Xã hội   Giáo dục

Bức tranh mạng xã hội qua vụ chế nhạo "tròn, vuông" của GS Hồ Ngọc Đại

Bức tranh mạng xã hội qua vụ chế nhạo "tròn, vuông" của GS Hồ Ngọc Đại


Bức tranh mạng xã hội qua vụ chế nhạo "tròn, vuông" của GS Hồ Ngọc Đại

 

ĐÁM ĐÔNG GIẬN DỮ

Nhiều "trạng thái mỉa mai" xuất hiện và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Giới trẻ viết đơn xin việc, thư gửi người yêu bằng "hình vuông, tròn, tam giác". Đám học sinh khoe tin nhắn gửi cho nhau cũng "vuông, tròn, tam giác" như "teen code" từng một thời tung hoành trong đám trẻ.

Ngoài rất nhiều những video chế giễu, đả kích, thậm chí, nghệ sĩ nổi tiếng cũng hát bằng... hình.

Nhiều người còn nhầm lẫn sách CNGD với chuyện đổi chữ viết và tưởng chương trình này chưa bao giờ được áp dụng. Họ không bỏ thời gian ít ra là “hỏi Google” xem CNGD là gì, cách đánh vần này thực hư ra sao.

Kinh tế học hành vi chỉ ra rằng con người có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố lệch lạc trong hành vi, khiến họ khó thay đổi quan điểm, cho dù có nhận được thông tin mới đáng tin cậy nhưng ngược với quan điểm của họ.  

Một người bạn tôi chịu không nổi, đã gửi tin nhắn qua mạng: “Giờ ai cũng thành chuyên gia đánh vần và ngữ âm cả”. Bạn khác sâu sắc hơn: “Giáo dục là con voi mà ai cũng là thầy bói sờ voi”.

Bức tranh mạng xã hội qua vụ chế nhạo "tròn, vuông" của GS Hồ Ngọc Đại

Dù nhiều thông tin được đưa ra ở cả hai chiều và GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng, số đông vẫn chỉ lựa chọn thông tin có lợi cho quan điểm trước đó của mình. Người ủng hộ CNGD tiếp tục ủng hộ, ai chỉ trích tiếp tục chỉ trích, không nhiều dân mạng bình tĩnh phân tích câu chuyện.

Có những người không quan tâm GS Đại nói gì, tiếp tục “ném đá” ông. Ở chiều ngược lại, một số người tỏ ra hiểu biết về CNGD cũng quay ra… tấn công cá nhân những người tấn công GS Đại và chương trình của ông.

Một số bạn của tôi đăng những bài về tranh luận nghiêm túc, tránh ngụy biện, đưa ra phương pháp tranh luận để đi đến chân lý. Thế nhưng, mấy ai sẽ nghe họ?

Daron Acemoglu, giáo sư kinh tế học của Đại học MIT, Mỹ, từng có nhận xét rằng sự bất đồng giữa các cá nhân trong xã hội về chủ đề từng được tranh cãi qua hàng thế kỷ là chuyện thường, ít khi nào họ đạt đến đồng thuận. Ông đưa ra nhiều mô hình toán để mô hình hóa chuyện bất đồng giữa số đông trong xã hội.

Kinh tế học hành vi cũng chỉ ra rằng con người có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố lệch lạc trong hành vi, khiến họ khó thay đổi quan điểm, cho dù có nhận được thông tin mới đáng tin cậy nhưng lại ngược với quan điểm của họ.

Họ chỉ tìm kiếm thông tin có lợi cho suy nghĩ ban đầu của mình và từ chối tiếp nhận hướng ngược lại. Hiện tượng này gọi là tìm thông tin để củng cố thành kiến (confirmation bias).

Vì vậy, đừng mong đợi nhiều người bàn luận có lý trí, bài bản, đúng logic tranh luận. Họ sẽ cãi theo quan điểm của mình, dựa trên kinh nghiệm và tình cảm - quan điểm - suy nghĩ của đám đông bạn bè, đồng nghiệp gặp hàng ngày.

Ở khía cạnh khác, nhiều người lên mạng sau một ngày dài mệt mỏi với bao bức xúc của bộn bề cuộc sống. Từ chuyện công sở, học hành, con cái, bị kẹt xe, bị va quệt ngoài đường, đến đọc báo thấy nhiều ý kiến “sôi máu”, thế là họ lên mạng xã hội tìm chỗ giải trí và… trút giận.

