BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm gì để phát triển các khu kinh tế cửa khẩu ở Tây Ninh ?

Bài 1: Nhiều “bệnh” 

Cập nhật ngày: 11/07/2018 - 06:02

BTN - Cần phải làm gì để tạo động lực thúc đẩy các KKTCK này dịch chuyển đúng hướng? Mô hình nào phù hợp với đặc thù của các KKTCK ở Tây Ninh? Những vấn đề trên đã được đặt ra tại hội thảo về phát triển KKTCK trên địa bàn Tây Ninh, diễn ra ngày 10.7.2018.

Một dự án đô thị ở Mộc Bài.

Với thực trạng đầu tư, hoạt động “èo uột” trong khoảng 10 năm trở lại đây, các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài, Xa Mát đang trở nên “ảm đạm” và có tương lai khá mù mịt.

Liệu các KKTCK này còn có khả năng “hồi sinh”, có thể chuyển mình mạnh mẽ và trở thành những khu kinh tế phát triển toàn diện? Cần phải làm gì để tạo động lực thúc đẩy các KKTCK này dịch chuyển đúng hướng? Mô hình nào phù hợp với đặc thù của các KKTCK ở Tây Ninh? Những vấn đề trên đã được đặt ra tại hội thảo về phát triển KKTCK trên địa bàn Tây Ninh, diễn ra ngày 10.7.2018.

Vẫn có điểm lạc quan

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, với đường biên giới dài hơn 240km giáp Vương quốc Campuchia và 14 cửa khẩu (trong đó Mộc Bài và Xa Mát là các cửa khẩu quốc tế trên bộ lớn nhất phía Nam), Tây Ninh xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Ðến nay, Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài đã được thành lập tròn 20 năm (1998 - 2018); KKTCK Xa Mát hình thành được 15 năm. KKTCK Mộc Bài giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia, trong xây dựng và phát triển kinh tế hướng ngoại. Nơi đây có điều kiện trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng trong chiến lược phát triển kinh tế phía Nam của Việt Nam.

So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Mộc Bài có lợi thế đặc biệt khi nằm trên đường Xuyên Á (bắt đầu từ Myanmar, qua Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và kết thúc ở Quảng Tây - Trung Quốc).

Trên trục đường này, Mộc Bài chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 70km, cách thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia 170km. Do đó, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trở thành giao điểm quan trọng của hệ thống trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Nam nước ta.

Nguồn lao động và chất lượng lao động cũng là một trong những nội dung được hội thảo quan tâm. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hiện có khoảng 15.000 lao động đang làm việc tại KKTCK Mộc Bài, với mức tăng trưởng lao động hằng năm khoảng 5,4% trong giai đoạn 2013 - 2017. Tuy vậy, đây chủ yếu là số lao động phổ thông làm việc tại một doanh nghiệp công nghiệp (gia công giày). Trong khi tại KKTCK Xa Mát, năm 2017 chỉ có... 30 lao động làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Ðiều này cho thấy, tỷ lệ việc làm chính thức được tạo ra từ hoạt động KTCK là không cao.

Về khả năng thu hút đầu tư, dù số lượng dự án đăng ký đầu tư (bao gồm dự án FDI) không nhỏ, nhưng thực tế số dự án được triển khai và đi vào hoạt động rất thấp. KKTCK Mộc Bài có diện tích gần 2.000 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích trên đã được đền bù, giải phóng mặt bằng và có 53 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 8.000 tỷ đồng và 200 triệu USD. Thế nhưng, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp- chỉ 14% đối với các dự án trong nước và 63% đối với các dự án FDI.

Trong số 53 dự án đăng ký đầu tư, chỉ có 8/18 dự án đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động; 9/9 dự án khu dân cư, khu đô thị chậm được triển khai; 10/20 dự án thương mại dịch vụ chậm triển khai, trong đó có 1 dự án ngưng hoạt động; 1/1 dự án du lịch chậm được triển khai; 5/5 nhóm dự án trụ sở làm việc đi vào hoạt động.

Trong khi đó, cửa khẩu quốc tế Xa Mát cũng có vai trò, vị trí và tầm quan trọng không kém trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn Tây Ninh.

