BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ 

Cập nhật ngày: 08/11/2017 - 08:45

BTN - Phần lớn các chợ truyền thống hiện nay do Nhà nước quản lý, cụ thể là chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện. Thời gian qua, các chợ đã bộc lộ nhiều tồn tại như bộ máy quản lý hoạt động thiếu chuyên nghiệp, còn mang nặng tính hành chính, việc bố trí các ngành hàng chưa thật hợp lý, công tác quản lý lỏng lẻo và thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

 Các tiểu thương tại chợ Long Thuận, Bến Cầu để hàng hoá chiếm cả lối đi.

Do đó, dẫn đến việc không ít trường hợp tiểu thương tự ý lấn chiếm diện tích kinh doanh, bán không đúng ngành hàng đăng ký… Hoạt động ở chợ chưa đi vào nền nếp dễ dẫn đến mất trật tự trong khu vực, không bảo đảm an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường. Ngoài ra, sạp, quầy kinh doanh cố định là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao khi cả người bán, người mua thiếu ý thức phòng cháy, chữa cháy. Đáng lưu ý là tình trạng hàng hoá, thực phẩm không được kiểm tra, quản lý chặt chẽ, vì vậy, người tiêu dùng khó tránh khỏi việc mua phải hàng giả, nhái, không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi đó, Ban quản lý chợ không đủ thẩm quyền, không có khả năng để đầu tư phát triển, cải tạo lại các chợ truyền thống. Các thành viên Ban quản lý chợ, có nơi được xem là cán bộ bán chuyên trách, có nơi ký hợp đồng trả công trích từ nguồn thu phí chợ. Cho nên đã từng xảy ra một số vụ việc tiêu cực của Ban quản lý liên quan đến việc thu phí chợ, cũng như có hiện tượng tuỳ tiện bố trí gian hàng, vị trí kinh doanh không minh bạch, hợp lý, bị tiểu thương phản ánh.

Từ thực trạng trên, đã có ý kiến cho rằng cần chuyển đổi mô hình ban quản lý chợ sang mô hình giao cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác nhằm đưa chợ truyền thống ở địa phương phát triển, cũng như có thể tăng thêm nguồn thu. Việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh còn nhằm tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả chợ theo hướng văn minh.

Thời gian qua, chợ xã Bình Minh, TP.Tây Ninh được thực hiện theo mô hình chuyển đổi sang doanh nghiệp quản lý. Doanh nghiệp bỏ tiền ra xây chợ, sau đó thu lại chi phí xây dựng chợ của tiểu thương. Chợ do doanh nghiệp quản lý, ngoài việc bảo đảm vệ sinh môi trường, tiểu thương kinh doanh cũng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với doanh nghiệp. Hiện nay, chợ Bình Minh đã giao lại cho UBND xã Bình Minh quản lý. Được biết, xã đang có chủ trương chuyển đổi sang mô hình khai thác, kinh doanh chợ cho phù hợp với tiêu chí xã nông thôn mới.

Hiện, toàn tỉnh có 109 chợ đang hoạt động, kể cả chợ tạm, chợ bán một buổi sáng hoặc chiều, chợ tự phát, bao gồm 57 chợ xây dựng kiên cố, 22 chợ bán kiên cố và 32 chợ tạm, 42 chợ tổ chức theo mô hình Ban quản lý chợ, 31 chợ tổ chức theo mô hình Tổ quản lý chợ, 19 chợ tổ chức theo hình thức khoán thu. Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Sở cũng nhận thấy những hạn chế, tồn tại của mô hình Ban quản lý chợ tại các chợ truyền thống địa phương. Để khắc phục, giảm thiểu những hạn chế, tồn tại, Sở Công Thương đã xây dựng dự thảo và đang trình UBND tỉnh xem xét về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề nghị chính quyền địa phương phải quyết liệt trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý theo chủ trương của tỉnh, nghĩa là chuyển giao việc quản lý từ cơ quan Nhà nước cho doanh nghiệp, tư nhân quản lý, kinh doanh chợ.

Theo dự thảo, trách nhiệm của doanh nghiệp được tiếp nhận quản lý, kinh doanh chợ phải chuyển đổi gắn với đầu tư xây dựng mới tại địa điểm mới hoặc xây dựng, cải tạo lại tại vị trí hiện có gồm các phương án như: bố trí, sắp xếp ngành hàng kinh doanh; phương án phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý về giá, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá và bảo vệ hàng hoá tại chợ; thu các khoản phí dịch vụ sử dụng diện tích tại chợ... nhằm đưa chợ truyền thống ngày càng phát triển theo hướng văn minh.

THANH NHI


Liên kết hữu ích