BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bà Phan Thị Điệp- Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh:

Bình đẳng giới - nỗ lực từ chính bản thân phụ nữ

Cập nhật ngày: 22/11/2016 - 10:43

Bà Phan Thị Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

PV: Có nhận định rằng, trong thành quả chung của cách mạng Việt Nam có vai trò rất quan trọng của phụ nữ; đồng thời, chưa bao giờ vấn đề bình đẳng giới lại được quan tâm như hiện nay. Quan điểm của bà như thế nào về nhận định trên?

Bà Phan Thị Điệp: Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Tôi không nhắc lại vai trò của phụ nữ trong thành quả chung của cách mạng Việt Nam, bởi điều đó đã được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng trong lịch sử.

Tôi chỉ xin đề cập đến nhận định “chưa bao giờ tiếng nói của phụ nữ mạnh mẽ như hiện nay”, theo tôi, điều này cũng rất chính xác. Cần phải khẳng định rằng, việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội là quan điểm, chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác quyết: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội.

Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, quyền bình đẳng nam - nữ đã được đề cập tới như là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Điều 9 bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 nêu rõ: “Đàn ông và đàn bà ngang quyền với nhau về mọi phương diện”. Quan điểm đó tiếp tục được kế thừa trong tiến trình phát triển của đất nước qua các lần sửa đổi Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, đến bản Hiến pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, quan điểm này lại được khẳng định tại Điều 26: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”.

Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới đã được thể chế hoá trong tất cả các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” tiếp tục khẳng định: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến Luật Bình đẳng giới, một văn bản pháp luật quy định đầy đủ về quyền bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Đó là những cơ sở pháp lý và lý luận vững chắc, tạo nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị.

Trên thực tế, bình đẳng giới ở Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể, thể hiện qua tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử cũng như cấp uỷ ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ 2015 - 2020, đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Riêng Tây Ninh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ ở mỗi cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước, trong đó: cấp tỉnh đạt tỷ lệ 15,69% (tăng 2,96%); cấp huyện đạt tỷ lệ 16,58% (tăng 1,99%); cấp cơ sở đạt tỷ lệ 25,23% (tăng 1,84%). 

PV: -Quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ đã có khá đầy đủ, nhưng theo nhiều người đánh giá, mục tiêu bình đẳng giới vẫn còn xa và còn có nhiều thách thức không nhỏ. Theo bà, những thách thức đó là gì?

Bà Phan Thị Điệp: -Những con số thống kê tôi vừa nêu trên cho thấy tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý tăng qua từng nhiệm kỳ. Tuy nhiên, mức tăng chưa cao lắm, chưa đạt mục tiêu Chỉ thị 11/BCHTWĐ khoá XI đặt ra là “phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%”.

Thực tế cũng có những cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhưng vẫn chưa bố trí được cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo. Điều đó cũng có nghĩa là, để phụ nữ có điều kiện tham chính, nói cách khác, để huy động tiềm lực của giới nữ nhiều hơn cho sự phát triển xã hội thì đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và của chính bản thân chị em phụ nữ. Đặc biệt là nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Có thể nói, cho đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này, mục tiêu bình đẳng nam nữ vẫn còn xa. Có nhiều thách thức, trong đó tôi chỉ xin đề cập đến 2 vấn đề.

Thứ nhất, định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội. Một số cấp uỷ và chính quyền các cấp, các ngành nhận thức chưa đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ. Có nơi có lúc còn có biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, ngại tuyển dụng phụ nữ, đánh giá cán bộ nữ thiếu khách quan, chưa công bằng và còn khắt khe. Cũng bởi nhận thức giới chưa đầy đủ nên cơ chế, chính sách tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ chưa có tính chiến lược lâu dài và thiếu tính đột phá.

Thứ hai, một bộ phận không nhỏ chị em phụ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên. Có tình trạng một bộ phận phụ nữ có tâm lý e ngại khi được luân chuyển công tác xa gia đình. Mặt khác, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi người phụ nữ phải cố gắng trong chuyên môn như nam giới, song bản thân chị em phải gánh thêm vai trò làm mẹ, cộng với quan niệm lạc hậu “việc nhà là của phụ nữ”, nên hạn chế năng lực phát triển của phụ nữ.

PV: -Theo bà, giải pháp nào khả dĩ nâng cao vai trò phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý?

Bà Phan Thị Điệp: -Như đã nói ở trên, định kiến giới là vật cản nặng nề đối với sự tiến bộ của phụ nữ, làm trì trệ sự phát triển của xã hội. Do vậy, điều đầu tiên là phải tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi, sự ủng hộ chung đối với sự tiến bộ của phụ nữ.

Thứ hai, cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn.

Thứ ba, rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng nhằm tạo điều kiện phát huy tiềm năng của phụ nữ. Quan tâm đặc biệt tới xây dựng chính sách cho các đối tượng cán bộ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cán bộ nữ đi học có con nhỏ.

Thứ tư, phụ nữ chúng ta phải khắc phục cho được tâm lý tự ti, tự mình níu kéo chính mình. Phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Tây Ninh nói riêng luôn tự hào rằng, ngay từ những ngày đầu mở nước và dựng nước cho đến hôm nay, trong từng trang sử vàng của lịch sử Việt Nam luôn có tên người phụ nữ.

Trong giai đoạn hiện nay, sự quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt của Đảng và Nhà nước là cơ hội để chị em phát triển toàn diện và tham gia trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đã dần làm thay đổi những định kiến về vai trò của phụ nữ, khiến xã hội phải thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không thua kém nam giới và nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về vai trò, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

Do vậy, tự bản thân chị em phụ nữ càng phải nỗ lực hơn nữa để tự khẳng định mình. Con đường dẫn đến mục tiêu bình đẳng giới còn dài, nhưng với sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhất là nỗ lực của chính chị em phụ nữ chúng ta, tôi tin, mục tiêu đó sẽ đạt được trong thời gian không xa.

PV: Xin cảm ơn bà đã dành cho Báo Tây Ninh cuộc trao đổi này.

THANH NAM

(thực hiện)