Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các địa phương “khởi động” phát triển du lịch nông thôn 

Cập nhật ngày: 29/07/2019 - 10:04

BTN - Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài “Du lịch nông thôn, bao giờ khởi sắc” phản ánh những hạn chế hoạt động của du lịch nông thôn tại một số địa phương.

Khách đến tham quan vườn nho tại xã Trường Đông, huyện Hoà Thành (ảnh FB).

Ðược biết, hiện nay, một số huyện đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát huy lợi thế để phát triển du lịch nông thôn, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu, huyện có những thắng cảnh gắn liền các yếu tố tâm linh (chùa, đình) và thiên nhiên (sông nước) hoặc hệ sinh thái miền quê như vườn cây - đồng ruộng - dòng sông cùng với các ngành nghề nông thôn đang phát triển như nghề tráng bánh, làm muối ớt… Tất cả yếu tố này là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn. Ðịnh hướng đến giai đoạn 2020-2030, huyện sẽ phát triển ít nhất 1 khu du lịch nông thôn thuộc các xã  có lợi thế như Phước Trạch, Cẩm Giang, Thạnh Ðức, Bàu Ðồn, Phước Ðông.

Bên cạnh đó, huyện có diện tích cây ăn trái khoảng 2.117 ha (số liệu thống kê 2018), trong đó, cây chủ yếu là nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, mít, vú sữa, quýt, chanh. Ðây cũng là một trong những lợi thế có sẵn để địa phương phát triển du lịch nông thôn.

Huyện dự kiến chọn xã Phước Trạch triển khai chương trình Ocop gắn kết với thị trấn Gò Dầu bằng việc tổ chức tour du lịch đường sông (Vàm Cỏ Ðông) và đường bộ (quốc lộ 22); còn xã Bàu Ðồn là vùng du lịch miệt vườn nối kết với vườn cây ăn trái các xã trong huyện gắn với tuyến du lịch núi Bà Ðen.

Theo UBND huyện Dương Minh Châu, huyện đã có kế hoạch phát triển bền vững, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị du lịch; khai thác các tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng… và các sản phẩm du lịch có sẵn trên địa bàn. Huyện Dương Minh Châu xác định sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác.

Huyện Dương Minh Châu đưa ra giải pháp đầu tư phát triển, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, dịch vụ du lịch như du lịch truyền thống, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, góp phần lan toả và phát triển du lịch. Trong đó, tập trung phát triển và khai thác tiềm năng du lịch các làng nghề truyền thống, hình thành các vùng chuyên canh trồng ổi, mãng cầu có chỉ dẫn địa lý mãng cầu núi Bà Ðen.

Song song đó, huyện quy hoạch và phát triển du lịch miệt vườn gắn với nông nghiệp công nghệ cao và mô hình du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch homestay, du lịch gắn với các làng nghề truyền thống, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình du lịch farmstay gắn với miệt vườn, đồng lúa, sông nước.

THẾ NHÂN

Tin liên quan
  • Làm gì để khởi sắc 

    Làm gì để khởi sắc

    Những năm qua, du lịch Tây Ninh đã có những bước chuyển mình, lượng du khách ngày càng đông. Thế nhưng, tiềm năng du lịch nông thôn vẫn chưa được đánh thức.