BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến với thơ hay

Bây giờ yên giữa vườn xanh

Cập nhật ngày: 21/01/2018 - 21:02

BTN - Nhà thơ Bùi Văn Bồng, sinh năm 1953, là hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Ông từng là Trưởng cơ quan đại diện báo Quân Ðội Nhân Dân tại đồng bằng sông Cửu Long. Xuất thân là người lính trải qua nhiều chiến trường, nên ông có nhiều bài thơ hay viết về đồng đội sau ngày đất nước thống nhất.

Ðặc biệt là ở các bài thơ lục bát làm lay cảm hồn người bằng vần điệu, bằng âm hưởng xuất thần như bài “Lời ru ngọn cỏ” có những câu: Dẫu nằm lại với miền xa/ Trưa rừng hoang vắng tiếng gà lẻ loi/ Ðã qua mấy chục năm rồi/ Cỏ xanh vẫn thuỷ chung nơi mộ người…

Bài thơ “Lá thư kỷ vật” được đăng trong tuyển thơ “Lục bát tự chọn” gồm nhiều tác giả do Nhà xuất bản Công An Nhân Dân ấn hành năm 2009. Toàn bài thơ là câu chuyện một đồng đội đi tìm mộ đồng đội sau chiến tranh.

Câu chuyện được kể lại với nhiều chi tiết xúc động trong bối cảnh chiến trường xưa giờ đã: Bưng biền lúa biếc một màu/ Sơ đồ mộ chí nát nhàu khó xem. Chỉ hai câu thơ đã vẽ lên một không gian gây ngỡ ngàng cho người lính cũ.

Biết tìm mộ đồng đội ở đâu bây giờ, khi trận địa cũ giờ đây đã trở thành ruộng lúa? Rất may, người dân ở đây lúc “đào kinh lấy đất đắp bờ” đã tự bỏ công quy tập hài cốt liệt sĩ vào một địa điểm an lành trong vườn cây trái. Nhưng đó chắc hẳn là những hài cốt vô danh, nên lúc cải táng mộ, người ta đã cẩn thận giữ lại những di vật của liệt sĩ, ý hẳn là để sau này có dịp sẽ trao lại cho ai đó nhằm xác định lại nguồn gốc, tên tuổi của người đã hy sinh: “Lão nông với tấm lòng thành/ Ngày đêm nhang khói cầu lành tâm linh/ Chỉ riêng một lá thư tình/ Lão đem giữ kín trong mình làm tin”.

Và cách làm ấy của lão nông đã tỏ ra có tác dụng khi người tìm mộ nhận ra kỷ vật của người bạn chiến đấu năm nào: “Nhớ đêm mây úa trăng gầy/ Ðáy ba lô lá thư nầy mở ra/ Bạn khoe: thơ của “người ta”/ Chữ nghiêng con gái sao mà dễ thương”.

Là một câu chuyện kể trong muôn ngàn câu chuyện kể sau chiến tranh, nhưng cách kể của một nhà thơ đã gây xúc động mạnh cho người đọc, trước hết; vì tính chân thật của nó. Bài thơ làm cho người đọc liên tưởng: có biết bao câu chuyện cảm động như thế diễn ra trên khắp đất nước mình vào cái thời chiến tranh đã chấm dứt, nhưng những đau thương một thời vẫn còn đọng lại. Ðây là một thành công của bài thơ.

“Lá thư kỷ vật” còn một thành công khác nữa là nhà thơ đã dùng nghệ thuật đảo ngược câu từ, dùng đoạn thơ sau để giải thích đoạn thơ trước khá hấp dẫn người đọc. Mở đầu bài thơ: Lá thư nóng hổi tay tôi/ Hay là nắng rớt chiều vơi cuối rừng/ Nhạt nhoà nét chữ rưng rưng/ Trang thư làm tím một vùng heo may. Lá thư gì mà có sức lay động cả đất trời vậy? Ðó chỉ là bức thư tình của đồng đội và nó được giải thích ở đoạn sau: Rồi hai đứa hai chiến trường/ Ðể bây giờ thắp nén hương bồi hồi/ Tôi đi tìm mộ bạn tôi/ Ðã qua mấy chục năm rồi dễ đâu.

Ðọc qua hết 3 đoạn thơ gồm 24 câu, cảm giác như một mạch nguồn cảm xúc đang dâng trào, khiến lòng người thổn thức và nhà thơ đã: Tôi cầm kỷ vật ngẩn ngơ/ U Minh đầu tháng bất ngờ trăng lên.

Thì biết rồi, nhà thơ đi tìm mộ đồng đội ở tận rừng già U Minh. Nói tới trăng là nói tới âm lịch, mà đầu tháng âm lịch gần như không có trăng, hay nói đúng hơn trăng chỉ mới tượng vành hình dáng mỏng manh, tạo ra một thứ ánh sáng mờ mờ, ảo diệu và yên ả. Ánh trăng hoà quyện như sương như khói với hình ảnh đã được nói đến ở phần trên: Mộ anh bây giờ yên giữa vườn xanh.

VĂN TÀI

Từ khóa
24 câucảm giác