BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Bông cà na

Cập nhật ngày: 03/04/2020 - 13:08

BTN - Bông đã nở thì to cỡ một bông hoa nhài trắng muốt. Nụ thì như những giọt sương, long lanh dưới nắng tháng ba. Lại có cả những chùm bông màu đỏ. Bông cà na đan xen, quẫy cựa bên nhau như thể đua tranh nhau, mau lớn lên thành trái. Từng chùm trái xanh mơn mởn chung chiêng khoe mình dưới nắng.​

Có lẽ chưa bao giờ tôi được nhìn những chùm bông cà na gần đến thế. Từng chùm bông giăng mắc, díu dan giữa cành và lá. Mỗi chùm là vô số nhánh nhỏ mềm, đong đưa dịu dàng ru rất nhiều bông hoa bé nhỏ. Bông đã nở thì to cỡ một bông hoa nhài trắng muốt. Nụ thì như những giọt sương, long lanh dưới nắng tháng ba. Lại có cả những chùm bông màu đỏ. Bông cà na đan xen, quẫy cựa bên nhau như thể đua tranh nhau, mau lớn lên thành trái. Từng chùm trái xanh mơn mởn chung chiêng khoe mình dưới nắng.

Đã có lần tôi đi tìm tới tận xóm Cà Na ở khoảng giữa xã Phước Lưu (huyện Trảng Bàng trước đây) và xã An Thạnh (huyện Bến Cầu)- cái tên này hình như cũng không có trong văn bản hành chính, nhưng nó vẫn được gọi, được viết nhờ các nhà thơ, nhà văn ở những xã cánh Tây huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng).

Lần ấy, tôi đã gặp rất nhiều cây cà na, thậm chí có cả vườn cà na trồng ven rạch. Nhưng cà na ở đấy cao lớn lắm. Phải ngước lên tìm mỏi mắt mới thấy trái cà na, do chúng điệp màu với lá, rất khó tìm, còn bông cà na thì vô phương... Vậy mà ở đây, vườn cây chỉ cao đến ngang người, vươn cánh tay vào là tha hồ hái trái; hoặc là cọ vào những chùm hoa mát rượi, thoang thoảng vị chua giòn, ngòn ngọt trái cà na.

Chủ vườn- ông Ba Hùng, một nông dân chính cống của xã Long Thành Trung, nay đã lên phường (thị xã Hoà Thành). Vườn cà na của ông cũng chẳng ở đâu xa, ngay phía sau chùa Thiền Lâm- Gò Kén. Qua khỏi cây cầu sắt cong cong bắc qua kênh Lò Gạch là tới. Tôi đã quen ông cách nay hơn một năm, khi ông vừa cải tạo được 5 công ruộng xấu đất phèn thành liếp, thành mương để trồng chuyên một thứ. Chính là những rặng cà na trĩu trịt trái bây giờ. Dạo ấy, ông bảo vừa xuống giống cà na Thái. Mới hơn năm thôi mà kết quả còn hơn cả mong đợi.

Thì đây, hàng trăm gốc cà na sum suê bông trái. Có cây, ông Ba đã thu hái được tới 30 ký trái. Cũng chẳng biết làm sao mà giống cây này lại hợp với đất phèn. Dạo mới “lên liếp” quật lên toàn đất bùn quánh đen, lõng bõng dưới mương thứ nước vàng sặc hơi chua mặn của phèn. Ai ngờ chứ! Ông Hùng kể thế.

Giờ thì khu vườn của ông đã như… như gì nhỉ? Tôi tìm chữ và bật ra tiếng: - Bồng lai tiên cảnh. Ông bật cười vang: - Có khi là vậy! Nhất là khi dịch Covid-19 hoành hành. Hàng loạt các nước châu Âu đang tự phong toả quốc gia hay thành phố của mình. Còn ở ta, cuộc chiến chống dịch cũng đang vào hồi quyết liệt. Tạm ngưng hết những nơi tụ tập đông người.

Vậy chỉ còn những nơi như vườn nhà ông Hùng là an toàn nhất. Nhà chỉ có 2 người. Cổng luôn luôn đóng. Gà tìm ăn lúc túc bên hông khi bà vợ ông Hùng nhặt cỏ dưới gốc cà na. Vịt lững thững bơi vài đôi dưới mương nước xanh trong. Hoa súng nở luênh loang từng cụm. Một góc mương chen chúc lục bình. Vài bữa một lần, ông Hùng lại vớt lục bình lên phủ vào gốc cho mát cây giữa trời nắng nóng. Có cả hệ thống bơm phun xoay luôn tưới tắm cà na. Đến mùa nước nổi, khu vườn của ông còn có cả bông điên điển nở như ở miền Tây.

Từ nay tôi chỉ thương nhớ nhất bông cà na trong vườn nhà ông Hùng. Thứ bông của loài cây vốn gốc gác là hoang dã, chỉ sống ở những nơi thanh sạch, nhất là những đám đã xoè nở, rung rinh như những bông nhài trắng trong tinh khiết. Trái cà na thì tôi thường thấy, thèm thì có thể mua ăn ở chợ, hoặc những xe hàng rong trên phố.

Nhưng loài hoa mộc mạc ấy, tôi chỉ có thể thấy ở vườn nhà ông Hùng. Bây giờ chắc nó cũng đã có ở nhiều khu vườn khác nữa, vì từ tết nguyên đán đến nay có rất nhiều người tìm đến, nhờ ông Hùng chia cho ít cây giống về trồng.

Chào vợ chồng ông Hùng, tôi ra về. Ông nhắc đến tháng 9, tháng 10 lại mà xem điên điển nở hoa vàng. Còn tôi, xin thêm một lần lùa hai cánh tay vào tán cây, dày đặc và mát rượi những chùm bông.

NGUYỄN