BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo động tình trạng ngập úng trong tỉnh

Cập nhật ngày: 20/10/2016 - 11:14

Một người dân ở khu vực Trảng Dài (phường 3) bì bõm trong nước.

Ngày càng nhiều điểm ngập

Thời gian gần đây, hiện tượng ngập úng xảy ra liên tiếp tại nhiều nơi trong tỉnh. Điều đáng lo ngại là tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng và có thêm nhiều điểm ngập mới. Một trong số những nơi ngập nặng nhất là khu vực xung quanh bàu Cà Na (huyện Hoà Thành). Thời điểm có mưa lớn, từ các trục đường lớn như Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân cho đến các con hẻm nhỏ đều chìm trong “biển nước”. Những lúc cao điểm, đường bị ngập sâu hơn nửa mét. Nước tràn cả vào nhà dân lênh láng. Nhiều người phải thức sáng đêm để chống chọi với nước.

Tối 13.10, nhiều xe ô tô đưa đại biểu đi dự họp mặt doanh nghiệp ở trung tâm hội nghị Cà Na về, đều phải chật vật xoay xở với tình hình ngập nước trên đường. Có hai xe bị chết máy giữa chừng, sau đó một xe ráng “lết” về được, còn một xe đành nằm lại hiện trường, chờ sáng hôm sau xe cứu hộ đến kéo đi. Ở các ấp Long Mỹ, Long Đại, Long Thới của xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành) nhiều tuyến đường giao thông và các hộ dân trong vùng cũng khốn khổ vì bị nước “hành”.

Tương tự như thế, ở thành phố Tây Ninh, nhiều nơi biến thành sông khi trời mưa lớn. Ở khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, nhiều nơi bị nước ngập “bao vây”. Nhiều hộ gia đình phải thức sáng đêm để bơm hoặc tát nước ra bên ngoài. Cứ sau mỗi cơn mưa là tình trạng ngập nước lại tái diễn. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn trước trụ sở UBND phường có những lúc nước ngập tràn trề, lênh láng. Nhiều phương tiện tham gia giao thông khi ngang đây phải rẽ sang đường khác để tránh bị chết máy giữa chừng.

Ở khu vực Trảng Dài (phường 3) nhiều nhà trong hẻm phải sống chung với lũ. Các em học sinh vất vả đến trường. Tại ấp Ninh Bình, phường Ninh Sơn, nhiều nơi nước ngập gần một mét. Một số vườn cây ăn trái như mãng cầu, xoài, chuối phải đứng chân trong nước suốt một thời gian dài. Một vài hộ dân chịu không thấu đã phải đóng cửa nhà, bỏ đi nơi khác tá túc.

Ở một số huyện, tình trạng ngập úng cũng không thua kém. Trường TH Bàu Đồn ở xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) phải cho học sinh tạm nghỉ học, bởi từ sân trường cho đến phòng ốc đều bị nước chiếm lĩnh. Nhiều hộ dân xung quanh khu vực này phải chịu chung cảnh ngộ. Ở huyện Tân Biên, đường 795, quốc lộ 22B, đoạn qua khu phố 1, thị trấn và ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây bị ngập sâu trong nước. Nhiều nhà dân khu vực này cũng không thoát khỏi tình trạng ấy. Mới đây nhất ở xã Biên Giới (huyện Châu Thành), nước mưa kết hợp với lũ từ bên kia biên giới tràn về đã cô lập hoàn toàn xóm dân cư ấp Rạch Tre. Đường giao thông bị ngập sâu, không còn đi lại được, người dân phải dùng xuồng, ghe thay thế cho xe cộ. Chính quyền địa phương đã phải tổ chức cứu trợ cho dân trong ấp, đây là trường hợp rất hiếm gặp ở Tây Ninh từ trước đến nay.

Cái giá phải trả do mất cân bằng tự nhiên

Trao đổi với chúng tôi xung quanh hiện tượng ngập úng nói trên, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích: có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy.

