BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân lực ngành Y tế:

Bao giờ hết “khát”?

Cập nhật ngày: 19/12/2016 - 05:09

 

Mổ mắt từ thiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

TÁM NĂM THU HÚT ĐƯỢC... 16 BÁC SĨ

Ngày     10.12.2008, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2008/NQ-HĐND (Nghị quyết 38) về chính sách tạm thời hỗ trợ, phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2009 - 2015.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 8 năm thực hiện, Nghị quyết 38 đã có tác động rất lớn đến việc thu hút bác sĩ về tỉnh cũng như việc học tập, nâng cao trình độ của cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế. Số lượng cán bộ tham gia học tập tăng lên đáng kể, đồng thời cũng góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu bác sĩ của ngành. Trong 8 năm, tỉnh đã cử 518 người đi đào tạo cử nhân chuyên ngành y, bác sĩ đa khoa, chuyên khoa I, chuyên khoa II… Đồng thời thu hút về cho tỉnh 16 bác sĩ, phê duyệt cho 465 bác sĩ và 122 nhân viên y tế ấp, khu phố được hưởng trợ cấp hằng tháng. Công tác đào tạo, thu hút nhân lực y tế được chú trọng, ngành Y tế tổ chức liên kết với các trường đại học y, dược trên cả nước thực hiện nhiều loại hình đào tạo giúp cho tỉnh chủ động được nguồn bác sĩ (mặc dù chưa đủ theo yêu cầu) để bổ sung cho ngành trong vài năm tới. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên từng bước được khắc phục. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên từng năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, một số nội dung của chính sách trong Nghị quyết 38 không còn phù hợp theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, cũng như có một số nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với khả năng ngân sách và theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nghị quyết 38 đạt được một số kết quả nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đào tạo, thu hút, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhân lực của ngành (bác sĩ) vẫn còn thiếu, đặc biệt là các ngành khó thu hút như lao, phong, tâm thần, pháp y, HIV, giải phẫu bệnh... Do thiếu bác sĩ nên dẫn đến tình trạng một số lãnh đạo đơn vị ngại cử cán bộ đi học nâng cao, vì sợ thiếu người làm. Đó là chưa kể việc các bác sĩ được cử đi học nâng cao, khi ra trường lại muốn vào các cơ sở y tế tư nhân để có mức thu nhập cao hơn. Số bác sĩ làm việc trong các ngành đặc thù khó thu hút của tỉnh là rất ít, cụ thể: toàn tỉnh có 10 bác sĩ chuyên khoa lao; 3 bác sĩ chuyên khoa da liễu; 2 bác sĩ chuyên khoa tâm thần; 2 bác sĩ chuyên pháp y; 1 bác sĩ giải phẫu bệnh; 2 bác sĩ pháp y… Tuy vậy, việc thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh vẫn chưa nhiều.

Để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc ban hành chính sách mới hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2016 - 2020 thay thế Nghị quyết số 38 là cần thiết. Để ban hành chính sách mới, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Y tế xây dựng quy định mới về chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2006 - 2020, lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, các đơn vị trong ngành Y tế và nhân dân trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Theo tinh thần của nghị quyết mới, bên cạnh việc kế thừa những nội dung của Nghị quyết 38, có một số nội dung bổ sung, điều chỉnh. Trước hết, về đối tượng áp dụng, quy định mới đưa ra khỏi chính sách đối tượng là dược sĩ trung cấp. Lý do,  trong giai đoạn hiện tại và dự báo trong thời gian tới, số lượng dược sĩ đại học đang dư so với nhu cầu, khó bố trí việc làm. Nhóm đối tượng thứ hai được đưa ra khỏi chính sách là nhân viên y tế ấp. Nhóm đối tượng nhân viên y tế ấp đã được quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11.5. 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản. Bên cạnh đó, quy định mới bổ sung nhóm đối tượng là sinh viên được UBND tỉnh cử đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng. Theo giải thích, việc đào tạo theo địa chỉ đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng chưa được quy định trong các văn bản của tỉnh, bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao, giảm tình trạng thiếu bác sĩ của tỉnh nên việc đưa vào quy định là cần thiết.

 Điều kiện để đi học ngành y theo địa chỉ là phải được UBND tỉnh hoặc giám đốc Sở Y tế ký quyết định cử đi học theo quy định. Người đi học phải thực hiện đúng theo quy định về đào tạo của tỉnh- phải bảo đảm thời gian công tác sau khi tốt nghiệp ít nhất gấp hai 2 lần thời gian đào tạo. Lý do, Nghị quyết số 38 quy định thời gian phục vụ trong ngành Y tế đối với  đối tượng đi học bác sĩ, cử nhân phải gấp 3 lần thời gian đào tạo. Trong khi đó, tại  Điểm b, Khoản 2, Điều 36, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12.4.2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định: “Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo”. Mặt khác, Nghị quyết số 10/2015/NQ-HĐND, ngày 15.4.2015 của HĐND tỉnh Tây Ninh về chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài quy định thời gian phục vụ sau khi đào tạo gấp 2 lần thời gian đào tạo (đối với viên chức). Như vậy, việc điều chỉnh thời gian phục vụ từ gấp 3 lần xuống còn gấp 2 lần thời gian đào tạo là đúng với các quy định hiện hành của cả Trung ương và địa phương.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh, trong phiên thảo luận ở tổ, lãnh đạo Sở Y tế thông tin, năm 2016, có 12 bác sĩ về Tây Ninh, nhưng... 8 người đã bỏ việc.

