Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo động tội phạm chưa thành niên 

Cập nhật ngày: 14/08/2019 - 15:43

BTN - Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật, các gia đình, bậc phụ huynh cần chú ý đến những thay đổi trong sinh hoạt thường ngày, quan tâm, tìm hiểu tâm tư tình cảm của con cái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn, có khả năng vi phạm pháp luật.

Hướng dẫn học sinh cách đội mũ bảo hiểm

Vào khoảng 9 giờ, ngày 12.4, N.T.H (ngụ xã Gia Lộc) điều khiển xe đạp điện chở T.N.N (ngụ xã An Tịnh) lưu thông trên đường liên xã Gia Lộc - An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Khi cả hai đi đến khu vực ấp An Thới, xã An Tịnh thì bị Huỳnh Thị Thanh Nhi (SN 1996, ngụ thị trấn Trảng Bàng) và Trần Trọng Phúc (SN 2005, ngụ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) kè sát và giật điện thoại di động Oppo, trị giá 3,6 triệu đồng của N đang để trong túi.

Lúc này, H và N tri hô thì có anh Lưu Văn Hồng (sinh năm 1976, ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) đuổi theo, bắt giữ Nhi, Phúc giao cho cơ quan Công an. Đây là một vụ việc xảy ra chưa lâu trên địa bàn huyện Trảng Bàng, trong nhóm tội phạm có người chưa thành niên.

Gần đây, người chưa thành niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, manh động hơn. Đáng lo ngại là hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm, những tội nghiêm trọng như giết người, cướp của, vận chuyển ma tuý… Đây là vấn đề nhức nhối, cảnh báo về việc giáo dục văn hoá và lối sống cho thanh thiếu niên, đòi hỏi các ngành, các cấp sớm có giải pháp phù hợp, để đấu tranh hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của của ngành chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 115 vụ án do người chưa thành niên gây ra với 154 đối tượng, trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Chủ yếu là phạm các tội cướp tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự, sử dụng trái phép chất ma tuý… Địa bàn có tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên xảy ra nhiều là huyện Tân Châu (30 vụ), TP.Tây Ninh (27 vụ). 

Nhận định về nguyên nhân khiến tình trạng phạm tội ở người chưa thành niên gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn đối tượng phạm tội thường là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, bỏ mặc con cái, thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương yêu của gia đình, có lối sống lệch lạc, thường tụ tập thành băng nhóm. Đa phần những đối tượng này bỏ học, bỏ nhà, sống lang thang, nghiện ma tuý. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là trách nhiệm của gia đình và các tổ chức, đoàn thể. Xã hội phát triển, các phim ảnh, trò chơi bạo lực, sa đoạ trên mạng internet, khiến một bộ phận giới trẻ bị tiêm nhiễm, thích sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò vui thiếu lành mạnh, bạo lực, uống rượu bia, “chơi” ma tuý… 

Trước thực tế trên, để kéo giảm và ngăn chặn tình trạng người chưa thành niên phạm tội, lực lượng Công an đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, quản lý số đối tượng liên quan đến tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên như tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời giải tán nhóm thanh, thiếu niên tụ tập có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đồng thời tuyên truyền kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.

Được biết, thời gian qua, Công an huyện Châu Thành đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình về phòng ngừa, quản lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Để làm tốt công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, Công an huyện và Ban Giám hiệu Trường THCS Võ Văn Truyện cùng xây dựng quy chế phối hợp thực hiện mô hình “Trường THCS Võ Văn Truyện tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”. 

 Ông Nguyễn Hoài Tâm - Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an huyện Châu Thành cho biết, mô hình “Trường THCS Võ Văn Truyện tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” đã góp phần bảo đảm an ninh trên địa bàn, phục vụ có hiệu quả công tác xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Trong quá trình duy trì thực hiện mô hình, 3 năm qua, Công an huyện đã phối hợp với trường tổ chức khoảng 15 buổi tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh chấp hành pháp luật; nêu cao ý thức, trách nhiệm với công tác giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nhà trường an toàn; hướng dẫn cách nhận biết, phát hiện những biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội…

Bên cạnh đó, năm 2016, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Châu Thành phối hợp với Trường THPT Hoàng Văn Thụ thành lập mô hình “Trường học bảo đảm an toàn giao thông” (ATGT). Ban điều hành mô hình gồm 7 thành viên, hoạt động rất tích cực. Công an huyện thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, trình chiếu các video clip, hình ảnh trực quan cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, các dịp lễ đặc biệt; lắp đặt bảng giới thiệu các loại biển báo giao thông trong sân trường để giáo viên, học sinh tiếp cận, nhận biết.

Một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông- trật tự, Công an huyện Châu Thành chia sẻ, đây là mô hình mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo đảm an toàn trường học. Sau khi triển khai, tình hình học sinh vi phạm giao thông giảm, vấn đề tụ tập chạy xe biểu diễn sau trường vào buổi tối không còn; tình trạng buôn bán hàng rong cũng giảm đáng kể.

Để tiếp tục phát huy tác dụng của các mô hình, thời gian tới, Công an huyện Châu Thành sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng mô hình mới gắn với việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, nhằm vận động mọi người tích cực hưởng ứng, tham gia tấn công, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là tội phạm chưa thành niên. 

Bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, định hướng cho thanh thiếu niên không vi phạm pháp luật đóng vai trò quan trọng. Từ đầu năm, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo 100% các cơ sở Đoàn- Hội- Đội trong toàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống ma tuý; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với Công an cùng cấp, chính quyền địa phương tuyên truyền phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Công tác bảo đảm trật tự ATGT cũng được các cấp bộ Đoàn hưởng ứng sôi nổi. Các đơn vị tập trung tuyên truyền cho thanh thiếu niên về Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; các nguyên nhân gây tai nạn như không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, vi phạm tốc độ, lạng lách, đánh võng… 

Thiết nghĩ, để kéo giảm và ngăn chặn tình trạng người chưa thành niên phạm tội, ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật, các gia đình, bậc phụ huynh cần chú ý đến những thay đổi trong sinh hoạt thường ngày, quan tâm, tìm hiểu tâm tư tình cảm của con cái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn, có khả năng vi phạm pháp luật.

THIÊN DI - PHƯƠNG THẢO