BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Bông súng Cẩm Bình

Cập nhật ngày: 08/11/2019 - 18:52

BTN - Mấy năm nay, Ban Hội miếu gò Trao Trảo luôn gọi tôi về ngày cúng miếu. Dịp mùng 4 tháng 4 là cúng ông Tà, đến mùng 7 tháng 10 (âm lịch) là cúng chiến sĩ trận vong. Lại nhớ, có lần cúng chiến sĩ vào mùa nước rất lớn, Ban Hội miếu phải thuê cả con phà để đón người vào miếu.

Năm ấy, toàn bộ cánh đồng bao quanh đã thành biển nước, chỉ còn nhô lên cái đỉnh gò trên có miếu thờ thôi! Thật là nhớ đời. Bởi khi phà cập gò rồi, mọi người vẫn phải cởi giày, xăn quần lên lội vào nơi còn khô ráo. Đó là khu vực chừng vài chục mét vuông quanh cụm miếu thờ, gọi là cụm vì có vài ngôi miếu nhỏ. Một trong đó là miếu Ông Tà từng có cả trăm năm. Ngôi mới nhất chỉ vài chục năm là miếu thờ chiến sĩ trận vong. Chẳng là có lần, một đơn vị giải phóng qua đây bị địch phát hiện, chúng huy động phi pháo, quân đội đến tàn sát. Theo báo cáo của Hội Cựu chiến binh xã, có hơn 60 chiến sĩ hy sinh trên đất gò Trao Trảo. Đấy là năm 1973, vào đúng ngày 7.10 âm lịch. Bà con họ đạo Cẩm Giang sau đó đã đem chôn cất các anh chung vào một vài nấm mộ. Sau ngày giải phóng, hài cốt các chiến sĩ này được quy tập đem về nghĩa trang, nhưng thỉnh thoảng người dân vẫn còn tìm được những di cốt không đầy đủ. Do vậy, từ vài chục năm trở lại đây, người dân ấp Cẩm Bình đã tự xây nên một ngôi miếu nhỏ, đến đúng ngày các anh hy sinh là cúng giỗ đàng hoàng.

Vài năm nay, khu cụm miếu có thêm một cột trụ xây làm đài Tổ quốc ghi công. Ngày 7.10 năm nào cũng có quân dân xã Cẩm Giang cùng bà con ấp sở tại Cẩm Bình quây quần bên nhau tưởng nhớ. Tôi ngồi cùng bàn với ông Tư Búa. Ông bảo bên ông còn một miếu thờ chiến sĩ nữa gọi là miếu Bàu Trâm, mãi tít trong ấp Cẩm An, gần giáp với Trường Hoà. Lòng dân Cẩm Giang là thế đó!

Đi vài lần thành ra quen. Và nhớ đất Cẩm Bình, nếu lâu lâu không có dịp về hoặc “đi qua cho đỡ nhớ” (thơ Xuân Diệu). Và nhớ nhất là dịp cúng miếu thờ liệt sĩ này đây. Đấy là khi nước nổi đã luênh loang tràn bờ Vàm Cỏ Đông. Cánh đồng Cẩm Bình ở hai bên con đường nhựa tới cầu Bến Đình tràn ngập màu hoa súng. Nhớ hồi năm ngoái nước lớn hơn, hoa súng cũng tha hồ tung tẩy trồi lên. Từng đám lá màu đồng loang loáng, rồi hoa súng đỏ rừng rực chen nhau. Điểm trang thêm các mảng màu tinh khôi hoa súng trắng. Cứ như ta gặp thuở mới khai nguyên đất trời. Đồng bưng chỉ toàn cỏ hoa giữa mênh mông nước nổi tới chân trời.

Năm nay có vẻ nước nổi không cao lắm, nên hoa súng ít hơn. Vào lúc gần trưa tôi ra thì những bông súng đỏ đã đi ngủ sớm. Chúng đã khép lại rồi, hàng mi cong đài các, đài hoa chỉ còn như một ngón tay búp măng trở ngược lên trời. Nhưng súng trắng vẫn còn vô tư nở man mác như những đám mây trôi. Ôi Cẩm Bình! Miền đất nông thôn bình dị mọi lần nay bỗng như hoá thành một nẻo phù vân.

Ngồi hàn huyên với các bác Tư Nghề, Tư Búa mới biết thêm rằng ngôi đình Trung của xã cũng ở Cẩm Bình (chứ không phải Cẩm Long như trong sách Di tích viết). Ông Tư Nghề còn khoe, hồi năm ngoái, tỉnh đã đầu tư tu sửa lớn đình Trung. Còn năm nay, miếu cũng được nhiều mạnh thường quân ủng hộ nên làm được con đường trải đá từ đường Bến Đình vào khu miếu võ. Cũng không nhiều nhặn gì đâu, chỉ vài trăm mét trải đá dăm cho bà con dễ đi lại mà thôi. Dẫu là đá dăm dọc bờ kênh I, nhưng có lẽ đây lại là con đường đẹp tuyệt vời, khó con đường bê tông nhựa nào sánh được. Vì sao ư? Vì đường đi giữa mênh mông nước, và tràn ngập những bông súng trắng, súng hồng.

Không phải người nông dân Cẩm Bình bỏ hoang cả một vùng đất ven sông vào vụ Hè Thu cho súng nở, mà đấy là cách để cho đất ruộng nghỉ ngơi, tắm mát phù sa sông và hít thở khí trời. Cũng nhờ thế mà vụ lúa Đông Xuân thường có năng suất cao, có nơi thu 10 tấn lúa/ha. Và cũng nhờ thế mà Cẩm Bình- đứa con của đất mẹ Cẩm Giang đã thật xứng là một điểm cho những người yêu thiên nhiên tìm đến. Trên gò là cả một rừng tràm cao lênh khênh khép tán. Bốn bề là nước nổi ngập tràn hoa. Đi tìm, biết đâu ta sẽ gặp một tổ chim trao trảo của một thời xa xưa còn sót lại.

NGUYỄN