BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các nền văn hoá xưa trên thềm sông Vàm Cỏ Đông

Cập nhật ngày: 10/09/2016 - 01:07

Dinh ông An Thạnh, nơi có nhiều di tích gốm văn hoá Đồng Nai.

Văn hoá Đồng Nai

Hồi trước tết Canh Thìn - 2000, trong một lần đi kiểm tra công trình kè đá ven rạch Tây Ninh đoạn giáp cầu Quan, kiến trúc sư Nguyễn Văn Long đã phát hiện trong đống đá xây có một viên có hình dáng lạ. Lập tức, viên đá được đưa về văn phòng Sở Xây dựng. Đá có hình dạng thuôn dài, nửa giống chiếc mai đào đất, nửa giống một lưỡi cuốc chim, rõ ràng đã được bàn tay con người tạo tác. Dự đoán đây là một di vật của người xưa, anh Nguyễn Thảo, Giám đốc Sở Xây dựng bấy giờ đã đem sang Sở Văn hoá và Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL). Kể từ đây, viên đá mà thực chất là một công cụ lao động của người xưa, tạm gọi là chiếc cuốc mai đã có số phận vẻ vang trong nhà kho của Bảo tàng Tây Ninh. Hẳn là vinh quang hơn số phận những viên đá đồng loại khác có thể đã chôn chặt trong móng đá dưới bùn đen.

Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp ngẫu nhiên người ta đã khám phá ra những di vật cổ bằng đá, bằng đồng và đôi khi bằng vàng, bạc ở trên đất Tây Ninh hoặc những vùng đất khác thuộc Nam bộ. Theo quan niệm của những nhà khảo cổ học, với các hiện vật khảo cổ là các di vật cổ thì đây đã là miền đất có dân cư sinh sống từ rất lâu đời.

Thật ra, trên đất miền Đông hay Nam bộ nói chung, các nhà khoa học (thời thuộc địa) đã thám hiểm và nghiên cứu khá kỹ càng. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XIX, một học giả Pháp là Hollbe đã thu thập ở lưu vực sông Đồng Nai cũng như ở Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn, Sài Gòn - Gia Định một bộ sưu tập gồm 1.200 hiện vật. Phần lớn các hiện vật tìm được ở Biên Hoà (lúc đó bao gồm Biên Hoà và Bà Rịa). Bộ sưu tập này đã được trưng bày tại hội chợ Quốc tế năm 1889. Sau đấy không ai còn biết số phận những di vật cổ trôi nổi đi đâu nữa. Ở Tây Ninh, có Henri Parmentier- Trưởng ban Khảo cổ - Trường Viễn Đông Bác cổ thuộc Pháp đã từng có một bản thống kê khảo cổ học Tây Ninh trên tạp chí của Trường (số 9 năm 1909). Công cuộc thăm dò, đào bới của các nhà nghiên cứu thực dân còn được tiếp tục cho tới giữa thế kỷ 20 và họ đã gặt hái được không ít thành công.

Tháp Chót Mạt thế kỷ VIII ở Tân Biên.

Hiện tại, ở Tây Ninh người ta chỉ mới tìm thấy những di vật, sớm nhất là thuộc nền văn hoá đá mới muộn, thuộc thời kỳ Sơ sử theo cách phân loại trên. Nền văn hoá này còn được coi là một truyền thống văn hoá lớn được gọi là văn hoá Đồng Nai, bắt đầu từ 5.000 năm trước đây cho đến đầu công nguyên. Thuộc nền văn hoá này, có các di chỉ nổi tiếng như Cầu Sắt (Xuân Lộc - Đồng Nai), Dốc Chùa (Tân Uyên - Bình Dương)… trong đó đáng chú ý là di chỉ An Sơn thuộc xã An Ninh, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, nằm không xa Trảng Bàng của Tây Ninh, trên trục Trảng Bàng đi Mỹ Hạnh. Ở đây, ngoài những hiện vật bằng đá, xương, sừng, đất nung, gốm với chủng loại phong phú còn có cả nhiều bộ xương người và động vật, chứng tỏ một điểm dân cư tập trung của người cổ xưa.

