BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giới thiệu sách:

Cẩm nang dã ngoại 

Cập nhật ngày: 30/06/2017 - 16:11

BTN - Hè là dịp chúng ta có thể thoải mái tham gia các hoạt động dã ngoại, vui chơi giải trí, sinh hoạt hội nhóm, đi leo núi, cắm trại…

Sau một năm học tập, làm việc vất vả, đây thật sự là những phút giây thư giãn thú vị và bổ ích, chẳng những giúp ta rèn luyện thể chất, mở mang kiến thức mà còn giúp cho tâm hồn ta bay bổng khi khám phá những vẻ đẹp mới mẻ, bí ẩn của thiên nhiên.

Tuy nhiên, làm thế nào để có được một chuyến dã ngoại an toàn, bổ ích và tiết kiệm thì không phải ai cũng biết cách. “Cẩm nang dã ngoại” của Phạm Văn Nhân, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2016 là quyển sách cung cấp cho người đọc một số kiến thức về các quy tắc an toàn khi tham gia sinh hoạt dã ngoại, đồng thời còn hướng dẫn cách thức để tổ chức các trò chơi, cách tìm phương hướng khi bị lạc đường, hay cách đọc và sử dụng bản đồ.

Sách được chia làm 17 chương, mỗi chương là một khám phá thú vị dành cho những ai đam mê du lịch dã ngoại.

Ngày nay, chúng ta dần quen với khái niệm “đi phượt” và “phượt thủ”. Ðây là những khái niệm dành cho những người đam mê du lịch, thích khám phá những vùng đất mới, chỉ việc xách ba-lô lên và đi.

Nhưng chắc hẳn có rất nhiều “phượt thủ” chưa có kinh nghiệm trong dã ngoại, cũng như còn thiếu kỹ năng để xử lý những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong chuyến đi của mình.

Với những kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, tác giả quyển sách đã trình bày khá chi tiết và cụ thể những loại hình sinh hoạt dã ngoại thường gặp, cũng như hướng dẫn các bước cụ thể để tổ chức một cuộc dã ngoại.

Tác giả nêu nguyên tắc đầu tiên khi đi dã ngoại là “Sinh hoạt không để lại dấu vết”- một nguyên tắc hữu hiệu để bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Khi cắm trại nên chọn những khoảnh đất ít gây tác hại đến thiên nhiên, khi tàn cuộc phải mang đi tất cả những gì chúng ta đã mang đến, tập thói quen không để lại rác thải, nhất là những loại rác khó phân huỷ như vỏ đồ hộp, vỏ chai lọ, bao nylon… và điều quan trọng cần ghi nhớ là hạn chế những tác động của lửa trại.

Những hình thức sinh hoạt như du hành dã ngoại, du hành ban đêm, du hành bằng xe đạp, thám du - du khảo… cũng được tác giả quyển sách hướng dẫn chi tiết. Như khi du hành vào ban đêm, thì cần chuẩn bị bản đồ và la bàn, đèn pin, chuẩn bị tinh thần để đối phó với mưa gió, giá lạnh, cơn khát…

Phải luôn kiểm tra hướng đi bằng la bàn hay trăng sao, hoặc đèn hiệu. Khi du hành bằng xe đạp, trước tiên phải chọn xe đạp tốt, phanh an toàn, dây sên sạch, các bộ phận chịu ma sát phải được bôi dầu đầy đủ, nên gắn cờ hay vật phản quang trên xe để mọi người dễ nhìn thấy, nếu đi ban đêm phải có đèn trước và sau xe.

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ thích đi cắm trại một mình, nhưng do chưa có kinh nghiệm trong việc đi tự túc, các bạn đã mắc phải nhiều sai lầm đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khoẻ- thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của mình.

Tác giả trình bày những gợi ý về vật dụng khi đi cắm trại khá chi tiết như: ba-lô đeo vai, gậy cá nhân, túi cứu thương cá nhân, dao đa năng, y phục (tuỳ theo mùa), dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ ăn uống, thuốc men, dụng cụ ngủ nghỉ… cũng như cách chọn lều, hình dáng lều, cách cột dây sao cho phù hợp địa hình cắm trại.

“Cẩm nang dã ngoại” rất hữu ích cho các bạn trẻ trong dịp hè. Sách đang có tại Thư viện tỉnh Tây Ninh.

Yến Nhi