Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo tồn, duy tu nhưng không được làm sai lệch di tích 

Cập nhật ngày: 18/01/2017 - 22:44

Việc tu bổ một số hạng mục phụ trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và công trình Bia Quốc học Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa qua đã gây nhiều tranh luận về công tác bảo tồn di tích sao cho đúng cách. Đây là vấn đề cần có kiến thức chuyên môn sâu sắc, sự cẩn trọng và cách nhìn khách quan.

"Chiếc áo mới" gây tranh luận của một số hạng mục trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều

Việc quét lại vôi tường bao, cửa ngách của một số hạng mục phụ trong khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa qua đã gây sự chú ý của dư luận.

Có ý kiến cho rằng làm như vậy là “phá hoại”, làm di tích mất đi vẻ rêu phong. Trên thực tế, rêu phong làm cho di tích trông cổ kính, tuy nhiên ngược lại, cũng là tác nhân gây hại cho di tích. Không phải ai cũng biết tác hại của rêu trong công tác bảo tồn di sản. Ngay tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, rêu và các loại nấm mốc từng "tấn công" hố khai quật gần cửa Đoan Môn. Những cán bộ quản lý di tích thường xuyên phải làm sạch rêu, cỏ, nấm mốc bằng phương pháp thủ công, nhưng không hiệu quả. Sau đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã thí điểm sử dụng phương pháp loại bỏ rêu mốc bằng công nghệ na-nô.

Một di sản văn hóa khác cũng phải đối mặt với "vấn nạn" rêu phong, nấm mốc là các tháp Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam). Các đền, tháp dầm mưa dãi nắng ngoài trời, bị rêu và nấm mốc phủ kín khiến các kết cấu nhanh hư hại hơn và không thể xử lý làm sạch bằng phương pháp thủ công, mà phải dùng công nghệ hiện đại.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám không phải là ngoại lệ. Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, một số hạng mục nhiều năm không được tu bổ, vệ sinh, cho nên nấm mốc phát triển khiến khách tham quan phàn nàn. Nếu không kịp thời xử lý có thể làm di tích bị xuống cấp. Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở xin ý kiến và được UBND thành phố Hà Nội đồng ý. Các hạng mục được quét vôi lại đều là hạng mục phụ, hoặc mới xây dựng như: tường nhà bia tiến sĩ, tường bao, cổng ngách... C

ác hạng mục chính như: cổng chính Văn Miếu, Khuê Văn Các, tòa bái đường... vẫn giữ nguyên trạng. Việc quét vôi do Viện Bảo tồn di tích thực hiện, dùng vật liệu vôi trộn than bùn theo phương pháp truyền thống. Bởi vậy, trong khi một số người cho rằng việc quét vôi đã làm thay đổi nguyên trạng di tích, thì hầu hết các chuyên gia lại coi đó là chuyện hết sức bình thường.

Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc quét vôi cho di tích lần này thực chất là một biện pháp duy tu, bảo dưỡng để cho di tích không bị hỏng. Với phương pháp sử dụng vôi trộn than bùn, chỉ sau một thời gian ngắn, các bức tường mới quét vôi sẽ phong hóa và có mầu tương tự như mầu các hạng mục khác của di tích.

Mặc dù vậy, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quyết định sẽ quét một lớp sơn mầu trầm cho những hạng mục vừa mới quét vôi, để trông Văn Miếu - Quốc Tử Giám có vẻ cổ kính như trước đây.

Cũng là tu bổ, trùng tu di tích, nhưng với công trình Bia Quốc học Huế (phường Vĩnh Ninh, TP Huế) lại không được như vậy. Kết quả tu bổ đã mang lại nhiều thất vọng. Bia Quốc học Huế là tên gọi dân gian, tên thật của công trình này là Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong. Đây là công trình kiến trúc do Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng vào năm 1920 để tưởng niệm những người Pháp và Việt Nam ở các tỉnh miền trung Việt Nam đã sang Pháp và các nước châu Âu tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và tử trận.

Theo TS Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, đầu thế kỷ 20, Huế là nơi lưu dấu nhiều sự kiện, công trình mang dấu ấn văn hóa Việt Nam và Pháp. Truyền thống dung hợp, yếu tố mở và đậm chất nhân văn của văn hóa Việt Nam đã được thể hiện phần nào trong công trình này.

Đến nay, công trình Bia Quốc học đã tồn tại gần 100 năm, chân móng và tường bị đứt gãy, có nguy cơ sụp đổ. Toàn bộ hệ thống thép giữ mái công trình bị mục gãy gây nguy hiểm cho người dân.

UBND thành phố Huế giao cho Trung tâm công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư với tổng giá trị tu bổ gần ba tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vishnu Huế triển khai thi công. Công trình hoàn thành nhằm gìn giữ giá trị kiến trúc, văn hóa độc đáo của Huế.

Sau gần ba tháng, công trình tu sửa gần hoàn thành. Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận ở Huế có nhiều phản ứng mạnh mẽ về việc chủ đầu tư, đơn vị thi công đã “cạo” sạch họa tiết hoa văn cổ trên Bia Quốc học Huế để làm mới.

Bia Quốc học có mầu sắc mới và trông lòe loẹt, vàng chóe, không còn nét rêu phong cổ kính như trước khi được trùng tu. Toàn bộ bên ngoài đã được “phủ” bằng những yếu tố mới. Đơn vị trùng tu đã cạo hết những hoa văn trang trí vốn được làm rất tinh tế trên công trình.

“Cái hồn của công trình này là ở những họa tiết đặc sắc đó, nhưng nay người ta đã cạo sạch, thay vào đó là những hoa văn mới" - TS Trần Đình Hằng nói - “Tấm bia này theo thời gian, trải qua nhiều tác động của thiên tai địch họa đã rơi rụng nhiều hoa văn gốc, tuy nhiên vẫn còn nhiều hoa văn cũ. Đơn vị thi công chỉ căn cứ hình ảnh trước năm 1975 mà không căn cứ hình tư liệu cũ hơn cho nên làm không chuẩn”.

Cần lấy lại niềm tin trong cộng đồng

Những tranh luận quanh việc "thay áo mới" cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bia Quốc học Huế đã bộc lộ một số bất cập trong công tác tu bổ, quản lý di tích.

Lâu nay, việc lập dự án tu bổ di tích chỉ được tiến hành khi di tích bị hư hỏng, xuống cấp. Xuống cấp ở đây được hiểu theo nghĩa các cấu kiện kiến trúc có hư hại lớn, có thể ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc chung của công trình, hoặc có nguy cơ sập đổ.

Theo các chuyên gia, việc quét vôi như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là việc nhỏ, thuộc lĩnh vực duy tu bảo trì thường xuyên không cần báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cũng không cần phải lập dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay chưa có danh mục những hoạt động duy tu thường xuyên, trong khi việc lập danh mục những công việc duy tu cụ thể là cần thiết.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích có giá trị đặc biệt, các cơ quan chức năng nên sớm có thông tin cụ thể đến người dân khi tiến hành tu bổ, để tránh những hiểu lầm không đáng có.

Bên cạnh đó, việc quét vôi lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay tu bổ các di tích quan trọng như Bia Quốc học Huế gây nhiều tranh luận không hẳn không có nguyên nhân sâu xa.

Lâu nay, công tác tu bổ di tích luôn "có vấn đề". Mỗi khi tu bổ di tích nào đó, người ta luôn thấy xuất hiện thêm những cấu kiện "lạ", hạng mục mới...

Ngay trên địa bàn Hà Nội, có thể kể ra rất nhiều trường hợp tu bổ như phá từng xảy ra ở chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ); chùa Sổ (huyện Thanh Oai); chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Chưa kể các hiện vật mới lạ, ngoại lai được đưa vào di tích một cách khá thoải mái. Đây là lý do dư luận luôn có định kiến mỗi khi các di tích được tu sửa nhỏ hay trùng tu lớn.

Về công trình Bia Quốc học Huế cũng vậy, việc tu bổ là cần thiết, song chỉ nên tu bổ những phần bị hư hỏng, có nguy cơ đe dọa đến tính bền vững của công trình, chứ không nên cải tạo như thế, vừa làm biến dạng di tích, vừa lãng phí tiền của, công sức.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An cho rằng: “Trùng tu là phải sửa cho nó giống như cũ. Nếu dùng cho đúng từ của khoa học trùng tu phục hồi, thì phải làm lại như tất cả những gì nó đã có. Có một số hoa văn, họa tiết chủ yếu làm bằng gốm đang làm bị thiếu đi thì phải làm lại cho đầy đủ. Mầu, nếu là mầu vàng thì phải chứng minh bằng phương pháp khoa học cho rõ, phải bóc tách các lớp mầu ra để chứng minh. Và nếu quả thật không chứng minh được là mầu vàng khè như thế thì cơ quan chủ quản phụ trách lĩnh vực khoa học cần có lời xin lỗi công chúng và khắc phục”.

Nguồn NDĐT