Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông tin thêm về bài báo "Những vướng mắc trong quy hoạch phát triển đô thị thành phố Tây Ninh":

Bàn về “quy hoạch treo” 

Cập nhật ngày: 27/12/2017 - 19:56

BTN - LTS: Sau khi Báo Tây Ninh đăng bài báo trên (ngày 11.11.2017), mới đây, UBND Thành phố đã có văn bản phản hồi (xem Báo Tây Ninh ngày 23.12.2017). Ðể rộng đường dư luận, Báo Tây Ninh tiếp tục thông tin quan điểm, ý kiến của tác giả bài báo trên về một số vấn đề mà UBND Thành phố đã phản hồi.

Khi nói đến từ treo, người ta liên tưởng ngay tới hình ảnh lơ lửng, hiện tượng lửng lơ. Nói đến từ treo, người ta cũng nghĩ ngay đến một sự việc, một việc làm không đến đầu đến cuối, có làm, hoặc muốn làm nhưng không có thành quả rõ rệt.

“Quy hoạch treo” là tình trạng các quy hoạch có nội dung sử dụng đất nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ. Các loại quy hoạch gián tiếp hay trực tiếp liên quan tới đất như: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; quy hoạch giao thông, thuỷ lợi; quy hoạch ngành (công nghiệp, y tế, thể thao, du lịch, thương mại, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh...).

Ðể thực hiện các quy hoạch đã duyệt, người ta cụ thể hoá bằng các dự án, tiểu dự án. Khi các dự án đã được giao đất mà triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai thì các dự án đó được gọi là “dự án treo”. Trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bất kể quốc gia nào, thời đại nào đều phải có những dự kiến mang tính định hướng phát triển cho tương lai, hoặc là định hướng ngắn hạn, hoặc định hướng dài hạn; và quy hoạch là một trong những dự kiến định hướng này.

Trong những dự kiến đó, có dự kiến không thực hiện được với rất nhiều lý do khác nhau và nó được gắn với từ treo. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, cứ có quy hoạch là có thể có “quy hoạch treo”, bản thân quy hoạch đã có treo nằm tiềm ẩn rồi! Vấn đề là mức độ treo như thế nào mà thôi.

Về mặt pháp lý, khái niệm “quy hoạch treo” để chỉ những trường hợp cơ quan nhà nước quy hoạch một khu đất cụ thể để sử dụng cho một hoặc nhiều mục đích cụ thể và đã công bố sẽ thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, nhưng hết năm này đến năm khác vẫn không thấy thực hiện trong khi quyền sử dụng đất của người dân trong khu quy hoạch bị hạn chế, cấm đoán.

Khoản 3, Ðiều 29 của Luật Ðất đai 2003 quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch đó phải điều chỉnh hoặc huỷ bỏ và công bố”.

Những trường hợp sau ba năm mà không thực hiện và cũng không điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch thì được coi là “quy hoạch treo”.

Quy định tại khoản 12, Ðiều 38 của Luật Ðất đai, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì Nhà nước sẽ thu hồi.

Ðiều 64 Luật Ðất đai năm 2013 cũng quy định đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất phải đưa vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo báo cáo của UBND Thành phố và thực tế cho thấy, từ năm 2006 đến nay, tổng số dự án được điều chỉnh cục bộ là 84 dự án. Tính bình quân, hơn 7 dự án được điều chỉnh trong một năm.

Thêm vào đó, Quyết định số 1591/QÐ-UBND ngày 14.8.2013 của UBND tỉnh Tây Ninh về phê duyệt Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Tây Ninh (nay là Thành phố) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000 thì việc điều chỉnh quy hoạch trong phân khu 2 là tương đối nhiều (Công văn số 3713/VP-TH thông báo kết luận phiên họp UBND tỉnh).

Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ thực hiện ở nhiều phân khu ít nhiều tác động đến tính tổng thể của quy hoạch chung và khó giữ vững được những nét chính của quy hoạch chung.

Thực tế, có những quy hoạch chi tiết phân khu được xây dựng trên hiện trạng để cho phù hợp. Và như vậy, chưa đúng với khoản 4, Ðiều 26 Luật Quy hoạch đô thị “Ðồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị”.

Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phân khu 1, 2, 3 do Thành phố trình.

Như vậy, có thể hiểu đối với các công trình, dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước sau một thời gian luật quy định, kể từ ngày kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa đủ kinh phí để thực hiện thì được phép điều chỉnh.

Ðối với các công trình, dự án đầu tư khác mà không đủ kinh phí hoặc chưa xác định được nhà đầu tư để thực hiện thì phải công bố huỷ bỏ.

Hiện nay, một số địa phương không thực hiện việc công bố kế hoạch sử dụng đất hoặc có công bố nhưng sau một thời gian theo quy định của luật mà kế hoạch sử dụng đất đó chưa được thực hiện vẫn không tuyên bố điều chỉnh hoặc huỷ bỏ cho người dân biết, có trường hợp lại thông báo bằng miệng với người dân về quy hoạch công trình này, dự án nọ... đều là không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.

Tóm lại, quy hoạch treo không chỉ căn cứ vào Luật Quy hoạch mà còn căn cứ vào Luật Ðất đai và thực tiễn cuộc sống.

Mục đích của bài báo là chỉ ra những vướng mắc trong công tác quy hoạch đô thị do quy định của pháp luật, để từ đó, cơ quan hữu quan có những giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm thúc đẩy Thành phố phát triển trong tương lai.

KỲ Ý