200 triệu đồng, HTX này làm dịch vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2013, HTX Tân Tiến chuyển đổi phương thức hoạt động từ HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới, phát huy sức mạnh của tập thể, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Hoạt động hiệu quả, công khai tài chính, HTX đã tạo lòng tin cho người dân. HTX đã có 79 thành viên, doanh thu năm 2017 trên 11,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Năm 2017, HTX đã chi hơn 300 triệu đồng cho việc này.

Theo Liên minh HTX, sau một thời gian triển khai Luật HTX kiểu mới, nhận thức về phát triển KTTT ở các ngành, địa phương được nâng lên. HTX trở thành một kênh huy động nguồn lực, góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Một số HTX hoạt động có hiệu quả đã làm tốt công tác giải quyết các mối quan hệ sản xuất ở vùng nông thôn, giữa KTTT với kinh tế hộ gia đình, và là một thành phần kinh tế quan trọng đối với phát triển nông nghiệp - nông thôn. Hoạt động của HTX ngày càng đa dạng và phong phú hơn- từ cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đến tham gia liên kết tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn đối với lúa, rau củ, cây ăn trái…

Có thể khẳng định, việc chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 của các HTX là chủ trương đúng đắn nhằm góp phần đưa KTTT phát triển. Nhiều HTX đã tạo việc làm cho lao động nông thôn, làm tốt vai trò gắn kết nông dân trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm “sạch”, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, cũng còn không ít HTX hoạt động rất khó khăn, rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mỗi thành viên HTX cũng cần phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm KTTT tư duy bao cấp. Có như vậy, HTX kiểu mới mới thực sự trở thành “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế - xã hội.  

Vũ Nguyệt