Về chính sách hỗ trợ đào tạo, quy định mới nâng mức hỗ trợ tiền thuê nhà trọ thêm 200.000 đồng/người/tháng cho tất cả các đối tượng theo Thông tư liên tịch số 11 ngày 5.1.2005 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Uỷ ban Dân tộc. Quy định mới cũng bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh, cụ thể: Đối tượng là sinh viên sẽ được hỗ trợ mức học phí chênh lệch so với mức thu phí của cơ sở đào tạo hằng năm đối với sinh viên thi đậu chính thức. Đối với hệ liên thông bác sĩ, cử nhân chuyên ngành Y tế, hỗ trợ mức học phí bằng với mức thu phí của cơ sở đào tạo hằng năm đối với hệ liên thông chính quy.

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH THEO KHU VỰC

Chính sách mới được áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng, địa phương khác nhau. Theo đó, nhóm một gồm các huyện Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Châu Thành, Trảng Bàng và nhóm hai là các huyện Dương Minh Châu. Gò Dầu, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Xã thuộc nhóm một bao gồm những xã vùng sâu, biên giới có hệ số phụ cấp khu vực bằng 0,2 lần mức lương cơ sở. Cụ thể là các xã Hoà Hiệp, Tân Lập, Tân Bình (huyện Tân Biên); xã Tân Đông, Tân Hà, Suối Dây, Tân Thành, Suối Ngô, Tân Hoà (huyện Tân Châu); xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu); xã Phước Vinh, Hoà Hội, Ninh Điền, Biên Giới, Hoà Thạnh (huyện Châu Thành); xã Long Phước, Long Khánh, Long Thuận (huyện Bến Cầu); xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng). Nhóm hai gồm xã Tân Bình, Thạnh Tân, phường Ninh Thạnh (TP Tây Ninh); các xã Tân Phong, Thạnh Bình (huyện Tân Biên); Tân Hội, Tân Phú, Tân Hiệp (huyện Tân Châu); Phước Minh, Phước Ninh, Bến Củi (huyện Dương Minh Châu); Long Vĩnh, Thành Long (Châu Thành); Tiên Thuận, Long Chữ, Long Giang, Lợi Thuận (huyện Bến Cầu); Phước Lưu, Phước Chỉ, Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng). Nhóm xã này có hệ số phụ cấp khu vực bằng 0,1 lần mức lương cơ sở. Nhóm thứ ba bao gồm các xã, phường còn lại của tỉnh. Riêng cán bộ, viên chức ngành Y tế được hưởng chính sách theo Nghị định số 64/2009 NĐ-CP ngày 30.7.2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không hưởng các chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực y tế.

Theo quy định mới, cán bộ y tế có trình độ y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, hộ sinh trung cấp, điều dưỡng trung cấp, kỹ thuật viên trung cấp hiện đang công tác trong ngành Y tế, Hội Đông y tại các huyện, xã thuộc nhóm một, trước khi đi học phải có bản cam kết với những điều kiện cụ thể. Theo đó, sau khi học xong, người được cử đi học phải về phục vụ tại đơn vị y tế thuộc nhóm một ít nhất 6 năm. Những đối tượng này sẽ được hỗ trợ 100% học phí theo hoá đơn của cơ sở đào tạo và tiền thuê nhà trọ 500.000 đồng/tháng/người. Cũng với nhóm đối tượng nêu trên, sau khi học xong về công tác tại các huyện thuộc nhóm I và các xã thuộc nhóm II ít nhất 6 năm thì sẽ được hỗ trợ 100% học phí theo hoá đơn của cơ sở đào tạo và tiền thuê nhà trọ 400.000 đồng/tháng/người. Trong trường hợp sau khi học xong về công tác tại các huyện thuộc nhóm II và các xã thuộc nhóm III ít nhất 6 năm, thì sẽ được hỗ trợ 100% học phí theo hoá đơn của cơ sở đào tạo và tiền thuê nhà trọ 300.000 đồng/tháng/người.

BỒI THƯỜNG GẤP 5 LẦN NẾU BỎ VIỆC

Theo tinh thần của nghị quyết mới, đối tượng là sinh viên được cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh, nếu không thực hiện đủ thời gian cam kết phục vụ thì phải bồi thường kinh phí đào tạo gấp 5 lần so với tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ. Căn cứ để đưa ra quy định này là Tây Ninh đã thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhiều năm (từ 2008 đến nay) nhưng nội dung này chưa được quy định trong các văn bản của tỉnh. Quy định về đào tạo theo địa chỉ sử dụng thực tế là các thí sinh dự thi vào các trường đại học y, dược theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thiếu điểm (khoảng 0,5 đến 1 điểm) nhưng vẫn trên điểm sàn, nếu xét điểm vào trường thì những sinh viên trên không đủ điểm, theo quy định là đã rớt. Nhưng nhờ thực hiện quy định này, thí sinh mới được đi học đại học y, dược (có văn bản cử đi học của UBND tỉnh gửi cho nhà trường). Do vậy, có thể nói việc các sinh viên này được học ngành y là nhờ chính sách của tỉnh.

Trong những năm gần đây, nhân lực y tế Tây Ninh thiếu rất nhiều, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ. Việc thực hiện quy định đào tạo theo địa chỉ sử dụng xuất phát từ nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực y tế cho tỉnh nhà. Vì thế, quy định giữ đối tượng phục vụ tại tỉnh sau khi hoàn thành khoá học là hết sức cần thiết, đặc biệt thực tế cho thấy bác sĩ ngày càng có xu hướng chuyển công tác khỏi khu vực y tế công lập. Quy định đào tạo theo địa chỉ là chính sách riêng của một số tỉnh- trong đó có Tây Ninh, nên việc ban hành mức đền bù do tỉnh quy định.

Đ.V.T