Những di chỉ thuộc nền văn hoá Đồng Nai trên đất Tây Ninh có vị trí khá gần với An Sơn, trong lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Đó chính là Dinh Ông ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu và gò Cao Sơn ở Xóm Mía, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Ở Dinh Ông, nhiều hiện vật đã được tìm thấy và trưng bày tại Bảo tàng Tây Ninh bao gồm rìu đá, đục đá có hình dạng tứ giác hoặc hình thanh, có vai, có thể tra cán gỗ khi sử dụng; một số bàn mài đá, một số hiện vật gốm như cà ràng (chân bếp lò), vò gốm. Ở gò Cao Sơn, người ta cũng tìm thấy các di vật tương tự trong các cuộc khảo sát hồi đầu những năm 1990. Đến tháng 9.1999 lại tìm thấy thêm hàng trăm mảnh gốm, hàng chục mảnh đá gồm cả rìu đã vỡ hay còn nguyên vẹn. Nhiều dấu hiệu ở Dinh Ông còn cho thấy có thể ở đây từng có những lò gốm cổ. Theo các chuyên viên ở Bảo tàng tỉnh, những di vật này có niên đại cách nay từ 2.700 - 3.000 năm.

Trở lại với viên đá mà Sở Xây dựng đã phát hiện trên kia (có nguồn gốc từ núi Bà Đen) với hình dạng giống như một lưỡi cuốc mai mà người ta từng thấy ở di chỉ Phước Tân (Đồng Nai), có thể đoán định rằng đây cũng là một di vật của người xưa vào giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới thuộc truyền thống văn hoá Đồng Nai.

Văn hoá Óc Eo

Óc Eo là một khu di tích rộng lớn bên triền núi Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Óc Eo gồm một quần thể di tích của nhiều hiện vật kiến trúc, điêu khắc, công cụ lao động, đồ trang sức, tiền bạc cổ… có mật độ khá dày khiến có thể liên tưởng đến một trung tâm đô thị cổ đại, một “thành phố Óc Eo” với diện tích ước tính khoảng 450 ha. Óc Eo thuộc vương quốc Phù Nam, tồn tại trong khoảng từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI. Vì thế các nhà nghiên cứu thường gọi giai đoạn tiếp sau đó là Hậu Óc Eo.

Di tích gò Bà Đao- An Thạnh.

Ở Tây Ninh, trong khoảng thời gian 1988 đến 1990, Bảo tàng tỉnh kết hợp với Viện Khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành khảo sát 14 điểm trên địa bàn tỉnh có di vật của nền văn hoá Hậu Óc Eo. Nhiều nhất là ở Thanh Điền- Châu Thành (11 điểm). Ba điểm còn lại là ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Gần đây, trong các năm 2011 đến 2015, các nhà khảo cổ học còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành khai quật khảo cổ ở nhiều điểm mới như Bà Đao xã An Thạnh, Bến Đình xã Tiên Thuận thuộc huyện Bến Cầu và các xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng.

Ở hầu hết các điểm khảo cổ, đều phát hiện các dấu vết kiến trúc cổ, qua các móng gạch còn lại trong lòng đất hay ở ngay trên mặt đất. Gạch có màu trắng xám hoặc đỏ tươi, kích thước nhiều loại. Thường gặp là loại có kích thước (28-30 x 14-16 x 6-8) cm. Giống như gạch Óc Eo, những viên gạch cổ Tây Ninh cũng được làm từ đất sét pha cát lẫn vỏ trấu.

Các công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt cũng phong phú, được chế tác ở trình độ vượt xa thời văn hoá Đồng Nai gồm chày đá, con lăn đá, mảnh đá mài bóng. Đồ gốm nhiều nhưng tiếc thay phần lớn là mảnh vỡ. Ngoài loại gốm thô, dày màu nâu đen, xám còn có các loại được chế tác tinh vi hơn với màu hồng gạch non, vàng nhạt, trắng ngà. Xương gốm bằng đất sét pha cát mịn. Có những nơi người ta đã tìm được cả đồ trang sức đồng, đá, vàng, bạc, kể cả những loại vàng miếng khắc hình người hay hoa lá (nhưng rất hiếm). Cũng cần lưu ý rằng, đa số những di tích này đã được người Pháp trước kia đào bới nhiều lần, kể cả các nhà nghiên cứu và những viên quan cai trị, hẳn là những món đồ quý giá nhất đã không còn nữa.

