BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ NN&PTNT lên tiếng về vụ bê bối thịt bẩn Brazil 

Cập nhật ngày: 22/03/2017 - 20:32

Bộ NN&PTNT sẽ xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM sáng 22-3, Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT cho biết từ đầu năm 2017 đến nay Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil.

Liên quan đến việc kiểm soát trước khi thịt vào Việt Nam được tiến hành như thế nào, Cục Thú y cho biết các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập. Tiếp sau, các cơ quan thú y tại cửa khẩu sẽ tổ chức kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm xem có đủ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng hay không mới tiến hành cho nhập vào nước ta.

Cũng theo Cục Thú y, các cơ sở nhập khẩu thịt từ Brazil vào Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt. Nếu không đạt yêu cầu thì cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục Thú y cũng cho biết cơ quan thú y vùng, chi cục kiểm dịch động vật vùng đang tăng cường kiểm soát thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS SA và BRF SA thì tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu.

Hiện tại, Cục Thú y đã có đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Cũng theo Cục Thú y, trước khi Việt Nam ngừng nhập khẩu thịt Brazil, đã có một số nước cũng ngừng nhập khẩu như Hàn Quốc, EU, Chile...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay ngay sau khi có vụ bê bối thịt bẩn từ Brazil, ông đã chỉ đạo các ngành liên quan có cuộc họp khẩn cấp về vấn đề trên để tháo gỡ, giải quyết xử lý, xem xét ngưng nhập khẩu thịt từ nước này.

Thứ trưởng Tám cũng giao cho các đơn vị tổ chức rà soát chặt chẽ những nội dung liên quan đến việc nhập khẩu, cũng như kiểm soát việc nhập khẩu thịt từ Brazil trong thời gian sớm nhất. Đồng thời có đề xuất cụ thể gửi Bộ NN&PTNT xử lý kịp thời.

Nguồn TPO