Về mặt khách quan, do năm nay lượng mưa bất thường, đã xuất hiện những cơn mưa lớn trong một thời gian ngắn. Đó cũng là dấu hiệu của biến đổi khí hậu, điều này vốn đã được dự báo và trong tương lai, tần suất mưa như thế sẽ còn xuất hiện nhiều hơn.

Về mặt chủ quan, có một số vấn đề cần lưu ý như: thứ nhất, hệ thống cống thoát nước ở tỉnh ta hiện nay không đủ và không được bảo dưỡng thường xuyên. Thứ hai, quy hoạch xây dựng chưa hợp lý. Ví dụ như việc xây dựng các dãy nhà phố không tính đến đường thoát nước, vô tình hình thành những “con đê” ngăn nước. Một số con lươn ở giữa đường cũng trở thành đê ngăn nước, do độ nghiêng không hợp lý. Thứ ba, quá trình phát triển đô thị đã lấp đi nhiều khu vực trũng mà không tính đến việc thay thế.

Ví dụ như Bàu Năng, Bàu Cà Na, Vũng Rau Muống và một số bàu, trảng tự nhiên ngày xưa. Trong quá trình phát triển, việc lấp đi một số bàu, trũng là cần thiết, nhưng lẽ ra phải tính đến việc lấp như vậy phải thay thế bằng cách nào để điều hoà lượng nước? Có phải đặt cống không, có phải làm kênh tiêu tự nhiên hay không? Tất cả những điều đó phải được tính toán cho phù hợp. Nếu như chúng ta không làm sớm thì có thể dự đoán được hậu quả sẽ ngày càng nặng hơn.

Thiệt hại về kinh tế, xã hội sẽ rất nặng nề, giống như TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Tây Ninh có cái may mắn là… “đi sau”, nên có thể soi vào tấm gương của những đô thị “đi trước”. Ở các huyện trong tỉnh cũng tương tự, chủ yếu là phát triển đô thị và giao thông mà không tính đến việc thoát nước. Một số con đường không có cống thoát nước phải trở thành đê ngăn nước. Huyện Tân Châu là một vùng đất cao và gần hồ Dầu Tiếng, thế mà khi mưa lớn vẫn bị ngập.

Vườn mãng cầu đứng chân trong nước suốt một thời gian dài.

Theo ông Xuân, để khắc phục tình trạng trên, phải có một nghiên cứu tổng thể, đồng thời tìm ra nguyên nhân cụ thể của từng khu vực. Từ đó, đề xuất ra giải pháp- không phải chỉ là giải pháp trước mặt mà là lâu dài về sau, vì cường độ mưa sẽ ngày càng nhiều hơn. Có một điều cần lưu ý là trong tương lai, Tây Ninh có thể có bão- điều mà xưa nay chưa có bao giờ. Thử tưởng tượng trong trường hợp đó thì lượng nước ngập úng sẽ như thế nào? Nếu ngay từ bây giờ có phương án xây dựng hệ thống thoát nước vẫn đỡ tốn kém kinh phí hơn rất nhiều so với năm, mười năm sau này.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, cũng còn một nguyên nhân gián tiếp khác đã âm thầm tiếp tay cho ngập úng, lũ lụt ngày càng hoành hành nặng nề hơn. Đó là tình trạng phá rừng ngày càng nhiều. Có những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng trăm ha bị khai thác trắng để lấy quặng mỏ (như trường hợp khai thác đá vôi ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu). Bên cạnh đó, còn nhiều cánh rừng nguyên sinh, rừng trồng khác bị bọn lâm tặc khai thác trộm một cách táo tợn, như rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, rừng trên đảo Nhím vv…vv…

Ai cũng biết vai trò vô cùng quan trọng của rừng đối với môi trường sinh thái. Ngoài việc điều hòa khí hậu, rừng còn có tác dụng giữ nước, điều tiết nước. Nạn phá rừng bừa bãi khiến cho mỗi khi có mưa to, lượng nước dồn xuống trực tiếp từ nơi cao đến vùng trũng. Chính vì vậy, ở những nơi không còn rừng, cứ thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến.

Ngẫm cho cùng, lắm khi chuyện “tai trời, ách nước” là của con người, không phải do lỗi thiên nhiên.

Đại Dương