Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHOÁ X VỀ “NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN”:

Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực 

Cập nhật ngày: 30/06/2018 - 07:49

BTN - Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện ở rất nhiều nơi. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, đặc biệt là tình hình xã hội ổn định, hệ thống chính trị được tăng cường.

Ông Cao Đức Phát- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trao đổi cùng nông dân trồng sầu riêng.

Chiều 28.6, tại phòng họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Cao Ðức Phát- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình, kết quả và công tác chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

 

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tây Ninh đã ban hành và cụ thể hoá một số chủ trương, chính sách lớn của Trung ương như đề án cơ cấu lại nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đó, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị và hiệu quả cao. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục được duy trì tăng trưởng ổn định với giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 4,01%/năm trong giai đoạn 2008-2017.

Cụ thể, trồng trọt có cơ cấu sản xuất chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Ðiểm nổi bật nhất là chuyển đổi mạnh một số cây trồng cho hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía… sang trồng các loại cây ăn trái có quy mô tập trung, giá trị kinh tế cao như nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài… đem lại giá trị tăng thêm từ 3-4 lần so với cây trồng truyền thống. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất trồng trọt năm 2017 đạt 88,45 triệu đồng/ha (năm 2008 là 64,26 triệu đồng).

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, khép kín. Nếu như 10 năm trước, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ thì đến nay, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 60% so với tổng đàn.

Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 27/80 xã đạt 19 tiêu chí (22 xã đã được công nhận đạt chuẩn, 5 xã đang thực hiện thủ tục công nhận). Bình quân mỗi xã còn lại đạt 14,2 tiêu chí.

Thời gian gần đây, kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo ra diện mạo mới cho nông thôn ở nhiều địa phương. Ðời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, khu vực nông thôn năm 2017 ước tăng 2,9 lần so với năm 2008- từ 13.572.000 đồng/người/năm (năm 2008) lên 39.900.000 đồng/người/năm (năm 2017)…

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện các chủ trương của Trung ương và của tỉnh, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nếu như năm 2008, Tây Ninh có 193 doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ hơn 9% so với tổng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì đến tháng 3.2018, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là 718 doanh nghiệp- chiếm tỷ lệ gần 15% tổng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện có 67 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng, có 9 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này với số vốn hơn 83 triệu USD.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết trong thời gian qua cũng còn những khó khăn, hạn chế như: cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm; sức cạnh tranh một số sản phẩm còn thấp; công nghiệp chế biến tuy phát triển nhưng chưa chế biến sâu, chưa phát triển chế biến rau quả và thịt.

Bên cạnh đó, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn ít, hiệu quả thấp. Một bộ phận nông dân có trình độ, nhận thức còn hạn chế; lúng túng, bị động và chịu nhiều rủi ro trước tác động của cách mạng 4.0… Những vấn đề trên, tỉnh đã nhìn thấy và rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.

Tỉnh cũng có một số kiến nghị với Trung ương như nên điều chỉnh lại Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cho phù hợp, hoặc quan tâm tới mức tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao… để giúp nông dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói tín dụng với lãi suất thấp. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, cái cần nhất là Trung ương có thể cung cấp cho địa phương những thông tin chính thống về thị trường, công nghệ, kỹ thuật.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Ðức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhất trí cao với những nhận định, đánh giá của địa phương. Nghị quyết đã có tác động rất tích cực, đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn đã có những tiến bộ rõ rệt, quan trọng nhất là nông nghiệp tăng trưởng cao.

Ðó là kết quả của một loạt các giải pháp mà lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo trong 10 năm qua. Ở lĩnh vực nông nghiệp, thời gian trước, tỉnh đã tập trung tăng chất lượng, năng suất, giá trị. Những năm gần đây, tỉnh đã hướng tới tăng tính bền vững, tăng khả năng cạnh tranh.

Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện ở rất nhiều nơi. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, đặc biệt là tình hình xã hội ổn định, hệ thống chính trị được tăng cường.

Ðoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương cũng đã tham quan nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại xã Thạnh Ðức (huyện Gò Dầu); khảo sát thực địa vùng trồng nhãn tại xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), vùng trồng sầu riêng tại xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu). Ðồng thời, đoàn cũng làm việc với UBND huyện Gò Dầu, UBND huyện Dương Minh Châu về tình hình, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Qua 2 buổi làm việc, đoàn công tác đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của địa phương và sẽ báo cáo Bộ Chính trị để có chỉ đạo phù hợp.

TRÚC LY