Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập trong tuyển dụng giáo viên 

Cập nhật ngày: 17/02/2017 - 10:27

BTNO - Thiết nghĩ, nhiệm vụ chính của người giáo viên là dạy học, đây là một công việc có tính chuyên môn cao. Vì thế, việc đặt ra một “hàng rào kỹ thuật” không mấy liên quan đến đặc điểm lao động của nhà giáo như trên liệu có cần thiết?

Tây Ninh: Tuyển hơn 460 giáo viên, nhân viên cho năm học 2015 – 2016

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên năm học 2014 – 2015. Ảnh minh hoạ

Vào tháng 10.2016, ngành Giáo dục và Nội vụ tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học 2016 – 2017 với tổng chỉ tiêu cần tuyển là 440 người. Trong đó, giáo dục mầm non tuyển 185 chỉ tiêu, tiểu học: 124, trung học cơ sở: 55, trung học phổ thông: 63, cao đẳng sư phạm: 13. Kết quả tuyển dụng: có 367 trường hợp (362 giáo viên và 5 nhân viên) được chọn trong số gần 1.000 người dự tuyển.

Đối chiếu giữa con số ứng viên dự tuyển, số trúng tuyển và chỉ tiêu cần tuyển, có thể thấy: việc tuyển dụng giáo viên đã bộc lộ những điều bất cập (mặc dù thực hiện đúng quy định của Trung ương). Điều nghịch lý là tuy tình trạng thiếu giáo viên hãy còn đang diễn ra nhưng nhiều ứng viên dự tuyển vẫn bị đánh rớt.

Theo quy định thì ngoài phần thi về chuyên môn, người dự tuyển còn phải thi một số nội dung khác… không mấy liên quan đến công việc của người giáo viên. Trong kỳ tuyển dụng vừa qua, có trường hợp dự thi với mong muốn trở thành giáo viên môn Địa lý (cấp trung học cơ sở) và người này- mặc dù đạt điểm chuyên môn rất cao nhưng lại bị đánh rớt trong một phần thi không mấy liên quan đến chuyên môn.

Một số trường hợp ứng viên tốt nghiệp đại học chính quy cũng bị đánh rớt. Nhiều trường hợp bị đánh rớt có chung một mẫu số: bị điểm thấp trong phần thi phụ. Tuy là phụ nhưng phần thi này đã trở thành “vấn đề chính”- một nỗi lo sợ thật sự của các ứng viên. Trên phương diện kỹ thuật, thì tính khách quan, công bằng trong phần thi này cũng là một dấu hỏi lớn, đặc biệt ở nội dung phỏng vấn.

Ngoài phỏng vấn, phần thi phụ còn hỏi những câu không cần thiết và không liên quan đến chuyên môn của người giáo viên. Ví dụ: Trường cao đẳng Sư phạm trực thuộc Sở hay thuộc Bộ Giáo dục- Đào tạo? Chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh uỷ là gì? vv…vv…

Thiết nghĩ, nhiệm vụ chính của người giáo viên là dạy học, đây là một công việc có tính chuyên môn cao. Vì thế, việc đặt ra một “hàng rào kỹ thuật” không mấy liên quan đến đặc điểm lao động của nhà giáo như trên liệu có cần thiết?

Xung quanh việc tuyển dụng giáo viên, còn có một vấn đề khác- biên chế. Hiện nay, hầu như huyện nào trong tỉnh cũng thiếu giáo viên mầm non nhưng ngành Giáo dục không tuyển được hoặc không được tuyển. Tại kỳ tuyển dụng giáo viên cho toàn tỉnh năm học 2016 - 2017, có tổng cộng 240 ứng viên giáo viên mầm non nhưng chỉ tiêu tuyển lại chỉ có 185. Như vậy, nếu được phân bổ đầy đủ, số giáo viên mầm non trúng tuyển chỉ đủ cung ứng cho hai huyện mà thôi. Chỉ riêng ở Tân Biên, nếu bố trí giáo viên theo đúng quy định (tỷ lệ chung số giáo viên/lớp) thì huyện này đang thiếu tới 108 giáo viên mầm non.

Tại một hội nghị vùng thi đua khu vực Đông Nam bộ được tổ chức cách nay chưa lâu, một số lãnh đạo ngành Giáo dục đã đề nghị tháo gỡ bài toán biên chế nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên có những trường hợp ngành Giáo dục dù muốn cũng không thể tuyển dụng giáo viên cho bậc học này.

Bất cập này dẫn đến nghịch lý kia: trong khi nhà trường thiếu giáo viên thì hàng trăm sinh viên ngành học mầm non đã tốt nghiệp lại đang thất nghiệp. Tinh giản biên chế là một chủ trương đúng, song đối với các đơn vị sự nghiệp như ngành Giáo dục, việc tinh giản biên chế một cách máy móc là không phù hợp. Một ví dụ cụ thể, theo quy định của Chính phủ, cứ hai người nghỉ hưu thì chỉ được tuyển dụng một người. Điều này đem áp dụng cho ngành Giáo dục là vô lý, vì nếu một trường có hai giáo viên nghỉ hưu mà chỉ được tuyển có một người thì làm sao bố trí công tác?

Đ.V.T


Liên kết hữu ích