BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm quyền lợi thí sinh trong xét tuyển đại học

Cập nhật ngày: 01/05/2017 - 15:39

Hiện nay, thí sinh trên cả nước đang tích cực ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh vào đại học (ÐH) năm 2017. Năm nay các thí sinh có nhiều khó khăn trong quá trình đăng ký tuyển sinh do thời gian đăng ký ngắn hơn những năm trước mười ngày.

Mặt khác, thí sinh thực hiện đăng ký dự thi đồng thời với đăng ký xét tuyển, cho nên phải nghiên cứu kỹ nhiều quy định, tránh nhầm lẫn. Ðáng chú ý, với quy định tổ chức thi bài thi tổ hợp và những điều chỉnh trong quy định xét tuyển, thí sinh sẽ mất nhiều thời gian để điền chính xác các thông tin, lựa chọn ngành nghề, trường đăng ký xét tuyển phù hợp nguyện vọng, năng lực học tập, cơ hội nghề nghiệp sau này…

Ðể bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong xét tuyển ÐH, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã xây dựng cổng thông tin thi và tuyển sinh, cung cấp đầy đủ các quy chế, văn bản hướng dẫn; thiết lập số điện thoại, thư điện tử trực thi, tuyển sinh, giải đáp thắc mắc cho thí sinh. Các trường ÐH cũng công bố cụ thể đề án tuyển sinh trước mười ngày khi thí sinh bắt đầu đăng ký. Thống kê dữ liệu cho thấy, năm nay tỷ lệ thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển vào ÐH là 643.151 thí sinh, chiếm khoảng 75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi (cao hơn năm 2016 khoảng 5%). Ngoài ra, các trường đề ra các tổ hợp xét tuyển mới, trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội, tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều phương án lựa chọn đăng ký xét tuyển. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm hơn 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Vấn đề đặt ra hiện nay, theo quy định, sau khi biết điểm thi, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình. Bộ GD và ÐT khuyến khích thí sinh điều chỉnh trực tuyến nguyện vọng xét tuyển. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, Bộ cần có phương án kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin, tránh tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hoặc gặp sự cố trong quá trình thí sinh điều chỉnh; tăng cường các kênh hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, trường theo học không chỉ phù hợp năng lực, sở trường và mong muốn của thí sinh mà còn phù hợp điểm thi, điều kiện xét tuyển của các trường ÐH. Việc hỗ trợ, tư vấn không chỉ từ phía Bộ GD và ÐT mà cần triển khai ở cả các sở cũng như các trường THPT.

Ðáng chú ý, việc cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn sẽ giúp thí sinh chọn được ngành mình yêu thích, ở các trường có mức điểm trúng tuyển khác nhau. Tuy nhiên, với 13% số thí sinh đăng ký một nguyện vọng, 30% số thí sinh đăng ký hai nguyện vọng, còn phần đông thí sinh chọn lựa bốn, năm nguyện vọng xét tuyển, có thể dẫn đến tình trạng số thí sinh ảo tăng, việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp, khó khăn hơn cho các trường. Vì vậy, Bộ GD và ÐT xây dựng giải pháp hỗ trợ các trường để lọc những hồ sơ ảo như: Cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất; triển khai phần mềm thống kê nguyện vọng nhằm loại những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển. Mặt khác, các trường ÐH cần phối hợp với nhau thành nhóm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thí sinh ảo khi xét tuyển. Các thí sinh cũng cần xác định ngành nghề phù hợp nguyện vọng, năng lực cá nhân; đồng thời phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học…

Nguồn Báo Nhân dân


Liên kết hữu ích