BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh tả heo châu Phi không gây hại đến sức khoẻ con người 

Cập nhật ngày: 15/03/2019 - 06:19

BTN - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh tả heo châu Phi không gây bệnh trên người nên không đe doạ sức khoẻ con người. Đây là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá do vi khuẩn. Vì vậy người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, không nên “tẩy chay” thịt heo sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được nấu chín.

Thịt heo tại các chợ dân sinh bán khá chậm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa phát hiện bị bệnh tả heo châu Phi. Tuy nhiên, trước thông tin dịch bệnh đã xảy ra tại nhiều địa phương khác trong nước, một bộ phận người tiêu dùng lo ngại, e dè với việc sử dụng thịt heo. Đây là dấu hiệu tiêu cực do người tiêu dùng chưa hiểu đầy đủ, chính xác về dịch bệnh này.

Đầu tháng 3, tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Tây Ninh, mặt hàng thịt heo vẫn bày bán với giá ổn định từ 90.000 - 100.000 đồng/kg thịt ba rọi, 80.000 - 85.000/kg thịt đùi, thịt vai nhưng sức mua đã giảm khoảng 20% - 30% so với những ngày trước khi có thông tin về dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Việt Nam. Bà Nguyễn Thu Hảo, tiểu thương kinh doanh thịt chà bông, các loại giò chả làm từ thịt heo ở chợ Tây Ninh cho biết: “Mấy ngày đầu, khi mới có thông tin về dịch, nhiều nội trợ mặc dù có e dè với việc mua thịt heo về chế biến nhưng sức mua chưa giảm nhiều. Khoảng 5, 6 ngày gần đây, thịt heo bắt đầu ế hơn. Trước đây tôi bán được khoảng 200kg thịt mỗi buổi chợ, nay, sức mua đã giảm còn 30 - 40kg thịt, nội tạng thì càng ế hơn”.

Ngày 14.3, chúng tôi đến các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Tây Ninh và ghi nhận giá thịt heo giảm nhẹ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Chị Phạm Thị Mai Phương, tiểu thương chợ phường 3 cho biết: “Ở Tây Ninh chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi nhưng lượng thịt tiêu thụ cũng đã giảm từ 10% - 20% so với trước”.

Còn chị Hồ Thị Thi, tiểu thương chợ thành phố Tây Ninh cho biết: “Mình tìm hiểu thì được biết bệnh tả heo châu Phi không gây hại đến sức khoẻ con người, mà Tây Ninh cũng chưa có dịch bệnh này. Tuy nhiên, có một bộ phận người tiêu dùng lo sợ quá mức không dám dùng thịt heo nên mức tiêu thụ giảm, giá bán cũng giảm so với trước”.

Việc người tiêu dùng e dè vì lo ngại bệnh tả heo châu Phi có thể lây lan sang người gây hại đến sức khoẻ. Chị Hồ Thu Lý, ngụ khu phố 5, phường 1 cho biết: “Dù đã đọc kỹ thông tin về bệnh tả heo trên báo chí và được biết là bệnh này không lây sang người, không gây hại cho sức khoẻ con người, song tôi vẫn có chút e ngại. Do đó mà gần đây, tôi mua các loại hải sản, cá, thịt bò, thịt gà thay cho thịt heo trong các bữa ăn hằng ngày của gia đình”.

Một số bà nội trợ không mua thịt heo ở các chợ truyền thống mà chọn mua ở những cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị. Chị Vương Thị Kim Anh, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết: “Từ khi có thông tin dịch tả heo đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành, tôi không dám mua thịt ở chợ vì lo ngại thịt trôi nổi, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi chọn mua thịt được kiểm dịch ở hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị”.

Tại các nhà hàng và bếp ăn tập thể, việc sử dụng thịt heo được kiểm soát chặt chẽ hơn. Công ty TNHH Fang Brother Kinting Việt Nam (Khu công nghiệp Phước Đông, Gò Dầu) có khoảng 1.500 công nhân đang làm việc. Đại diện công ty này cho biết, để bảo đảm sức khoẻ cho công nhân, công ty đã hợp đồng với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Tây Ninh để cung cấp thịt heo.

Còn ở nhà hàng Anh Điệp (xã Thái Bình, huyện Châu Thành), các thực đơn liên quan tới thịt heo thời gian gần đây ít được khách hàng lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Điệp, chủ nhà hàng Anh Điệp cho biết, khoảng 50% khách hàng không sử dụng thịt heo mà thay vào đó là những món ăn từ hải sản, cá, thịt bò…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh tả heo châu Phi không gây bệnh trên người nên không đe doạ sức khoẻ con người. Đây là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá do vi khuẩn. Vì vậy người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, không nên “tẩy chay” thịt heo sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được nấu chín.

Vũ Nguyệt

Theo nhiều tài liệu, trường hợp con người “lỡ” ăn thịt heo mắc bệnh tả châu Phi nhưng đã được nấu, chín thì người dùng vẫn an toàn, không có vấn đề gì đáng quan ngại đến sức khoẻ. Tuy nhiên, khi gia súc, gia cầm mắc bệnh chết, dù là bệnh gì đi nữa thì con người cũng không nên ăn thịt chúng, vì trong thịt động vật bệnh chết có những virus, vi khuẩn, độc tố không tốt cho sức khoẻ người dùng nếu không được chế biến kỹ.

Hiện nay, Việt Nam và thế giới quyết liệt phòng, chống dịch tả heo châu Phi không phải vì dịch bệnh này gây tổn hại trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người như một số dịch bệnh khác trên gia súc gia cầm như bệnh heo tai xanh, bệnh cúm gia cầm H5N1... mà là vì 100% heo mắc bệnh tả châu Phi sẽ chết. Do đó, bệnh sẽ gây ra thiệt hại rất lớn và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội. Ngành chăn nuôi heo sẽ bị kiệt quệ. Heo giống sẽ khan hiếm và đắt đỏ. Thịt heo và các sản phẩm làm từ thịt heo sẽ tăng giá đột biến sau dịch bệnh. Trong khi thị trường lại không có đủ nguồn cung cho người dùng.

Mặc dù có nhiều loại thịt khác có thể sử dụng thay cho thịt heo như bò, gà, cá, thuỷ hải sản... nhưng thành phần dinh dưỡng có trong thịt heo là không thể thay thế về lâu dài.

HOÀNG THI

Video Clip Khuyến cáo người dân không nên quay lưng với thịt heo: