BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các địa phương phải chủ động trong phòng, chống thiên tai 

Cập nhật ngày: 20/06/2019 - 19:08

BTNO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, diễn ra vào sáng 20.6.2019 tại Hà Nội.

Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo) cùng lãnh đạo các bộ, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến chủ trì hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, thiên tai ở nước ta không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước, cụ thể: 14 cơ bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc, sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh… Nhìn chung, thiên tai năm 2018 gây ra giảm nhiều so với trung bình nhiều năm, nhất là những năm gần đây.

Có 224 người chết và mất tích; 1.967 ngôi nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; hơn 261.377 ha lúa, hoa màu bị ngập; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đát đá đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị sạt, trượt, hư hỏng,v.v. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác này năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tại Nghị quyết 76 của Chính phủ về phòng, chống thiên tai của các bộ, ngành và địa phương cũng như nhân dân nên công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến với hình thức phong phú, hiệu quả. Cơ quan thường trực từ trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước, khu vực  và quốc tế để chủ động chỉ đạo sớm, bám sát thực tiễn, đặc biệt với 2 loại hình bão và lũ.

Đoàn công tác Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại hồ Dầu Tiếng trong ngày 20.6

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai còn thiếu đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác này còn hạn chế. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu, chưa đủ mạnh, nhất là kiểm soát an toàn thiên tai đối với công trình hạ tầng, khu đô thị, khu dân cư. Quy trình tiếp nhận viện trợ, phục vụ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai còn phức tạp, không kịp thời, giảm hiệu quả sử dụng…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là 1 trong 10 nước bị thiên tai lớn nhất, chính vì vậy chúng ta phải chủ động phòng chống, xem đây là trách nhiệm quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta không được chủ quan, mà phải chung tay phòng chống thiên tai một cách chủ động. Các cấp uỷ phải có phương án phòng chống thiên tai, bởi thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, từ đồng bằng, miền núi, nông thôn hay thành thị.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần phân cấp giao quyền cụ thể cho các địa phương, làm sao cho công tác chỉ đạo, thực hiện phòng chống rõ ràng hơn. “Chủ động hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn để ổn định, phát triển sản xuất, không để người dân bị thiếu đói, bị bỏ lại phía sau vì thiên tai”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị kiện toàn lại hệ thống Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp; rà soát cập nhật lại các phương án phòng chống thiên tai, tránh lúng túng khi có tình huống xảy ra. Các ngành, các cấp phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn cho người dân những kiến thức về phòng chống thiên tai. Các địa phương trong cả nước là trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai, sẽ phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng Chính phủ, trước Ban chỉ đạo Trung ương, do đó phải có kế hoạch cụ thể để triển khai cho hiệu quả.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã tặng bằng khen cho 34 tập thể và 55 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác chỉ đạo, ứng phó thông tin, truyền thông và khắc phục hậu quả sau thiên tai năm 2018.

Đức An