Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

Bảo đảm cây xanh đô thị an toàn trong mùa mưa bão 

Cập nhật ngày: 31/08/2019 - 11:06

BTN - Các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý cây xanh tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với mọi tình huống do mưa bão gây ra trên địa bàn quản lý…

Thu dọn cành cây vừa được cắt tỉa.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh khẩn trương thực hiện việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, có giải pháp phòng ngừa và khắc phục kịp thời tình trạng cây gãy đổ trong mùa mưa bão; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý cây xanh đô thị; rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý cây xanh tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 5.9.2014 của UBND tỉnh; cắt tỉa cây xanh bóng mát theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú ý tới việc gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để cây không bị nghiêng, ngã đổ khi gió lớn; kiểm tra, rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão.

Các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý cây xanh tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với mọi tình huống do mưa bão gây ra trên địa bàn quản lý; bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc bảo đảm hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trên địa bàn đơn vị quản lý có khoảng 1.160 cây bóng mát như phượng vĩ, bằng lăng, sao, dầu… Quá trình trồng, chăm sóc luôn tuân thủ và thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị. Mùa mưa năm 2018, trên địa bàn quản lý có 4 cây sao bị ngã đổ trên đường. Để khắc phục tình trạng cây gãy đổ trong mùa mưa bão hay gió lớn trên địa bàn, Ban sẽ thống kê, phân loại, đánh số, treo biển tên và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý; rà soát và có biện pháp giằng chống đối với cây nghiêng ngả để hạn chế đổ ngã trong mùa mưa bão.

Tại TP. Tây Ninh, hệ thống cây xanh trên địa bàn chủ yếu là các loại sao, dầu, viết, bằng lăng, tùng, si, móng bò... Hằng năm, cây xanh được cắt tỉa đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm tạo dáng cây, làm cho cây phát triển nhanh hơn và bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Từ khi tiếp nhận quản lý, duy trì cây xanh đến nay (Thành phố tiếp nhận hệ thống cây xanh do UBND tỉnh phân cấp từ năm 2008), chỉ thỉnh thoảng có cây bị gãy cành do sâu bệnh và gặp gió lớn, chưa có trường hợp cây ngã do mưa bão.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã xảy ra tình trạng ngã đổ 48 cây xanh trên đường 30.4, bao gồm 29 cây dầu và 19 cây sao. Các cây này có tuổi thọ khoảng 15 năm, có đường kính thân trung bình 20cm, chiều cao trung bình 8m. Lý do ngã đổ là tuyến đường này đã thi công đào vỉa hè, cắt rễ hai bên cây xanh để ngầm hoá hệ thống điện, cáp viễn thông và hệ thống cấp thoát nước, dẫn đến cây không còn khả năng tự đứng, gặp mưa nền đất mềm làm cây ngã đổ.

UBND Thành phố cho biết, chủng loại và cách trồng cây xanh trên một số tuyến đường có thể chưa phù hợp dẫn đến một số loại cây phát triển không tốt, thường bị sâu bệnh và rễ cây làm bong tróc vỉa hè. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cây xanh chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh, thậm chí làm cây không còn khả năng tự đứng gây ngã đổ.

Cắt tỉa cây xanh trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Do đó, UBND Thành phố cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan khi thực hiện đầu tư dự án phát triển cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, tránh tình trạng trồng cây trước rồi đào cắt rễ để thực hiện hệ thống hạ tầng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Mặt khác, đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh phải thường xuyên kiểm tra, rong nhánh cây xanh nhằm bảo đảm cây phát triển tốt và an toàn trong mưa bão.

Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn, UBND Thành phố cũng đề nghị Sở Xây dựng tham vấn Bộ Xây dựng ban hành quy định và hướng dẫn xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị; dự toán các chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ công ích đô thị (chi phí lập, thẩm định hồ sơ dự toán; chi phí lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu; chi phí giám sát...).

TRÚC LY


Liên kết hữu ích