BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội phát triển của Việt Nam 

Cập nhật ngày: 18/11/2017 - 06:45

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng mỗi cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới đã tạo cơ hội phát triển cho một số quốc gia. Cơ hội phát triển của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

Phó Thủ tương Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 17/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tương Vương Đình Huệ đã tham dự Hội thảo: Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF tổ chức.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài, lãnh đạo của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tài chính…

Cơ hội đã đến với các nước đang phát triển

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) tạo ra cơ hội vượt lên phía trước cho một số quốc gia. Việc phát minh ra động cơ hơi nước năm 1784 đã giúp nước Anh và châu Âu nổi lên như là các cường quốc trong CMCN lần thứ nhất; phát minh ra động cơ điện (1870) mở rộng tầm ảnh hưởng của các cường quốc như Mỹ, Đức và sau đó là Nhật Bản trong CMCN lần thứ 2; và sự ra đời của công nghệ bán dẫn, vi mạch, máy tính và Internet trong CMCN lần thứ 3 trong một thời gian ngắn giúp Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore từ những quốc gia, vùng lãnh thổ đầy khó khăn chính thức gia nhập nhóm các nền kinh tế phát triển nhất.

Hiện nay, cuộc CMCN lần thứ 4 (CMCN 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.

“Thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc CMCN 4.0”, Phó Thủ tướng nhận định khi đưa ra ví dụ đại đa số người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa có thói quen sử dụng thanh toán qua di động, thì 90% dân số trưởng thành ở Kenya, trên 40% dân số trưởng thành ở tại Tanzania, Zimbabwe, hay Namibia thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán thuận tiện này.

Uber, công ty thường được nhắc tới như ví dụ tiêu biểu trong CMCN 4.0, đã phải “quy phục” tại thị trường Trung Quốc cho Didi Chuxing - một đối thủ ở địa phương, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Công ty thương mại điện tử Alibaba giúp hàng triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh của quốc gia này trên phạm vi toàn cầu. Ấn Độ cũng không nằm ngoài sự phát triển mới khi có nhiều doanh nghiệp thành danh trong nền kinh tế số.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Nhờ CMCN 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm”.

Phó Thủ tương Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ hội của Việt Nam và những thách thức

Việt Nam có nhiều cơ hội để tiệp cận và tham gia cuộc chơi công nghệ mới khi là thị trường trên 93 triệu dân, dân số trẻ, có trên 130 triệu thuê bao di động. Vùng phủ 4G lên đến 99% quận, huyện với gần 60 triệu kết nối di động băng thông rộng (3G, 4G). Hiện nay 55% dân số đã thường xuyên kết nối Internet và còn tiếp tục tang nhanh. Đây là nền tảng thuận lợi để những mô hình kinh doanh mới, dựa trên kết nối số phát triển nhanh.

Phó Thủ tướng cho rằng do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc CMCN trước đây và khẳng định: “Cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc CMCN lần thứ 4 này là rất lớn” và phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.

Tuy nhiên những vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 cần được các chuyên gia giúp Chính phủ làm rõ: Giảm bớt các xáo trộn, chuyển dịch lao động ở quy mô lớn khi các mô hình kinh doanh mới ra đời, xu hướng tự động hóa phát triển; đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng và năng lực đổi mới - sáng tạo; kiến tạo môi trường phát triển toàn diện, mang tính phổ cập giữa các vùng miền, để mọi người dân được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau; nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh cần phải kiểm soát tốt.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Còn Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh, xây dựng các chương trình hành động cần thiết, tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp trên nền tảng khoa học công nghệ hướng tới cộng đồng.

Chính phủ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng giúp mọi cá nhân, mọi thiết bị, cảm biến được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực; và hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, Chính phủ thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công, là điều kiện tiên quyết để đạt được một tầm nhìn thống nhất về chính phủ điện tử (e-government) với các công dân điện tử (e-citizen) trong một nền kinh tế kết nối số.

Nguồn chinhphu


Liên kết hữu ích