Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết tiếp chuyện "đi về đâu, các cô giáo mầm non dạy hợp đồng?":

Bất cập chuyện giáo viên phải mang danh bảo mẫu 

Cập nhật ngày: 19/01/2018 - 08:14

BTN - Sau khi Báo Tây Ninh đăng bài “Đi về đâu, các cô giáo mầm non dạy hợp đồng?”, một số người trong ngành, cả giáo viên và cán bộ quản lý đã đề nghị thông tin thêm xung quanh vấn đề này.

Giáo viên mầm non.

Một giáo viên cho biết, cô đang dạy hợp đồng tại một trường mầm non công lập ở khu vực đô thị. Mỗi tháng, nhà trường trả cho cô hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, bạn học cùng lớp cô đang dạy hợp đồng cho một trường mầm non tư thục lại được chủ cơ sở trả hơn 4 triệu đồng/ tháng, kèm theo chế độ bảo hiểm đầy đủ.

Một giáo viên khác cũng cho biết, do có người quen ở Đồng Nai, cô đã đến tỉnh này dạy hợp đồng với mức thu nhập cao hơn hẳn các bạn bè đang  dạy hợp đồng tại trường công lập ở Tây Ninh.

“Đọc xong bài báo thấy ngậm ngùi. Thôi, bỏ đi tìm việc khác chứ 2 triệu đồng trơ trọi, sao sống được?”- một giáo viên cảm thán. “Tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên mầm non trong các trường công lập càng sớm càng tốt. Đi tiếp xúc cử tri, bà con cũng chất vấn tôi xung quanh chuyện vì sao tỉnh bỏ ngân sách đào tạo giáo viên mà không sử dụng”- một cán bộ làm công tác tổ chức lâu năm trong ngành Giáo dục đã nói như vậy.

Vị này thông tin thêm: theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh không được phép tuyển dụng chức danh giáo viên mà chỉ được quyền hợp đồng với nhân viên làm bảo mẫu. Vì thế, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, hầu hết các địa phương ký hợp đồng với giáo viên mới ra trường với chức danh... nhân viên bảo mẫu.

Theo quy định của Chính phủ, chỉ có giáo viên đứng lớp mới được hưởng các chế độ phụ cấp ngoài lương. Vì vậy, với các giáo viên phải “mượn danh” bảo mẫu này, ngoài mức tiền công theo thoả thuận với nhà trường, họ không được hưởng chế độ nào khác.

Theo ý kiến của vị cán bộ trên, với những trường không đủ giáo viên đứng lớp theo quy định, cơ quan quản lý đành chấp nhận tình trạng: một giáo viên làm công việc của hai người. Sau đó, nhà trường trích một phần kinh phí để trả tiền thừa giờ cho giáo viên.

Nhưng điều này chỉ có tính tạm thời, không thể kéo dài, vì sẽ bất ổn trên cả hai phương diện. Thứ nhất, tình hình tài chính không cho phép trả tiền thừa giờ mãi được. Thứ hai, với mức chi trả cho “bảo mẫu” chỉ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, khó mà giữ chân các cô giáo trẻ. Một số giáo viên, sau khi dạy xong học kỳ I đã bỏ đi tìm việc khác.

Điều quan trọng là nếu như tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp kéo dài, sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nuôi dạy trẻ. Theo quy định, mỗi lớp mầm non không quá 25 cháu và phải

có hai người chăm sóc, nuôi dạy. Nhưng thực tế, có trường trong mỗi lớp có từ 40 - 50 cháu, tức đông gần gấp hai lần so với quy định, trong khi chỉ có một giáo viên phụ trách. Một vị hiệu trưởng đề nghị, lãnh đạo tỉnh và cơ quan liên quan nên khẩn trương xem xét để tuyển dụng bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non, vì các giáo viên hợp đồng với chức danh bảo mẫu sẽ khó lòng trụ được lâu.

“Nếu họ đi tìm việc làm khác hoặc đi dạy ở tỉnh khác, đến khi ngành cần tuyển sẽ không có người. Vì một khi họ đã ổn định công việc rồi sẽ không muốn quay lại nữa, như vậy chẳng khác nào mình bỏ công đào tạo cho nơi khác dùng”- vị hiệu trưởng phân tích.

Những bất cập ở bậc học mầm non đã được đề cập từ rất lâu. Chủ trương phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi được tiến hành gấp gáp, thời gian để đạt chuẩn phổ cập dành cho bậc học này chỉ có 5 năm (phổ cập tiểu học mất 25 năm và trung học cơ sở 10 năm).

Năm 2015-2016, Tây Ninh còn khoảng 40.000 cháu dưới 5 tuổi chưa thể đến trường. Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thông qua hai đề án phát triển mầm non ở vùng nông thôn và khu công nghiệp.

Mặc dù đề án đã được thông qua và triển khai, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có thêm ngôi trường mầm non công lập nào, chỉ có một vài trường tư thục ở huyện Trảng Bàng được thành lập. Việc dồn toàn lực cho phổ cập mầm non 5 tuổi đã khiến cho số lượng học sinh trong mỗi lớp quá đông trong khi phòng học chưa đủ, giáo viên cũng còn thiếu, khiến điều bất cập này nối tiếp điều bất cập kia.

Số liệu tính toán cho thấy, toàn tỉnh hiện cần thêm 540 giáo viên mầm non, nguồn cung đã có sẵn thì không lý do gì để không tổ chức tuyển dụng. Việc không tuyển dụng không chỉ gây lãng phí về kinh phí đào tạo và làm mất đi cơ hội việc làm của giáo viên, mà còn khiến cho khối lượng công việc dồn lên vai số giáo viên hiện có.

Cần lưu ý là việc tuyển dụng giáo viên cho đủ theo quy định là điều bắt buộc, không bị ràng buộc bởi chủ trương tinh giản biên chế. Do tính chất, đặc điểm riêng của giáo dục mầm non, giáo viên bậc học này phải lao động ít nhất 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày chứ không phải chỉ 8 tiếng như quy định của pháp luật.

Nếu tính toán chi ly, mỗi năm giáo viên mầm non phải làm "công quả" khoảng 500 giờ. Vì luật quy định không để người lao động làm việc vượt quá 200 giờ mỗi năm (sau khi trừ định mức). Quy định này đúng, có căn cứ đối với các tầng lớp lao động khác, đặc biệt là công nhân, nhưng lại không phù hợp với thực tế lao động của giáo viên mầm non.

Tất nhiên, khó có quy định nào thoả mãn được hết mọi đối tượng, mọi ngành nghề, nhưng nếu cứ để tình trạng như hiện nay là rất vô lý. Những bất cập trong giáo dục, ở đây là bậc học mầm non cần được nghiên cứu tháo gỡ. Giáo viên mầm non sẽ suy nghĩ thế nào khi mà thu nhập chính thức (lúc mới ra trường) của họ còn thấp hơn lương nhân viên trông giữ xe?

VIỆT ĐÔNG

Tin liên quan
  • Đi về đâu, các cô giáo mầm non dạy hợp đồng ? 

    Đi về đâu, các cô giáo mầm non dạy hợp đồng ?

    Hiện tại, có tới khoảng 400 cô giáo mầm non thuộc diện dạy hợp đồng tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh đang thấp thỏm, chờ đợi xem tỉnh nhà có tổ chức tuyển dụng chính thức hay không, lúc đó, các cô mới định hình được tương lai của mình.