Từ cửa khẩu này, hoạt động giao thương, vận tải đường bộ được thông suốt qua thủ đô của Vương quốc Campuchia, sang thủ đô Bangkok của Thái Lan...

Sau khoảng 2 thập kỷ hình thành, tồn tại, về cơ bản, các KKTCK ở Tây Ninh đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung cho tỉnh nhà cũng như nền kinh tế trong nước. Thời gian qua, các KKTCK bước đầu khơi dậy và phát huy tiềm năng của địa phương, thu hút được 53 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực (có 6 dự án đầu tư nước ngoài).

Thông qua việc đầu tư, phát triển các KKTCK, giao thương giữa Tây Ninh và các vùng lân cận qua hai cửa khẩu quốc tế trên địa bàn với phía Campuchia đã được khơi thông, góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển sản xuất trong nước.

Cụ thể, về kim ngạch xuất - nhập khẩu (XNK), riêng tại KKTCK Mộc Bài, tổng kim ngạch XNK tăng đều hằng năm, từ mức 431,4 triệu USD năm 2013 lên gần 621 triệu USD năm 2017. Ðối với KKTCK Xa Mát, từ năm 2014 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu tuy có giảm, nhưng đây vẫn là KKTCK có tiềm năng phát triển giao thương của cả vùng Ðông Nam bộ với các nước trong khu vực, nhất là khi quốc lộ 22B được nâng cấp trong thời gian tới.

Hoạt động ở các KKTCK thời gian qua đã góp phần tích cực vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ... đã tạo việc làm cho nhiều lao động; tạo điều kiện hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế - văn hoá, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và quốc phòng an ninh.

Từ sự gia tăng mạnh kim ngạch XNK qua biên giới, ngân sách hằng năm thu từ các KKTCK khá lớn. Nếu như năm 2013, thu ngân sách từ KKTCK Mộc Bài được 13,2 tỷ đồng thì đến năm 2017, số thu ngân sách từ KKTCK này là gần 34,7 tỷ đồng.

còn “ngổn ngang” tồn tại, hạn chế

Dù vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình hình thành, phát triển các KKTCK trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong đó, việc quy hoạch các KKTCK mang dấu ấn của cơ quan quản lý, chưa gắn kết với ý tưởng và sự quan tâm của các nhà đầu tư nên việc triển khai quy hoạch chưa đạt được sự tập trung cần thiết.

Sự kỳ vọng quá lớn vào nhà đầu tư khiến địa phương bị hụt hẫng, khi nhà đầu tư tham gia nhiều dự án với diện tích đất “khủng” nhưng năng lực hạn chế, dẫn tới các dự án này “chết yểu”, hiệu quả đầu tư kém, nhiều dự án bị trì trệ trong thời gian dài...

Việc hạn chế về vốn đầu tư hạ tầng cũng là một trong những tồn tại kéo dài thời gian qua ở các KKTCK. Do hạ tầng không được triển khai đồng bộ theo quy hoạch, dẫn tới hạn chế trong thu hút đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại còn lạc hậu, chắp vá, manh mún.

Hoạt động thương mại biên giới chưa mạnh, chủ yếu là buôn bán nhỏ cùng với hoạt động quản lý giao thương còn nhiều bất cập cũng là những vấn đề chưa được giải quyết thời gian qua.

Theo các chuyên gia đến từ Trường đại học Kinh tế - Luật (Ðại học Quốc gia TP.HCM), một trong những nguyên nhân chính khiến các KKTCK chậm phát triển hoặc có bước “thụt lùi” là do các chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa thật sự hấp dẫn và thiếu sự ổn định.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá thu hút đầu tư vào các KKTCK này chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; tỉnh còn thiếu các thông tin về dự án kêu gọi đầu tư, thông tin giới thiệu cần thiết về KKTCK, về chính sách ưu đãi...

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngần ngại vào các KKTCK là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động ở các khu này còn thiếu và yếu. Ðồng thời, chất lượng dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu (hệ thống ngân hàng, dịch vụ đóng gói, dịch vụ tài chính - tiền tệ, dịch vụ hành chính công, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu...) ở các KKTCK hầu như chỉ ở mức “sơ khai”.

BẢO TÂM

(còn tiếp)