BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm chất lượng thông tin báo chí 

Cập nhật ngày: 22/02/2017 - 08:42

Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, khoa học, chất lượng nghề nghiệp - nghiệp vụ hội tụ trong mỗi bài báo, mỗi ấn phẩm báo chí. Chất lượng thông tin mà báo chí cung cấp cho công chúng thể hiện tập trung nhất chất lượng báo chí và trước hết được đánh giá theo các tiêu chí là tính kịp thời, chính xác, chân thật, khách quan, độc đáo, đại chúng, công khai và định hướng xã hội đúng đắn...

Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) vừa được Chính phủ ban hành ngày 9-2-2017 và có hiệu lực từ ngày 30-3-2017. Đây là văn bản mang tính pháp lý cao, quy định tập trung và khá đồng bộ những nội dung về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các bên liên quan để bảo đảm chất lượng thông tin cung cấp cho báo chí.

Một mặt, Nghị định xác định rõ trách nhiệm và sáu hình thức cung cấp thông tin của người đứng đầu CQHCNN từ cấp Chính phủ tới cấp xã; người được người đứng đầu CQHCNN giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn); người có trách nhiệm thuộc CQHCNN được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của CQHCNN.

Việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện định kỳ và cả đột xuất, cũng như phải kịp thời (thời gian chậm nhất là 24 giờ) ngay sau khi sự cố xảy ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố bất thường liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của CQHCNN.

Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ cho người phát ngôn của cơ quan, hoặc ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Báo chí.

Bên cạnh quy định chặt chẽ về trường hợp người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn không được ủy quyền tiếp cho người khác, Nghị định cũng khẳng định rõ: Các cá nhân của CQHCNN không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật, nhưng không được nhân danh CQHCNN để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Mặt khác, Nghị định cũng quy định các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp, ghi rõ họ tên người, cơ quan phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn. Trong trường hợp các cơ quan báo chí đăng, phát không chính xác nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đã phát ngôn, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng, phát ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Với Nghị định 09/2017/NĐ-CP, các cơ quan báo chí, nhà báo và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí tại Việt Nam có thêm những điều kiện thuận lợi, cũng như tự đề cao trách nhiệm, thận trọng trong tiếp cận và đăng tải các nguồn thông tin chính thức kịp thời và chính xác, phục vụ công tác tuyên truyền và hoạt động nghiệp vụ báo chí. Việc thực hiện tốt Nghị định sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền của báo chí, đáp ứng nhu cầu minh bạch hóa thông tin, quyền tiếp cận thông tin của người dân, nâng cao trách nhiệm thông tin và giải trình của các CQHCNN.

Bảo đảm chất lượng thông tin báo chí là mục tiêu hàng đầu của người làm báo chân chính và cũng là biểu hiện của năng lực thể chế quốc gia bảo đảm dân chủ và tạo đồng thuận xã hội cao…!

Nguồn Báo Nhân dân


 
Liên kết hữu ích