BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bao giờ xong công trình nhà ở xã hội ? 

Cập nhật ngày: 18/01/2019 - 05:59

BTN - Đáng quan ngại là, ở khu vực xây dựng nhà ở xã hội HQC, hai cần cẩu vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đung đưa trước gió, suốt nhiều ngày, nhiều tháng, dễ gây nguy hiểm cho những hộ dân làm ăn, sinh sống xung quanh.

Hai cần cẩu sắt to tướng lơ lửng trên không trung, khiến những gia đình làm ăn sinh sống bên dưới không khỏi lo sợ.

Hai tuần qua, đại biểu HĐND tỉnh, huyện có các cuộc tiếp xúc cử tri xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Từ những cuộc tiếp xúc này, các đại biểu dân cử đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân, đặc biệt là ở khu vực thành phố Tây Ninh.

Bao giờ xong công trình nhà ở xã hội HQC ?

Trong cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND tại phường 2, TP. Tây Ninh, nhiều cử tri đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng công trình nhà ở xã hội HQC trên địa bàn. Cử tri Phạm Đăng Khoa thắc mắc, công trình này khởi công từ năm 2016, theo kế hoạch, đến quý IV/2017 hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục giai đoạn 2, nhưng đến quý IV/2018 thì đóng cửa. Ban đêm, công trình chỉ mở cửa cho một vài xe tải chở đất vô. Việc xe tải vào ra công trình làm hư hỏng mặt đường giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đáng quan ngại là, ở khu vực xây dựng nhà ở xã hội HQC, hai cần cẩu vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đung đưa trước gió, suốt nhiều ngày, nhiều tháng, dễ gây nguy hiểm cho những hộ dân làm ăn, sinh sống xung quanh. Cử tri Phạm Đăng Khoa đặt câu hỏi: “Theo kế hoạch, công trình nhà ở xã hội này thi công trong thời gian bao lâu? Nếu ngưng làm trong thời gian dài, chính quyền địa phương có nên rút giấy phép và bàn giao công trình lại cho đơn vị khác?”.

Được biết, ngoài những nội dung cử tri thắc mắc nêu trên, một người dân có nhà ở gần công trình này còn bức xúc nhiều vấn đề khác. Khi đến nhà bà P.T.D, 62 tuổi (hẻm 4, đường Yết Kiêu, khu phố 2, phường 2) sát hàng rào công trình, bà chỉ cho chúng tôi thấy những vết nứt trên tường, nền gạch, nóc nhà.

Theo lời bà D, khu vực này trũng thấp nên những năm trước, khi xây nhà, gia đình bà thuê người đóng cọc, đóng cừ chắc chắn và từ đó cho đến khi khởi công xây dựng nhà ở xã hội HQC (năm 2016), căn nhà không hề có dấu hiệu rạn nứt. Thế nhưng, khi xây dựng công trình, đơn vị thi công đóng cột bê tông xuống đất, vách tường nhà bà D bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt dọc, ngang; nền cũng bị sụt lún, nứt nẻ.

Một bên vách tường nghiêng về phía công trình, mái hở ra một đường khá rõ. Khi có mưa, nước từ mái tôn chảy xuống đầy nhà. Ở những chỗ nứt nẻ lớn, chồng bà mua xi măng trét lại với hy vọng đỡ bị nứt rộng ra thêm.

Bên trong công trình hoàn toàn im ắng.

Ngoài ra, bà D còn cho hay, khu đất trũng thấp này như một túi chứa nước mưa tự nhiên. Hàng chục năm nay, mỗi khi có mưa, nước từ phía xóm trên đổ dồn về rồi từ từ chảy ra rạch Tây Ninh. Biết được điều này, nên khi cất nhà, gia đình bà thuê xe đổ đất nâng cao nền nhà, vì thế, nhiều năm qua, chưa bao giờ nhà bà bị ngập.

Nhưng từ khi xây dựng công trình nhà ở xã hội, không rõ đơn vị thi công san lấp mặt bằng ra sao mà mỗi khi có mưa to, nước bị ứ lại, gây ngập úng cục bộ. Nhà bà bị nước tràn vào lênh láng nhiều ngày liền. “Trước tình hình này, tôi và một số người dân làm ăn sinh sống trong khu vực xung quanh công trình nhà ở xã hội gửi đơn khiếu nại đến UBND phường 2. Lãnh đạo phường và đại diện đơn vị thi công công trình có đến đây khảo sát.

Họ bảo sẽ báo cáo lên chủ đầu tư công trình. Thế nhưng, đến nay chưa thấy ai có trách nhiệm giải quyết vấn đề nhà ở của tôi. Hai tuần gần đây, tôi tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên phường 2”- bà D nói. Đến nay, chưa có đơn vị chức năng nào kết luận chính thức nhà bà D bị xuống cấp là do nguyên nhân nào? Dù lý do gì đi nữa, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm có câu trả lời rõ ràng để người dân yên tâm sinh sống.    

Đã 4 năm trôi qua, công trình nhà ở xã hội HQC vẫn chưa xây dựng xong phần nền móng. Tại hiện trường, nhiều trụ bê tông mới xong phần sát mặt đất, phần trên còn bỏ dang dở. Phần nền hạ của công trình nước ngập mênh mông, rau muống, cỏ dại mọc tràn lan. Nước trong công trình tù đọng lâu ngày, bốc mùi hôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại muỗi mòng sinh sôi nảy nở. Hai cần cẩu sắt to lớn, nhưng mỗi khi có gió lớn thổi lại... đung đưa. Bên trong công trình hoàn toàn im ắng, không có dấu hiệu nào cho thấy đang thi công.

Trả lời về vấn đề công trình nhà ở xã hội, tại hội nghị tiếp xúc cử tri phường 2, ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh nói một cách chắc chắn: “Sau hội nghị tiếp xúc tri này, chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư. Nếu không thi công nữa, tôi sẽ đề nghị tháo dỡ hai cần cẩu xuống, để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, UBND Thành phố sẽ xem xét lại khả năng của đơn vị chủ đầu tư, để báo cáo Sở Xây dựng và UBND tỉnh xem xét việc có nên thu hồi dự án này hay không”.

Rác thải, lấn chiếm lòng, lề đường

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri phường 2, cử tri còn phản ánh tình trạng rác thải đô thị, đặc biệt là việc có nhiều hộ dân đổ rác xuống con kênh gần chợ TP. Tây Ninh, gây ô nhiễm môi trường.

Từ rạch Tây Ninh có một đoạn kênh ngắn khoảng vài trăm mét, chiều ngang khoảng 10m dẫn vào chợ TP. Tây Ninh. Mấy mươi năm trước, đoạn kênh này là nơi tàu, ghe chở hàng hoá, nông sản từ nơi khác đến chợ thị xã Tây Ninh (cũ), và từ chợ, hàng hoá ra sông Vàm Cỏ Đông đi khắp nơi. Những năm gần đây, giao thông đường bộ phát triển, cộng với kênh, rạch Tây Ninh bị bồi lắng, đoạn kênh này không còn được sử dụng.

Vì vậy, một số hộ dân sống trong khu vực thường đem các loại rác thải sinh hoạt, đất cát, nhánh cây… v.v… vứt bừa xuống kênh hoặc hai bên bờ- nhất là đoạn gần chợ. Chưa kể nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, chợ cũng đổ xuống đây, khiến nước kênh có màu đen và bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.

Bà D chỉ một trong những vết nứt trên tường nhà.

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở TP. Tây Ninh ngày càng phức tạp. Dù các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền, ngành chức năng và chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, nhưng thực tế cho thấy, vấn nạn này vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, các tuyến đường xung quanh chợ TP. Tây Ninh trở thành nơi buôn bán thường xuyên của tiểu thương. 

Ngoài việc bày bán ngổn ngang, những tiểu thương ở đây còn dựng nhiều cây dù to lớn để che nắng, che mưa. Những vật dụng này góp phần đáng kể vào việc lấn chiếm lòng, lề đường. Nhiều lần Đội Thanh tra giao thông TP. Tây Ninh ra quân xử lý tình trạng này ở khu vực xung quanh chợ. Tuy nhiên, khi có lực lượng chức năng đến nhắc nhở, tiểu thương nhanh chóng dọn dẹp hàng hoá, nhưng khi những người làm nhiệm vụ rời đi, tiểu thương lại bày hàng hoá ra lòng, lề đường tiếp tục buôn bán.

Được biết, Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh đã tổ chức cho hơn 1.700 hộ dân ký cam kết không buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và tự tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, bạt mủ sai quy định tại các khu vực đông dân cư, khu vực công cộng và trên các tuyến đường chính, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Liên quan đến những vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cho biết, phường 2 là phường làm điểm về xây dựng văn minh đô thị của TP. Tây Ninh. Tuy nhiên, theo báo cáo, năm 2018, chỉ có 50% - 60% hộ dân ở phường 2 đóng tiền thu gom rác thải sinh hoạt. Những hộ dân không đóng tiền thu gom rác thải sinh hoạt tìm cách đổ ra đường. Ông Mỹ đề nghị: “Phường 2 phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân giữ gìn vệ sinh môi trường”.

Đại Dương