Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bấp bênh đầu ra sản phẩm mủ trôm 

Cập nhật ngày: 19/04/2017 - 10:30

BTNO - Là một trong những người đi đầu trong việc trồng trôm, ông Dương Văn Nam (54 tuổi, ngụ ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành) cho biết, từ năm 2012, ông bắt đầu trồng 400 cây trôm trên 0,3 ha đất.

Ông Nam dự định chặt bỏ toàn bộ vườn trôm này để trồng lại cao su (ảnh: Đại Dương)

Nhờ chăm sóc tốt, chỉ sau 2 năm, vườn trôm của ông đã cho thu hoạch. Ðể thu hoạch được mủ trôm, trước đó một tuần, ông bôi thuốc kích thích để cây cho nhiều mủ. Sau đó, dùng vật nhọn đục vỏ cây ở nhiều vị trí khác nhau để lấy mủ trôm.

Việc trồng và thu hoạch mủ trôm khá thuận lợi, nhưng lại gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Thương lái chỉ thu mua mủ khô. Những hôm trời nắng gắt, phơi 3- 4 nắng mủ mới khô, còn trời mưa phải mất cả tuần để có được vài ký mủ khô (4 ký mủ tươi được 1 ký mủ khô).

Bên cạnh đó, giá mủ trôm lên xuống thất thường, cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho người trồng trôm. Ông Nam nói: “Năm 2014 giá mủ khô bán cho thương lái 220.000 đồng/kg, sang năm 2015 chỉ còn 110.000 đồng/kg, đến năm 2016 thương lái không đến vườn thu mua như trước nữa, người trồng trôm phải đem mủ ra chợ bán lẻ”.

Từ việc đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, giá mủ xuống thấp, cộng thêm việc thu hoạch mủ vất vả, mất nhiều thời gian, nên cuối năm 2016 ông Nam đã quyết định đốn bỏ gần hết vườn trôm, cắt thành từng đoạn, chất đống trước sân để bán củi, nhưng cũng chẳng ai mua.

Cùng địa bàn ấp Rạch Tre còn có ông Bùi Văn Châu (42 tuổi) cũng đầu tư trồng 1.500 gốc trôm trên diện tích hơn 1,7 ha. Ðến nay, vườn trôm của ông đã được 2 năm tuổi, sắp đến kỳ thu hoạch, nhưng chưa tìm được đầu ra cho mặt hàng này.

Ông Lê Tuấn Khanh- cán bộ Nông nghiệp xã Biên Giới cho biết, xã có diện tích trồng trôm nhiều nhất huyện. Tính đến nay, trên địa bàn xã có gần 10 ha cây trôm. Do không có đầu ra nên hiện tại vẫn chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế từ cây trôm.

Cẩm Tiên