BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao:

Cần có bước đột phá 

Cập nhật ngày: 19/07/2017 - 05:35

BTN - Thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Theo đó, phấn đấu có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, xây dựng 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh.

Tây Ninh đang kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Trong ảnh, vườn ươm tại Trung tâm thực nghiệm sinh học kỹ thuật cao (huyện Châu Thành). Ảnh: Lê Văn Hải

Trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao là giải pháp tiên quyết giúp tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Vì thế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến nay việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá chậm, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Đầu tư công nghệ cao chưa cao

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã cho thấy tín hiệu khởi đầu qua một số mô hình, cũng như đã có một số công trình nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các mô hình này chủ yếu mang tính tự phát, chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản. Số lượng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao còn ít, người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn về vốn, khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ sinh học, còn hạn chế.

Về đầu ra, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ những sản phẩm chất lượng cao đang mới ở giai đoạn bước đầu xây dựng; quy mô và mức đầu tư còn rất hạn chế nên chưa tạo được sự chú ý cũng như chưa thu hút được doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vốn, kỹ thuật để sản xuất kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết: Nhiều doanh nghiệp trẻ trên địa bàn tỉnh rất muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng phần lớn các doanh nghiệp này còn trong giai đoạn khởi nghiệp, gặp nhiều khó khăn về vốn và cũng chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhận định này cho thấy, tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, “trải thảm đỏ” kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời cần có chính sách khuyến khích doanh nhân trẻ khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Từ hoạt động của các doanh nghiệp, có thể liên kết và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân học và làm theo. Để hiện thực hoá điều này, tỉnh phải dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; cải cách thủ tục hành chính và có các chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, diện tích sản xuất rau hằng năm trên toàn tỉnh đạt khoảng 19.000 ha - 20.000 ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng rau hằng năm trên địa bàn ước đạt 285.000 - 300.000 tấn/năm; trong đó có 987 ha diện tích được chuyển đổi để trồng các loại cây khác theo hình thức cánh đồng lớn như 144 ha chanh dây, 400 ha cây chuối già Nam Mỹ, 220 ha xoài, 43 ha dứa, 180 ha cây có múi.

Chủng loại sản phẩm rau rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, chưa xây dựng được thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản của tỉnh. Mặt khác, do diện tích sản xuất còn phân tán, sản xuất thủ công, khó kiểm soát việc thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Nam, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết: ông đang trồng 1,4 ha cam sành với 1.000 gốc, 2 ha bưởi da xanh, 2 ha quýt đường. Theo ông Nam, nông dân muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy trong sản xuất.

Thực tế cho thấy, từ lâu, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là nguyên nhân dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản thấp.

Thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, như hệ thống tưới cam tự động, giống, phân bón, làm nhà màng bảo vệ thực vật... nên vườn cây của gia đình ông phát triển nhanh, cho năng suất, sản lượng cao hơn hẳn.

Đặc biệt, khi thấy đã có đầu ra qua việc tỉnh xúc tiến đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu, gia đình ông Nam đang chuẩn bị trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP để tham gia cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy.

Như vậy, theo ông Nam, muốn có nông nghiệp công nghệ cao cần phải tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm người dân làm ra, ngoài việc cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh còn cung cấp cho các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng của tỉnh có tiềm năng rất lớn có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, công tác quản lý từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng bảo đảm an toàn thực phẩm đã được quan tâm nhưng việc triển khai chưa được chặt chẽ, đồng bộ.

Bà Hoàng Thị Ngấm, ngụ ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết: gia đình bà chỉ trồng 1.000m2 rau ăn lá các loại nhưng luôn chú trọng sản xuất theo hướng trồng rau an toàn, bảo đảm chất lượng đến người tiêu dùng.

Theo bà Ngấm, còn một ít nông dân vì chạy theo lợi nhuận nên chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn khiến chất lượng rau chưa bảo đảm, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, nhiều vùng sản xuất rau có chất lượng cao, sản xuất quy mô lớn có thể hướng đến xuất khẩu, nhưng do chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư, nên hằng năm sản phẩm nông dân làm ra vẫn gặp khó khăn về đầu ra, giá cả... dẫn đến thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Trồng rau trong nhà kính tại phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh.

PHẢI SỚM CÓ BƯỚC ĐỘT PHÁ

Nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, có năng suất, chất lượng hiệu quả cao, nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, ngày 5.7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1256/QĐ-UBND  tỉnh về việc thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, với mục tiêu, định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và quy hoạch chi tiết gắn với đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh chuyển đổi cây trồng. Từng bước phát triển nông nghiệp tại các huyện, tập trung phát triển các loại cây ăn trái, rau quả có giá trị cao.

Thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Theo đó, phấn đấu có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, xây dựng 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2017 - 2021, tổng nguồn vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, tỉnh xây dựng 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 500 ha; quy hoạch tối thiểu 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên 4.000 ha. Năm 2021 có ít nhất một vùng nông nghiệp công nghệ cao, 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động.

Phấn đấu chuyển đổi phát triển các vùng nguyên liệu cây ăn trái ít nhất 15.000 ha; rau củ quả 30.000 ha, trong đó có 1.000 ha chuyên canh, chất lượng cao. Xây dựng cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực như: lúa chất lượng cao, xoài, khóm, chanh dây, bưởi, chuối, mía, rau.

Thu hút đầu tư ít nhất 2 nhà máy chế biến rau củ quả; 2 chợ đầu mối để giao dịch nông sản công khai và minh bạch; một nhà máy vật tư nông nghiệp công nghệ vi sinh. Xây dựng 2 thương hiệu nông sản của tỉnh và đặc sản địa phương gắn với tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với các thị trường trong nước và thế giới.

Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ nông dân đánh giá chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GAP đối với nông sản thực phẩm; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong các khâu của sản xuất như hệ thống canh tác, kiểm soát dịch hại, kiểm soát đa năng, tuy suất nguồn gốc nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Sắp tới, tỉnh sẽ rà soát diện tích đất của các công ty nông nghiệp trả về địa phương và quỹ đất công tác địa phương đang quản lý; xây dựng phương án giao đất, cho thuê đất phù hợp quy định, gắn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chuyển đổi các vùng cao su, mía, mì để phát triển một số nông sản có giá trị cao.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển nông nghiệp, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có bước đột phá, sẽ có bước nhảy vọt trong việc nâng cao thu nhập trên một hecta đất, góp phần vào tái cơ cấu ngành. Vì vậy, ngoài việc xây dựng, kêu gọi đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao thì việc cần làm trước mắt là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và nông dân.

Thực tế, việc tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ đối với nông dân không phải là khó, vấn đề là tổ chức thực hiện. Tuỳ từng đối tượng mà có những chính sách đào tạo phù hợp, trong đó, tận dụng các chuyên gia đầu ngành ở các viện, trường; các doanh nghiệp lớn trong quá trình làm họ sẽ mời các cố vấn hướng dẫn, tập huấn cho nông dân. Đối tượng được hỗ trợ bao gồm: nông dân sản xuất nhỏ, nông dân sản xuất hàng hoá, nông dân thuộc diện hộ nghèo; chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường; doanh nghiệp vừa và nhỏ.

THANH NHI