BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn sau kỳ nghỉ Tết

Cập nhật ngày: 01/02/2017 - 16:01

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, tổng hợp trong sáu ngày, từ 26 đến 31-1 (tức 29 đến mồng 4 Tết), cả nước xảy ra 226 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 141 người. Đáng chú ý, trong ba ngày đầu năm Đinh Dậu, TNGT có xu hướng gia tăng nhanh. Riêng ngày 30-1 (mồng 3 Tết), TNGT tăng mạnh so với các ngày trước đó, với 60 vụ, khiến 38 người chết, 69 người bị thương. Như vậy, bình quân mỗi ngày Tết, có 24 người chết vì TNGT.

Những con số thống kê thương vong chỉ thể hiện một phần nhỏ hậu quả khủng khiếp của nó và trong những ngày Xuân vui vầy, càng khiến cho mỗi chúng ta cảm thấy nhói lòng. Theo thống kê của Bộ Y tế, số người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn tăng rất cao trong dịp Tết.

Số nạn nhân cấp cứu TNGT liên quan đến rượu, bia tăng mạnh, phần lớn là thanh niên. Tại nhiều địa phương, từ thành phố đến nông thôn, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở ba, kẹp bốn, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ,… khá phổ biến; nhiều trường hợp du Xuân, chúc Tết, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, bất chấp nguy cơ xảy ra TNGT.

Hôm nay là ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán, tại các tuyến quốc lộ, lượng người và phương tiện từ các vùng quê trở lại thành phố chuẩn bị cho ngày đi làm đầu Xuân sẽ tăng đột biến, nguy cơ xảy ra tai nạn trên đường và ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố lớn dự báo sẽ phức tạp, căng thẳng hơn dịp trước Tết.

Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương huy động lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có tính phổ biến trong dịp lễ, Tết, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho nhân dân quay lại các thành phố khi kết thúc kỳ nghỉ Tết.

Đồng thời, giám sát chất lượng hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện, xử lý nghiêm tình trạng chở quá số người quy định, tăng giá vé; ứng trực 24 giờ hằng ngày để kịp thời xử lý những vi phạm,...

Qua nhiều năm theo dõi tình hình ATGT dịp Tết, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân khiến TNGT tăng cao ở khu vực nông thôn là do cảnh sát giao thông không đủ lực lượng để quán xuyến hết tại các tuyến đường địa phương. Người dân những nơi này không lo bị công an xử lý, cho nên cứ “thoải mái” vi phạm.

Trước đây, các tuyến quốc lộ chưa được đầu tư nâng cấp, phương tiện vận tải cũ nát, nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân chính gây ra TNGT. Giờ đây, các tuyến quốc lộ đã khá tốt, đường liên thôn, liên xã đã được đổ bê-tông, phương tiện vận tải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng dường như TNGT vẫn chưa có xu hướng giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn do ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của nhiều người rất kém, nhất là thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, từ quản lý phương tiện, lao động đến đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe,… khiến những giải pháp quản lý chỉ đạt hiệu quả nửa vời. Nhiều vụ TNGT thảm khốc, truy tận cùng sẽ thấy sự buông lỏng quản lý, thậm chí thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Nhiều năm nay, vào dịp Tết, TNGT lại có xu hướng tăng vọt. Đó thật sự là hồi chuông báo động. Vì thế, mỗi người cần nhận thức rõ vấn đề, nâng cao văn hóa giao thông, ý thức bảo vệ bản thân, người thân và cộng đồng. Trung bình mỗi ngày, nước ta có khoảng 25 người ra khỏi nhà và mãi mãi không quay về; mỗi ngày, hàng chục gia đình lâm vào cảnh tan nát vì TNGT. Có lẽ, đã đến lúc, phải xác định TNGT là vấn nạn của quốc gia và có các giải pháp hữu hiệu để sớm cảnh tỉnh người dân, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT chừng đó TNGT mới có thể giảm một cách bền vững.

Nguồn Báo Nhân dân