Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

CHẾ BIẾN TINH BỘT KHOAI MÌ:

Cân đối giữa công suất và nguyên liệu đầu vào 

Cập nhật ngày: 21/11/2018 - 13:08

BTN - Theo Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 74 cơ sở, nhà máy mì với tổng công suất chế biến theo thiết kế khoảng 7.296 tấn sản phẩm/ngày, trong đó, có 6 nhà máy chế biến sâu; 4 nhà máy sản xuất tinh bột biến tính và 2 nhà máy sản xuất mạch nha.

Khoai mì chuẩn bị đưa vào chế biến tại nhà máy xã Trường Đông, huyện Hoà Thành.

Trên địa bàn tỉnh có 31 dự án đầu tư nâng công suất, bổ sung mặt bằng, đầu tư mới với tổng công suất thiết kế khoảng 4.540 tấn bột/ngày. Trong đó, có 21 dự án đầu tư nâng công suất chế biến; có 10 dự án xin di dời để nâng công suất thiết kế lên khoảng 1.510 tấn bột/ngày và có 4 dự án đã có chủ trương đồng ý của UBND tỉnh, đang triển khai đầu tư xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành. Các dự án chủ yếu xin di dời về hai huyện Tân Biên, Tân Châu.

Bên cạnh đó, có 10 doanh nghiệp được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm sau tinh bột. Có 5 dự án đang hoạt động sản xuất các mặt hàng biến tính, mạch nha. Các sản phẩm bột biến tính mới chỉ ở cấp trung bình và cung cấp cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, bánh kẹo, thức ăn gia súc cao cấp... Sản phẩm xuất khẩu các thị trường như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan... và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ở trong nước.

Hầu hết các nhà máy có quy mô công nghiệp chế biến trên 100 tấn/bột, được đầu tư máy móc, thiết bị khá hiện đại. Các cơ sở còn lại phần lớn còn sử dụng công nghệ bán thủ công, truyền thống như hồ lắng, máng lắng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2018, diện tích trồng mì trong tỉnh khoảng 50.399 ha, vượt 11,2% kế hoạch. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất giảm mạnh - khoảng 30% - 50%. Trong 9 tháng năm 2018, ước khối lượng củ mì được đưa vào chế biến khoảng 2.259.548 tấn, sản xuất được 564.887 tấn bột. Ngành công nghiệp chế biến khoai mì đã tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động khu vực nông thôn; góp phần quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh.

Công nghiệp chế biến tinh bột mì thuộc danh mục ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu củ mì tươi cung cấp cho công nghiệp chế biến tinh bột trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 50% so với tổng công suất thiết kế. Mặt khác, hoạt động chế biến của ngành này gây ô nhiễm môi trường cao, hệ thống xử lý nước thải sử dụng nhiều đất (hồ bioga).

Theo một số doanh nghiệp chế biến khoai mì, giá thu mua củ mì tươi dao động từ 2.500 - 3.800 đồng/kg (30 chữ bột) tuỳ khu vực. Các nhà máy cạnh tranh mua nguyên liệu trong khi giá mặt hàng tinh bột mì không tăng và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc- vốn có đầu ra không ổn định, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Các nhà máy chế biến được đầu tư ở khu vực biên giới chủ yếu mua củ mì nguyên liệu từ Campuchia, chỉ đáp ứng được từ 60% - 80% công suất thiết kế.

Theo nội dung Công văn số 48/CV-BCH/HHSVN, ngày 7.11.2017, của Hiệp hội Sắn Việt Nam về việc cân đối quy hoạch thúc đẩy phát triển ngành mì bền vững, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Ðầu tư nhận định, diện tích trồng mì phát triển theo chiều hướng tăng chậm, năng suất cây trồng chưa được cải thiện nhiều để đáp ứng công suất chế biến theo thiết kế hiện có.

Trước thực trạng trên, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh hai phương án về việc đầu tư, nâng công suất nhà máy chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, theo phương án 1, từ nay đến cuối năm 2020, tạm dừng việc đầu tư nâng công suất chế biến, di dời nâng công suất của các nhà máy chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh.

Còn theo phương án 2, cho phép thực hiện các dự án đầu tư mới, nâng công suất chế biến tinh bột mì khi đáp ứng các điều kiện như: cân đối được nguồn nguyên liệu; đầu tư vùng nguyên liệu được xác nhận của địa phương, có biên bản ghi nhớ với người trồng mì để bảo đảm nguồn nguyên liệu phù hợp với quy mô công suất của nhà máy chế biến; dự án phải sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu sau tinh bột ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

NHI TRẦN