Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Biến phụ phẩm tôm gây ô nhiễm thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao 

Cập nhật ngày: 03/10/2018 - 20:16

Năm 2017, lượng phụ phẩm tôm của cả nước trên 320.000 tấn, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng thêm 60%. Đây được xem là “mỏ vàng” của ngành tôm nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.

“Cần tận dụng các nguồn phụ phẩm từ con tôm để thu hồi được tối đa các sản phẩm và tiếp cận với mô hình không chất thải. Dinh dưỡng chứa trong phụ phẩm tôm có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị hơn” - PSG.TS Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang nhấn mạnh tại hội thảo quốc tế Công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam diễn ra chiều ngày 3-10, tại Cần Thơ, do Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT tổ chức. Đây là hội thảo trong khuôn khổ sự kiện "Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế" diễn ra tại Cần Thơ kéo dài đến ngày 5-10.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch tôm.

Ngành tôm hiện chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hiện mặt hàng tôm chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu ngành thủy sản. Diện tích nuôi tôm cũng tăng ấn tượng: Từ gần 640.000ha năm 2010 đã tăng lên 720.000ha năm 2017; kéo theo sản lượng tôm từ 470.000 tấn tăng lên 657.000 tấn.

ĐBSCL được xem là vựa tôm của cả nước.

Năm 2017, lượng phụ phẩm tôm của cả nước trên 320.000 tấn, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng thêm 60%. Đây được xem là “mỏ vàng” của ngành tôm nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như: Chitin, Chitosan, Protein thủy phân… có khả năng áp dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp…

Khái thác tốt nguồn phụ phẩm từ con tôm có thể tạo ra  nhiều gia trị gia tăng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng chế biến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và chiến lược phát triển ngành phụ phẩm tôm.

“Có thể nói phụ phẩm tôm hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến nói chung và chế biến thủy sản do phụ phẩm tôm bị phân hủy tự nhiên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhưng nếu tận dụng để chế biến thì đó là một nguồn nguyên liệu quý, một “mỏ vàng” cho ngành ngành chế biến tạo ra các sản phẩm sinh học” – TS. Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) nhận định.

Chế biến phụ phẩm tôm là một giải pháp để làm giảm ô nhiễm môi trường trong chế biến tôm, quan trọng hơn nó còn tạo ra nhiều sản phẩm mới có nhiều ứng dụng quan trọng; đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Nguồn SGGPO