Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Căn cứ Láng - Chà Là

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Căn cứ Láng - Chà Là

Niềm vui gặp mặt của một số cán bộ cách mạng đã từng sống, làm việc và chiến đấu ở Căn cứ Láng - Chà Là.

Căn cứ chiến đấu đầu tiên của lực lượng vũ trang Tây Ninh

Bà Trần Thị Kim Duyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, Láng - Chà Là là khu căn cứ rộng lớn, rừng liên hoàn, sông suối, bàu đìa tạo thành thế trận hiểm trở, bao gồm các xã Phước Minh, Phước Ninh, ấp Láng, Chà Là ngày nay.

Trong kháng chiến chống Pháp, tháng 4.1946, Căn cứ Láng - Chà Là là nơi đóng quân, căn cứ chiến đấu của Chi đội 11- lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Ðến năm 1948, Chi đội 11 phát triển thành Trung đoàn 311. Năm 1951, tỉnh thành lập Tiểu đoàn 306 cũng tiếp tục chọn Căn cứ Láng làm nơi đứng chân, hoạt động làm cho đến năm 1954 kết thúc cuộc kháng chiến.

Giữa năm 1952, thực dân Pháp mở cuộc hành quân lớn huy động 20 tiểu đoàn tiến đánh vào căn cứ Dương Minh Châu. Tại căn cứ Láng - Chà Là, dân quân địa phương đã chặn đánh 6 tiểu đoàn quân Pháp với hơn 6 ngàn quân càn vào căn cứ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần bẻ gãy cuộc hành quân lớn nhất của Pháp vào Căn cứ Dương Minh Châu.

Trong những năm đấu tranh bảo vệ hoà bình năm 1955-1959, Căn cứ Láng còn là nơi Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Dương Minh Châu nương náu tránh sự truy sát của địch, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị chống lại Luật 10/59.

Ðây cũng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Ban Quân sự miền Ðông nhằm triển khai phương án chiến đấu và tổ chức thắng lợi các trận đánh nổi tiếng của dân quân Dương Minh Châu đánh chiếm đồn điền Bến Củi, Chi khu Dầu Tiếng trong năm 1957 nhằm giải quyết khó khăn về tài chính, lương thực cho lực lượng Miền và địa phương đóng trên địa bàn.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Căn cứ Láng - Chà Là

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho lãnh đạo xã Chà Là.

Từ năm 1965-1968, căn cứ này là nơi tạm dừng chân, nơi giấu quân củng cố lực lượng, huấn luyện của các đơn vị Q761, Q762, Q763, Công trường 9, Q16 (Trung đoàn 16) - quân giải phóng miền Nam.

Từ năm 1968-1974, Ðoàn Hậu cần 82 đặt kho trạm tại đây, bảo đảm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho các đơn vị Quân giải phóng miền Nam trong các chiến dịch tổng tiến công năm 1968, năm 1972 và chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Ðây là vùng căn cứ có tuyến đường giao liên đưa các đoàn cán bộ, các lực lượng từ Trung ương đến huyện xuống địa bàn và liên thông với các căn cứ cách mạng ở Trảng Bàng, Gò Dầu về tận Củ Chi - Sài Gòn.

Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, Căn cứ Láng - Chà Là được xác định là cửa ải tiền tiêu, là nơi án ngự đường vào trung tâm Căn cứ Dương Minh Châu. Vì thế, địch đã dùng nhiều loại vũ khí đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta ở vùng ven căn cứ.

Nơi đây, đã ghi nhận nhiều chiến công hiển hách của quân và dân Căn cứ Dương Minh Châu và xã Chà Là. Nhiều trận đánh tiêu biểu đến nay sử sách còn ghi.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Căn cứ Láng - Chà Là

Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về thăm Căn cứ Láng - Chà Là.

Suốt hai cuộc chiến tranh, vùng căn cứ này là nơi ta dự trữ nguồn lực hậu cần, kho súng đạn vũ khí, nơi ta “rèn cán, luyện binh”, thuận lợi cho lực lượng ta xuất phát đánh địch trong các ấp chiến lược, đồn bót địch trên các trục lộ giao thông, là nơi có thế trận lợi hại để chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao địch khi chúng tiến công vào căn cứ, là nỗi ám ảnh của Mỹ - nguỵ mỗi khi di chuyển ngang qua đường 26 (nay là đường 784).