Những người đó thường không đầu tư thời gian hoặc cố tình không tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề. Họ không đi tìm chân lý, mà đi tìm nơi thỏa mãn nhu cầu thể hiện ý kiến, tương tác với người khác và giải tỏa bực tức bị dồn nén cả ngày thông qua... bình luận, status. Sách CNGD và GS Hồ Ngọc Đại không may là một trong số những nạn nhân của "trào lưu đám đông" đó.

Đám đông giận dữ, sẵn sàng ném đá trên mạng xã hội chỉ là tấm gương phản chiếu của bề mặt xã hội. Đọc tin trên báo, tôi thấy có nhận xét bây giờ người ta dễ nóng nảy hơn, ra ngoài đường va quệt nhẹ cũng đòi đánh nhau. Nhiều người sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng nắm đấm hơn.

Mạng xã hội không phải nguồn gốc gây ra bức xúc. Nó chẳng qua là công cụ khuếch đại những thứ đó lên, chính xác hơn là tấm gương phản ánh sự bức xúc của nhiều người trong xã hội về đủ loại vấn đề quanh họ.

Trước khi có mạng xã hội, người ta không có công cụ để thể hiện sự giận dữ và bức xúc đó ra mà thôi. Có mạng xã hội, chúng ta mới thấy được cách suy nghĩ, thành kiến của nhiều người, nhiều nhóm cộng đồng. Có mạng xã hội, chúng ta cũng thấy rõ hơn "văn hóa đám đông" và "gió đổi chiều" quá nhanh, quá nguy hiểm của một bộ phận núp danh cư dân mạng. 

"HỖN CHIẾN" TRÊN MẠNG

Vì sao cư dân mạng chạy theo đám đông, cứ thích "ném đá" người khác, mặc dù mình chưa tìm hiểu rõ? Vì sao cư dân mạng thường bị lên án về văn hóa trao đổi, tranh luận khi "nghe ít, bình luận nhiều và thiếu tinh thần xây dựng".

Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là  họ sợ trở thành kẻ đi sau trong “trào lưu mới” mà bạn bè, người quen, thậm chí chỉ là bạn Facebook chưa từng gặp, đang tham gia. Nó cũng như trào lưu bắt Pokemon hay chạy theo sao Hàn vậy.

Có mạng xã hội, chúng ta mới thấy cách suy nghĩ, thành kiến của nhiều người, nhóm cộng đồng. Có mạng xã hội, chúng ta cũng thấy rõ hơn "văn hóa đám đông" và "gió đổi chiều" quá nhanh, quá nguy hiểm của một bộ phận núp danh cư dân mạng. 

Bức tranh mạng xã hội qua vụ chế nhạo "tròn, vuông" của GS Hồ Ngọc Đại

Trong thời đại thông tin tràn ngập và đã vượt qua khả năng tự lọc của con người, tình trạng "hỗn chiến" trên mạng sẽ không biến mất.

Nhiều chuyên gia cố gắng kêu gọi người khác học cách tranh luận có phương pháp và bình tĩnh phân tích, nhưng khó khả thi, bởi số đông không có nhiều thời gian (thậm chí không muốn) suy nghĩ, tìm hiểu kỹ.

Thói quen của họ là "còm" trước té nước theo mưa, chẳng thèm quan tâm bản chất vấn đề là gì và nó có xúc phạm người khác.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền, bức xúc trong cuộc sống mỗi ngày, và cả nhu cầu tranh phần trong một trào lưu mới khiến người ta không dừng lại vài giây trước khi bấm nút gửi “viên đá” đi.

Thế nhưng, chúng ta có thể cải thiện tình trạng này nếu mọi người cố gắng bình tĩnh, biết tôn trọng người khác hơn một chút, để đơn giản chấp nhận rằng người ta có quan điểm khác mình và thôi không tranh cãi hay tấn công lẫn nhau nữa. Ông bà ta có câu “một điều nhịn chín điều lành”. 

Cuộc sống hàng ngày đã mệt mỏi, sao ta còn phải chuốc thêm phiền toái và bực dọc trên mạng xã hội?

Nguồn ZING