Bếp ăn thân thiện-cái tình của thầy cô

Bếp ăn thân thiện-cái tình của thầy cô

Một bữa cơm tại Trường THPT Quang Trung.

Trường THPT Quang Trung (huyện Gò Dầu) có đông học sinh theo học, ngoài số cư trú trên địa bàn huyện, còn có một số đến từ các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng. Không ít học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em gặp nhiều trở ngại khi đến lớp, thậm chí có em phải bỏ học giữa chừng.

Chứng kiến hoàn cảnh vất vả của học sinh nhà xa phải học hai buổi, trưa ở lại trường ăn tạm mì gói, bánh mì hay đồ hộp, đầu năm học 2009-2010, nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Công đoàn, Ðoàn Thanh niên và Hội Chữ thập đỏ xây dựng Bếp ăn thân thiện cho học sinh, với mục đích hỗ trợ học sinh nghèo có bữa ăn trưa đầy đủ, không phải nhịn đói khi đến lớp, lan truyền tinh thần nhân ái “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Trong suốt 9 năm qua, Bếp ăn thân thiện của Trường THPT Quang Trung đã trở thành hậu phương vững chắc, hỗ trợ cho nhiều học sinh nghèo an tâm cắp sách đến trường, vươn lên trong học tập.

Thầy Nguyễn Văn Quây, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho rằng, quá trình học tập là cả một chặng đường dài, cần sự nỗ lực và kiên trì của học sinh. Khi kinh tế gia đình khó khăn, nhiều em thường dễ nản lòng và có ý định bỏ học. Bếp ăn thân thiện đã giúp học sinh tiết kiệm chi phí ăn uống, giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình; cũng như tạo sự gần gũi, gắn kết giữa giáo viên và học sinh.

Khi mới thành lập bếp ăn, nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ. Nhà trường đã huy động mọi nguồn hỗ trợ từ các bậc phụ huynh, mạnh thường quân đến các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp trên địa bàn để duy trì và nâng cao chất lượng bếp ăn.

Ðể bếp ăn hoạt động có hiệu quả, nhà trường đã xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động cho bếp ăn, trong đó, ban điều hành gồm có 3 người và các bộ phận chức năng như thủ quỹ - thủ kho, kế toán, bếp trưởng và tình nguyện viên.

Thầy Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Quản lý học sinh cho biết, tổ chức và duy trì bữa ăn hằng ngày cho học sinh là một vấn đề không đơn giản, nhất là khi các em đang ở độ tuổi phát triển, nhu cầu dinh dưỡng cao, các bữa ăn cần bảo đảm về số lượng lẫn chất lượng.

Vì thế, nhà trường luôn quan tâm và chú ý đến chế độ dinh dưỡng của học sinh, với hy vọng các em không chỉ ăn no mà còn có thể phát triển toàn diện. 

Ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm các lớp tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và lập danh sách học sinh tham gia ăn trưa tại trường, ưu tiên cho những học sinh thuộc diện gia đình khó khăn, nhà xa hoặc các em nhà gần nhưng gia đình quá khó khăn, không có người nấu cơm trưa.

Nhận thấy đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, học sinh dễ bị tổn thương, khi chọn lựa đối tượng, nhà trường luôn có những giải pháp triển khai tế nhị, tìm hiểu tường tận từng hoàn cảnh.

Tầm 10 giờ mỗi ngày học, khu vực nhà bếp của trường bắt đầu hoạt động. Một số giáo viên công tác tại trường cho biết, vào giờ này, những ai trống tiết dạy và các tình nguyện viên sẽ có mặt tại khu vực nhà bếp cùng nhau chuẩn bị cơm trưa cho học sinh.

Bận rộn với cái chảo to đầy rau, củ, cô Nguyễn Duy Vân Trúc, cán bộ thư viện của trường, cũng là đầu bếp chính của bếp ăn cho biết, vào trưa thứ 2, 3, 4, 6 mỗi tuần, bếp ăn luôn đỏ lửa để phục vụ các em học sinh nghèo, có nhu cầu ăn trưa tại trường.

Hiện nay, có hơn 50 học sinh ăn trưa, mỗi suất cơm trung bình khoảng 12.000 đồng. Khâu vệ sinh cũng được ban quản lý bếp ăn chú trọng từ việc chọn thực phẩm đến chế biến. Theo cô Trúc: “Tuy tất bật và vất vả, nhưng nhìn các em được ăn no, bảo đảm sức khoẻ là chúng tôi lại thấy vui, có thêm động lực để tiếp tục thực hiện bếp ăn thân thiện này!”.

Em T.D, học sinh lớp 12, Trường THPT Quang Trung cho biết: “Cơm trưa ở trường rất ngon. Các thầy cô đều rất yêu thương, quan tâm đến chúng em. Không khí tại nhà ăn luôn vui vẻ, giống như những bữa cơm ở gia đình. Ðây là năm học cuối em được ăn cơm tại đây. Em hy vọng bếp ăn sẽ tiếp tục duy trì lâu dài”.

Theo thống kê của trường, từ khi có bếp ăn thân thiện, sĩ số học sinh của trường luôn được duy trì, số học sinh bỏ học giữa chừng không quá 1%/năm. Bếp ăn thân thiện đã duy trì được 9 năm là nhờ tấm lòng nhân ái của thầy cô và tình nguyện viên dành cho các em học sinh nghèo. 

PHƯƠNG THẢO - ÐÀO NHƯ