BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo chí truyền thống sử dụng mạng xã hội để tăng nguồn thu 

Cập nhật ngày: 17/06/2019 - 07:20

BTNO - Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội dẫn đến một thực tế là các cơ quan báo chí truyền thống không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin đến độc giả như trước đây.

Đứng trước thách thức này, nhiều cơ quan báo chí trong đó có các Báo Đảng địa phương đã và đang đẩy mạnh làm báo web, làm báo trên điện thoại di động, đẩy mạnh sản xuất các video clip… theo tiêu chí nhanh, nóng, hấp dẫn, tương tác nhiều hơn với bạn đọc, cũng như tổ chức thêm sự kiện để quảng bá thanh thế, thương hiệu của báo…

Trong đó một trong những việc mà các cơ quan báo chí đã và đang đẩy mạnh là đầu tư để mở các kênh trên mạng xã hội nhằm quảng bá thông tin. Đây sẽ là nơi thu hút quảng cáo nhằm tăng doanh thu cho tòa soạn, khi mà việc quảng cáo truyền thống ngày càng sụt giảm.

Những con số ấn tượng

Theo thống kê của những tổ chức uy tín trên thế giới, năm 2018, lượng người sử dụng những công cụ dùng cho việc giao tiếp, chia sẻ thông tin trên nền tảng internet (social media) toàn cầu tăng 13% so với năm trước.

Tức có khoảng 415 triệu người dùng mới bắt đầu sử dụng social media vào năm 2018, nâng tổng số lượng lên 3,196 tỉ người trên khắp hành tinh đang tham gia ít nhất một kênh social media. Con số này dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng khi công nghệ trở nên phổ cập ở nhiều quốc gia.

Toàn cảnh buổi Hội thảo Báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng với chủ đề “Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội” do Báo Long An tổ chức sáng 15.6

Bên cạnh việc sử dụng social media bằng máy tính bàn, phần lớn người dùng trên khắp thế giới đang truy cập các phương tiện social media bằng điện thoại hoặc máy tính bảng cá nhân. Thống kê cho thấy, có 2,95 tỉ người tham gia vào social media trên nền tảng di động, chiếm khoảng 39% trên tổng số lượng truy cập. Trong đó, Facebook và YouTube là hai mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, người lớn tuổi có xu hướng ưa thích Facebook, trong khi những người trẻ lại hướng về YouTube nhiều hơn.

Mạng xã hội zalo tuy mới xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng cũng đang được người dùng ưa thích và trong năm 2018 zalo đã chính thức cán mốc 100 triệu người dùng. Hiện nay, ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là nền tảng được các cơ quan Nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0.

“Mỏ vàng” quảng cáo

So với hình thức quảng cáo truyền thống thì việc quảng cáo trên mạng xã hội có khá nhiều ưu điểm nổi trội, đó là tính lan truyền mạnh mẽ, nhanh chóng trong cộng đồng người dùng.

Một thế mạnh khác của việc quảng cáo trên mạng xã hội là doanh nghiệp có thể đối thoại và tương tác trực tiếp hai chiều với khách hàng của mình, trực tiếp lắng nghe phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ để có sự điều chỉnh phù hợp.

Chính vì thế, mục tiêu các mạng xã hội đã, đang nhắm đến đương nhiên không dừng ở việc tạo ra một môi trường kết nối trên internet, mà còn là cơ hội kinh doanh và những khoản lợi nhuận khổng lồ được chính những thành viên mang lại.

Theo phân tích của eMarketer (chuyên nghiên cứu thị trường kỹ thuật số, phương tiện truyền thông và thương mại) thì chi tiêu dành cho quảng cáo số năm 2018 có một sự dịch chuyển rất lớn.

Cụ thể, chi phí đầu tư vào quảng cáo số tại Việt Nam tăng từ 131,4 triệu USD (chiếm 13% tổng chi phí cho quảng cáo phương tiện truyền thông) lên 215 triệu USD (chiếm 18.4%) trong giai đoạn từ 2015 – 2017.

Theo dự đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng đều và đạt mức 323,6 triệu USD, tức 23,6% tổng chi phí cho quảng cáo phương tiện truyền thông vào năm 2020. Quảng cáo số vẫn đang trên đà tăng ổn định và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược marketing của doanh nghiệp.

Nhờ mạng xã hội mà video đang dần trở thành một hình thức quảng cáo phổ biến nhất trên các phương tiện truyền thông mạng hiện nay. Cùng với sự phát triển của công nghệ, kỹ xảo và các tính năng mới, video có cơ hội phát triển tiềm lực để thu hút cộng đồng người dùng.

Ngoài ra, video còn giúp các nhà quảng cáo tiếp thị đo lường chính xác số lượng người xem và tương tác. Chi phí để sản xuất và dàn dựng video không quá lớn nhưng lại tạo ra hiệu quả tiếp cận cao. Đó là lý do dễ hiểu tại sao họ lại chú trọng “rót” tiền vào hình thức quảng cáo này.

Lãnh đạo các báo Đảng Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu trao đổi, thảo luận bên lề Hội thảo.

Rõ ràng, social media là nền tảng quan trọng để truyền thông và quảng cáo. Chính vì thế, những nhà tiếp thị quảng cáo sẽ cân nhắc lựa chọn phương tiện nào có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình để xây dựng chiến lược.

Biến thách thức thành cơ hội

Mạng xã hội tạo thách thức lớn đối với báo chí là điều đã rõ, từ độc quyền thông tin đến không còn độc quyền, từ những thay đổi về công nghệ dẫn đến những thay đổi về phương thức làm báo truyền thống, từ lượng độc giả cao đến giảm sút... đã kéo theo sự giảm sút về doanh thu từ quảng cáo và nhiều vấn đề khác, nếu Tòa soạn báo không ứng xử phù hợp và kịp thời.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho mạng xã hội bởi đó là xu hướng phát triển. Công nghệ đã đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội nói chung, báo chí nói riêng, vì vậy, báo chí cũng không phải là đối tượng “đứng ngoài” sự phát triển của công nghệ.

Hiện nay, các tờ báo đang thay đổi cách thức đưa tin và xây dựng kế hoạch thúc đẩy doanh thu mới. Do đó, giống như bất cứ ngành nào, sự thay đổi bao giờ cũng có giai đoạn khó khăn ban đầu.

Điều quan trọng là các cơ quan báo chí đã thay đổi như thế nào, nhất là hệ thống báo đảng địa phương để đón đầu những chiến lược quảng cáo của doanh nghiệp trên mạng xã hội.

Ảnh minh hoạ.

Báo chí truyền thống có thể tận dụng mạng xã hội để tăng tương tác với bạn đọc, xây dựng bạn đọc trung thành, quảng bá các ấn phẩm, tác phẩm báo chí chất lượng; qua mạng xã hội để nắm bắt được xu hướng độc giả để điều chỉnh mình để gia tăng lượng bạn đọc, đồng nghĩa với gia tăng doanh thu quảng cáo trên sản phẩm báo chí thông qua các hình thức như: Facebook Marketing, Search Engine Optimization (SEO), Search Engine Marketing (SEM), Email Marketing, Mobile Marketing, Quảng cáo Banner (quảng cáo hiển thị),...

Không những thế, ngoài công tác quảng bá tuyên truyền, báo chí còn có thể tạo các kênh riêng trên mạng xã hội để chuyển tải những video clip, làm streaming trong giao lưu trực tuyến,... nhằm thu hút nhiều lượt xem để được chia sẻ lợi nhuận quảng cáo từ các kênh xã hội mang lại.

Để theo kịp xu thế hiện nay, bên cạnh hoạt động theo truyền thống, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo Đảng địa phương cũng cần phải xây dựng thêm một số kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo của mình để tương tác, tuyên truyền đến các đối tượng bạn đọc không chỉ trong nước mà còn nước ngoài.

Qua các kênh này, ngoài việc quảng bá thông tin cũng giúp các cơ quan báo chí thuyết phục được các đơn vị doanh nghiệp truyền thống ở lại với báo, đồng thời từng bước tiếp cận với các đơn vị mới để gia tăng doanh thu từ quảng cáo.

Hữu Thiện


Liên kết hữu ích