Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

NGHỊCH LÝ GIÁ XĂNG DẦU

BÀI 1: Xăng dầu giảm giá, hàng hoá dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt 

Cập nhật ngày: 13/08/2022 - 06:58

BTN - Giá xăng dầu đã 2 lần giảm sâu nhưng giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vẫn ở mức cao. Điều đó đặt ra câu hỏi, phải chăng các doanh nghiệp không chia sẻ khó khăn với người dân khi xăng, dầu xuống giá?

Dù xăng dầu lên giá nhưng thời gian qua các doanh nghiệp vận tải vẫn không tăng giá cước để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp sản xuất (ảnh minh hoạ).

CUỘC CHƠI SÒNG PHẲNG

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hoá lâu năm ở thị xã Hoà Thành cho biết, dư luận cần có cái nhìn khách quan và tổng thể về việc giá xăng dầu giảm nhưng cước vận tải hàng hoá không giảm.

Thứ nhất, thời gian qua, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Khi hoạt động ổn định lại chưa bao lâu thì giá xăng dầu tăng cao dẫn đến doanh nghiệp vận tải tiếp tục gặp khó khăn. Dù vậy, doanh nghiệp vận tải lớn vẫn gồng mình không tăng giá cước vận chuyển hàng hoá nhằm góp phần duy trì chuỗi sản xuất cung ứng hàng hoá, bảo đảm quyền lợi cho các đối tác.

Theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc, từ sau dịch đến nay, giá cước vận tải hàng hoá mà các doanh nghiệp vận tải lớn áp dụng cho việc vận chuyển hàng hoá cho các đối tác lâu năm vẫn không thay đổi. Do đó, dù giá xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải mà các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn áp dụng cho đối tác vẫn không điều chỉnh vì đó là “cuộc chơi sòng phẳng” chia sẻ khó khăn cùng nhau.

Anh Mai Huỳnh Tuấn Linh- chủ một doanh nghiệp vận tải tại huyện Châu Thành cho biết, hoạt động vận tải hàng hoá hiện nay có sự cạnh tranh quyết liệt nên không phải giá xăng dầu tăng là tăng giá cước theo được. Anh Linh dẫn chứng, sau dịch Covid-19, giá cước vận tải 1 tấn bột mì đến các tỉnh miền Tây là 210.000 đồng và vẫn giữ giá đến hiện tại, bất kể thời gian qua giá xăng dầu tăng đột biến.

Trong khi đó, lĩnh vực vận tải hành khách, khi giá xăng dầu tăng đã tăng giá vé một số tuyến cố định nhưng khi giá xăng dầu xuống lại không điều chỉnh hợp lý ( ảnh minh họa)

CẦN CÓ SỰ ĐIỀU CHỈNH HỢP LÝ

Tuy nhiên, vấn đề giá cả dịch vụ vận tải hàng hoá, dịch vụ không phải là không có những bất cập cần các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại. Chẳng hạn như giá vé xe khách đi Thành phố Hồ Chí Minh, ngay khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đã xây dựng phương án tăng giá cước. Thế nhưng qua nhiều lần giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải hành khách không chịu xuống, khiến hành khách bức xúc là điều có thể hiểu.

Ông Hoàng Sỹ Hoan- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết: “Rõ ràng giá cước vận tải hành khách thời điểm này đã bất cập, cần được cơ quan chức năng quan tâm, tránh ảnh hưởng quyền lợi khách hàng. Đơn cử như trước đây, khi giá xăng, dầu tăng cao vẫn có doanh nghiệp vận tải hành khách giữ nguyên giá vé, không tăng giá để chia sẻ khó khăn với hành khách; có doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định tăng giá cước gần 30% nên khi giá xăng dầu đã giảm, các doanh nghiệp trên cần phải xây dựng lại phương án giá vé hài hoà với giá xăng dầu để bảo đảm quyền lợi cho hành khách”.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, một vài doanh nghiệp vận tải hành khách đã xây dựng phương án tăng giá vé sau khi xăng dầu tăng giá. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp trên vẫn giữ giá cũ là bất cập. Theo quy định, giá cước vận tải hành khách do doanh nghiệp vận tải hành khách xây dựng trình Sở Giao thông Vận tải xem xét, nếu thấy hợp lý thì thông qua chứ ngành GTVT không ấn định giá cả cho doanh nghiệp. Sở GTVT sẽ mời các doanh nghiệp đến làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng lại phương án giá vé vận chuyển hàng hoá hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ xe khách.

Tấn Hưng