Một bộ phận quan trọng trong các di vật thuộc nền văn hoá Hậu Óc Eo tìm thấy ở Tây Ninh là các pho tượng cũng như các ngẫu tượng thờ, chúng từng có mặt ở hầu khắp các di tích kiến trúc, chứng tỏ các công trình nói trên có thể gắn liền với ý nghĩa tín ngưỡng và tôn giáo.

Những pho tượng đẹp, nguyên vẹn đã được người ta tìm ra trong thời Pháp thuộc. Ví dụ:- Theo những thông báo khảo cổ học của H.Parmentier, từ năm 1909 đến 1923, những hiện vật tìm thấy ở Thanh Điền được đưa về bảo tàng Louis Finot (nay là bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Phần nhiều là bằng đá sa thạch có phong cách nghệ thuật từ văn hoá Óc Eo đến Hậu Óc Eo (thế kỷ 7-8). Cho đến cuộc khai quật năm 1990, trên gò Cổ Lâm, các nhà khảo cổ vẫn còn tìm thấy một thân tượng đá, một Yoni, một Linga và một mảnh đồng. Sau đấy, người qua lại vẫn còn nhặt được đâu đó trên gò những bàn tay tượng đá.

Ở Phước Chỉ, trên các di tích Phước Hưng, Rừng Dầu, trong thời Pháp thuộc cũng đã thu được nhiều tượng đá, đồng thuộc giai đoạn Hậu Óc Eo. Ở Tiên thuận năm 1934 người ta cũng gặp nhiều tác phẩm điêu khắc đá, trong đá có một tác phẩm được coi là đặc sắc:- Tượng thần Surya (mặt trời), thuộc Hậu Óc Eo. Di vật Óc Eo còn được tìm thấy ở các tháp Chót Mạt (Tân Biên) và Bình Thạnh (Trảng Bàng). Cuối năm 1999, trong khi thi công trùng tu tháp cổ Bình Thạnh, người ta còn phát hiện được một bộ Linga- Yoni nguyên vẹn.

Ngay cả trên các phế tích kiến trúc như ở Bùng Binh (Đôn Thuận, Trảng Bàng), Chùa Đá (Trảng Bàng) cũng có những hiện vật đá thời Hậu Óc Eo. Linga ở Bùng Binh được coi là một tiêu bản hiện thực nhất trong số các Linga tìm thấy ở Nam Đông Dương (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Sài Gòn). Còn ở Chùa Đá, hiện đến nay vẫn có một pho tượng thần Visnu không nguyên vẹn nằm chơ vơ trong một ngôi miếu nhỏ. Ngay ở Thị xã Tây Ninh, tại chùa Hiệp Long, người Pháp đã tìm thấy một pho tượng gọi là ông Phật Tây (do có nét mặt giống người Âu) và một vài pho tượng Visnu bốn tay, tượng thần Surya rất đẹp thuộc thời kỳ Hậu Óc Eo. Những di vật này đã được đưa về Bảo tàng Sài Gòn trong thời Pháp thuộc…

Đá tháp ở gò đình Phước Lưu.

Xin nhắc lại rằng, nền văn hoá Óc Eo gắn liền với lịch sử phát triển của vương quốc Phù Nam, từng tồn tại từ thế kỷ thứ 6-7 trên miền đất Nam bộ. Đây là một quốc gia có nền văn minh phát triển rực rỡ cả về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngoại thương và các loại hình nghệ thuật. Sau Óc Eo với cuộc chinh phục của Chân Lạp, chiến tranh liên miên đã làm cho văn hoá Óc Eo bị lụi tàn, cộng với các đợt tấn công của đế quốc Nguyên Mông vào các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 13 đã đưa Nam bộ trở lại hoang hoá, cho đến khi những cư dân người Việt đến khẩn hoang vào thế kỷ 17. Một cuộc phục sinh mới trên vùng đất Nam bộ đã được bắt đầu.

Cũng xin nói thêm là phần lớn các di chỉ khảo cổ kể trên đều thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Vậy, đấy không chỉ là dòng sông thi ca, mà còn là dòng sông lịch sử. Vậy, ai ơi! làm gì cũng cần nhớ lấy dòng sông.

N.Q.V