BAOTAYNINH.VN trên Google News

Biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật

Cập nhật ngày: 17/07/2017 - 12:48

BTN - Tôi 22 tuổi, giáo viên mầm non. Gần đây thị lực bị giảm, hoa mắt, chóng mặt và đau đầu, ngồi xuống đứng lên hay bị choáng, đầu óc không minh mẫn, nhiều khi làm phép tính đơn giản cũng làm sai vì đầu lúc nào cũng trống rỗng.

Tôi đã đi đo điện não đồ, cộng hưởng từ não, chụp dopller xuyên sọ, tất cả đều bình thường. Tôi hay lo lắng, hồi hộp, lo âu, đập trống ngực, thường ra mồ hôi, nên người mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng khi ăn. Xin bác sĩ tư vấn giùm!

Huỳnh Thị L. (Bàu Năng, Dương Minh Châu)

Ðáp:

Theo những biểu hiện bạn mô tả, bạn có thể bị rối loạn thần kinh thực vật.

Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp nhất. Thường bệnh nhân có nhịp tim nhanh, thậm chí co thắt cả mạch vành làm cho bệnh nhân đau ngực, nhịp tim nhanh làm cho bệnh nhân cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi cảm giác hẫng người.

Ðặc biệt, các cơn rối loạn này không có quy luật gì cả và có thể kết thúc đột ngột làm cho người ngoài tưởng rằng bệnh nhân giả bộ. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều v.v… khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng khi kiểm tra kết quả nhiều lần chỉ phát hiện một vài vấn đề rất nhỏ, không tương xứng với mức độ mệt mỏi mà họ cảm nhận được.

Thường gặp là triệu chứng ở hệ tim mạch và bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim. Ðối với rối loạn thần kinh thực vật mà phó giao cảm chiếm ưu thế thì người bệnh bị co thắt phế quản làm khó thở. Nhiều người cảm thấy triệu chứng xảy ra bất thường quá giống như giả bộ nên có thái độ trầm cảm và nghĩ rằng mình bị rối loạn tâm thần nên đến chuyên khoa tâm thần.

Ngoài ra còn có thêm mất ngủ, đau đầu, nặng đầu, choáng váng, tính tình thay đổi, đau mỏi lưng, đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, buốt xương sống, rối loạn cảm giác, giác quan và nội tạng: chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, cảm giác đau nhức cơ, cảm giác khó chịu ngoài da như kiến bò, kim châm, nóng lạnh, tê, buồn, cứng tay, run tay…

Ðể khắc phục rối loạn thần kinh thực vật, bạn nên đi bộ buổi tối mỗi ngày ít nhất 1 tiếng đồng hồ, những bước chân vô thức sẽ tác động rất tốt và điều chỉnh lại hệ thần kinh thực vật. Tập thể dục nhẹ nhàng, không tập những môn thể thao quá sức. Chế độ ăn, ngủ, giải trí, làm việc thích hợp, từ bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc...

Bạn cần tập suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và lối sống lành mạnh. Bạn nên cân bằng chế độ nghỉ ngơi, tập luyện yoga, khí công, tắm nắng, xoa bóp. Về thuốc thì có thể dùng các thuốc calcium, sinh tố nhóm B (đặc biệt Vitamin B6), acid glutamic, thuốc an thần… Bên cạnh đó cần đến bác sĩ để được tư vấn về thuốc điều trị. Chúc bạn mau chóng khỏi bệnh.

BS LÊ TRUNG NGÂN