Ðối với phong trào cách mạng ở địa phương, từ năm 1960 đến năm 1975, Căn cứ Láng - Chà Là là nơi bám trụ, chiến đấu của chi bộ và du kích xã Chà Là. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Phòng- nguyên Bí thư chi bộ của xã trong kháng chiến chống Mỹ, đã trực tiếp tham gia lãnh đạo các lực lượng bảo vệ Căn cứ Láng, lãnh đạo nhân dân xã Chà Là đấu tranh với giặc trong suốt những năm ác liệt nhất cho đến ngày quê hương xã Chà Là được giải phóng.

Cùng gắn bó với ông còn có các ông Tám Cạn- Xã đội trưởng, Triệu Văn Gấp - Xã đội phó. Sau khi 2 ông này hy sinh, các ông Lê Văn Khắng (tức Năm Khắng) làm Xã đội trưởng, ông Lê Văn Bốn làm Xã đội phó từ năm 1968 đến năm 1975.

Từ những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Ðảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu và xã Chà Là được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND vào ngày 20.12.1994.

Với những thành tích nêu trên, ngày 16.5.2018 vừa qua, Căn cứ Láng - Chà Là được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. “Ðây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Ðảng bộ, nhân dân huyện Dương Minh Châu nói chung, Ðảng bộ và nhân dân xã Chà Là nói riêng nhằm bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, đồng thời luôn ghi nhớ công ơn của đồng bào, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, bám đất bám làng, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước”- bà Trần Thị Kim Duyên khẳng định.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Căn cứ Láng - Chà Là

Lãnh đạo tỉnh, huyện và một số cán bộ cách mạng lão thành chụp ảnh lưu niệm trước Căn cứ Láng - Chà Là.

Bảo tồn, phát huy giá trị của di tích căn cứ

Tại buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, bà Huỳnh Thị Ái Lê- Bí thư Ðảng uỷ xã Chà Là chia sẻ: “Căn cứ Láng - Chà Là năm xưa là căn cứ địa cách mạng, hôm nay là nơi giáo dục truyền thống, là nơi hội tụ của các lực lượng vũ trang hằng năm. Sự phát triển về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ấp Láng, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự thay da đổi thịt của Căn cứ Láng - Chà Là.

Nơi đã từng giữ vai trò chiến lược trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, ngày nay trong hoà bình đang phấn đấu hằng ngày, hằng giờ xây dựng và giữ vững xã Chà Là - xã anh hùng LLVT, nay là xã nông thôn mới. Mãi mãi luôn trường tồn để di tích lịch sử Căn cứ Láng - Chà Là luôn là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Tuy nhiên, trải qua hơn nửa thế kỷ, trong đó có 30 năm chiến tranh tàn phá nên di tích căn cứ không còn lưu giữ được nguyên trạng. Hiện nay, khu di tích đã được khoanh vùng với diện tích hơn 22 ngàn m2, gồm khu bảo vệ 1, khu bảo vệ 2 và  tường rào bảo vệ.

Trong khu rừng nguyên sinh còn một số vết tích hầm hào, nơi sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trong căn cứ, nay bị cây cối, cỏ dại che phủ. Hằng năm, địa phương xã Chà Là thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích căn cứ lịch sử Láng - Chà Là là việc làm thiết thực thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gìn giữ truyền thống của các thế hệ đi trước để lại.

Ðược biết, Ðảng bộ huyện Dương Minh Châu và xã Chà Là sẽ tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục để người dân địa phương, đặc biệt là thanh thiếu niên hiểu sâu hơn những giá trị vô giá của di tích lịch sử.

Qua đó, động viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân chăm lo bảo vệ, bảo tồn di tích căn cứ, coi đó là ý thức thiêng liêng, là hành động biết ơn công lao to lớn của tiền nhân đã hy sinh xương máu để tạo dựng nên cuộc sống tươi đẹp cho thế hệ sau này.

Ðại Dương

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Láng - Chà Là là nơi diễn ra nhiều trận đánh lịch sử của dân và quân Dương Minh Châu, tiêu biểu là bẻ gãy cuộc càn Attleboro, có quy mô lớn của Mỹ - nguỵ vào Căn cứ Dương Minh Châu. Ngày 8.10.1966, Ðội bảo vệ căn cứ Láng - Chà Là phối hợp với Ðại đội 31 Dương Minh Châu và Ðoàn Hậu cần 82 đã chặn đánh quyết liệt Lữ đoàn 196 Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch. Ðến ngày 15.10.1966, Ðội bảo vệ căn cứ Láng - Chà Là, Ðại đội 31 Dương Minh Châu cùng lực lượng bảo vệ Ðoàn Hậu cần 82 đã kịch chiến với hàng trăm lính Mỹ và đẩy lùi hàng chục đợt tiến công của quân Mỹ.