BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần làm rõ 'Quy hoạch vùng trời' trong dự án Luật Quy hoạch 

Cập nhật ngày: 26/10/2017 - 08:58

Sáng 25.10, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Quy hoạch, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

Dự thảo có 6 chương, 72 điều quy định về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi khoảng 95 Luật/Bộ luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, đoàn Tây Ninh cũng đồng ý thông qua Luật Quy hoạch tại kỳ họp này, tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải nghiên cứu, bổ sung và xem xét thật kỹ giữa quy hoạch chung của các Thành phố trực thuộc Trung ương với quy hoạch vùng tỉnh.

"Theo dự thảo Luật Quy hoạch quy, thì quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương thuộc nhóm quy hoạch đô thị; Quy hoạch nông thôn quy định tại điểm d, khoản 1, điều 5. Điều này có nghĩa, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua thì quy hoạch chung của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục tồn tại và chịu sự điều chỉnh của 2 luật: đó là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014; trong khi đó đối với cấp tỉnh chỉ có một quy hoạch đó là quy hoạch tỉnh.

Ở cấp thành phố trực thuộc Trung ương cũng có 2 quy hoạch cấp tỉnh cùng tồn tại, đó là quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Theo tôi, điều này chưa thực sự phù hợp với quan điểm tích hợp trong dự thảo của Luật Quy hoạch."

Nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng đại biểu Lê Minh Chuẩn, Đoàn Quảng Ninh cũng còn một chút băn khoăn về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Luật này vẫn còn thiếu những nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm đảm bảo cho quy hoạch ổn định và hiệu quả. Chính vì vậy, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển và bảo vệ môi trường.

Ông Chuẩn nêu dẫn chứng, đứng trước yêu cầu về môi trường, một số quy hoạch ngành ở một số vùng có nguy cơ đổ vỡ. Do vậy, cần phải đề ra một nguyên tắc rõ ràng và cụ thể hơn giữa việc xử lý mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển và bảo vệ môi trường trong quy hoạch; hoạt động quy hoạch phải xuất phát từ lợi ích quốc gia và vì lợi ích quốc gia, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quy hoạch.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị: "Về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển Quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia: về tổ chức lập quy hoạch là của Chính phủ; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, quyết định phê duyệt Quy hoạch là công việc của Quốc hội; về quy hoạch vùng tổ chức lập quy hoạch là thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và quyết định phê duyệt Quy hoạch là của Chính phủ.

Về quy hoạch tỉnh: tổ chức lập quy hoạch là của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phê duyệt, thành lập hội đồng và quyết định kế hoạch tổ chức lập quy hoạch là công việc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; torng khi đó, phê duyệt quy hoạch, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch là trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ".

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương khẳng định: Đây là một Luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay nhưng lần đầu tiên áp dụng phương pháp tích hợp tiên tiến. Vấn đề cốt lõi chính là kỹ thuật công nghệ, chuyên môn của hệ thống chuyên gia đến năng lực các thành viên hội đồng thẩm định, thẩm tra.

Đặc biệt, do tích hợp đa ngành nên cơ chế làm việc, hợp tác, phản biện, giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích địa phương trong quy hoạch vùng, ngành để lựa chọn hình thành phương án tối ưu trong khoảng thời gian không dài là thách thức lớn.

Ông Nhân cũng đặt câu hỏi về quy hoạch được quy định trong Luật Thủ đô liệu sẽ như thế nào so với Luật Quy hoạch: "Từ ngày 1/1/2019, tất cả các hoạt động quy hoạch phải tuân theo Luật Quy hoạch. Vì vậy, không có lý do gì khi quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt lại nằm ngoài quy trình này.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị ban soạn thảo giải trình thêm các nội dung liên quan đến Quy hoạch, quy định trong Luật thủ đô sẽ được điều chỉnh và thực hiện như thế nào, bởi rà soát lại trong dự luật, cả phụ lục 1 đính kèm, chưa thấy đề cập nội dung này.

Theo luật định hiện nay thì quy hoạch chung xây dựng thủ đô và việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi có ý kiến của Quốc hội và hàng loạt các quy trình, quy định rất đặc thù trong quy hoạch, chỉnh trang xây dựng phát triển và quản lý thủ đô cũng cần phải nghiên cứu để điều chỉnh theo mô hình khung của Luật này".

Can lam ro 'Quy hoach vung troi' trong du an Luat Quy hoach - Anh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu, giải trình, làm rõ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Quan tâm đến “quy hoạch vùng trời” và “quy hoạch không gian từ mặt đất”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre nêu quan điểm: Theo dự án Luật, có thể hình dung 3 lát quy hoạch: vùng trời, mặt đất và từ mặt đất. Trong đó, lát không gian mặt đất đã được Luật quy định rất nhiều nhưng nội dung về không gian vùng trời và không gian từ mặt đất xuống tâm trái đất thuộc lãnh thổ quốc gia vẫn chưa được quy hoạch. Đây là hạn chế mà Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu, bổ sung vào phần giải thích từ ngữ và chương 2 của dự án Luật.

"Theo nhận thức của cá nhân tôi vẫn còn nhiều bất cập mà mà quy hoạch về vùng trời chưa bao quát, chưa rõ ràng dẫn đến rất khó khả thi. Theo tôi, những quy định về vùng trời còn mang tính chất hình thức, bởi nó chưa làm rõ quy hoạch vùng trời là gì? Chưa định nghĩa về quy hoạch vùng trời trong điều 52, điều 15 về hệ thống quy hoạch quốc gia, chỉ quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, về định nghĩa tại khoản 2, điều 3 đã quy định rất rõ: quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm quy hoạch vùng trời, nhưng trong hai điều luật điều 5 và 15 lại không được đưa vào vùng trời vào đây để quy hoạch".

Giải thích thêm về nội dung điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng và phức tạp.

Trong thực tiễn, nếu quy định quá cứng nhắc, không linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển sẽ gây cản trở hoặc làm chậm quá trình phát triển, tuy nhiên nếu quy định không chặt chẽ thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện.

Lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được quy hoạch, thực hiện quy hoạch còn khó hơn, nên Ban soạn thảo đã thiết kế để đảm bảo điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhu cầu nhưng cũng đảm bảo những nguyên tắc nhất định, không tùy tiện trong việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Nguồn VOH