Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần mở thêm “chợ công nhân” 

Cập nhật ngày: 09/11/2018 - 06:21

BTN - Hy vọng, sau khi được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây chợ, người dân và công nhân sẽ có nơi mua bán ổn định, văn minh. Các địa phương khác cũng cần quan tâm, có phương án đầu tư mở chợ để giải quyết nhu cầu thực tế tại địa phương.

Rác thải trên tuyến đường vào cổng Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III.

Từ nhu cầu mua sắm của công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp nằm trong các khu - cụm công nghiệp, chợ tự phát hình thành và một tồn tại như là một sự tất yếu giữa người mua và người bán, vì “tiện lợi và rẻ tiền”. Tuy nhiên, hoạt động của các chợ kiểu này không được quản lý, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; cùng với nguy cơ gây tai nạn giao thông khi người mua, kẻ bán vô tư lấn chiếm lòng, lề đường.

Nhu cầu bức thiết

Vào giờ tan ca chiều, đoạn đường trước cổng Công ty CP Việt Nam - Mộc Bài (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu) kéo dài đến quốc lộ 22 trở thành nơi tụ tập bán thực phẩm cho công nhân... Nhiều người vô tư bày bán hàng hoá dưới lòng đường khiến tuyến đường bị thu hẹp đến mức không còn lối đi, trong khi cả ngàn công nhân từ trong nhà máy ùn ùn đổ ra đường. Kẻ bán người mua tấp nập đã gây ách tắc giao thông ở khu vực này.

Ông Võ Văn Cu, bảo vệ Công ty CP Việt Nam - Mộc Bài cho biết, chợ chỉ họp vào thời điểm công nhân vừa vào ca (từ 5-7 giờ sáng) và tan ca (khoảng 4-6 giờ chiều), sau đó tự giải tán. “Nhiều người cứ đem hàng ra giữa đường ngồi bán, chẳng chừa lối đi, nên ngày nào chúng tôi cũng phải ra năn nỉ họ tránh đường cho xe buýt chở công nhân ra vào. Năm trước, một bảo vệ ở đây bị đâm vì "dám" ra dẹp đường cho xe chạy”- ông Cu kể.

Tại khu vực trước cổng Khu công nghiệp Phước Ðông (huyện Gò Dầu), đoạn đường 782 khu vực này lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc. Thế nhưng, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm, cố tình tràn ra lòng đường mua bán. Mặc dù gần đó có HTX chợ Phước Ðông nhưng họ vào “chợ chồm hỗm” này. Một công nhân cho biết, mua đồ ở đây tiện đường và khỏi phải mất công gửi xe như khi vào chợ.

Trên quốc lộ 22B, đoạn qua trước cổng Công ty TNHH HighVina Apparel (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) cũng tồn tại một điểm chợ tự phát từ nhiều năm qua. Người bán bày hàng hoá ra lòng đường, mặc cho khói bụi từ các phương tiện giao thông bay bám vào.

Trong khi đó, trên đoạn đường dài khoảng 500m, từ ngã tư An Bình (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) đi ngã ba Cây Khế (ấp An Khương, xã An Tịnh), vào khoảng 15 đến hơn 18 giờ mỗi ngày, chợ “chồm hỗm” tự phát ở đây hoạt động vô cùng náo nhiệt; và tất nhiên là rất mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Tuyến đường từ ngã tư Suối Sâu đến trước cổng Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III (thuộc xã An Tịnh), tình trạng người bán hàng rong tụ tập kéo dài, lấn chiếm lòng đường khiến việc lưu thông qua đây rất khó khăn. Một người dân sống gần đây cho biết, lực lượng chức năng đã giải toả nhiều lần nhưng khi họ đi rồi thì đâu lại vào đấy.

Theo ghi nhận của người viết, phần lớn hàng hoá bày bán ở đây là không rõ nguồn gốc, hàng nhái thương hiệu và thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Nhiều loại thực phẩm tươi sống như tôm, cá, thịt heo… được bày bán mà chẳng có màng che đậy tránh bụi bặm, ruồi nhặng. Nhiều mặt hàng ăn liền như chè, bánh tráng trộn, chả cá không bảo đảm vệ sinh. Nhiều mặt hàng quần áo, bột giặt, mỹ phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai... với “giá công nhân”.

Nhiều năm qua, người dân qua lại tuyến đường ngã tư Suối Sâu (ấp Suối Sâu) đến ấp An Phú (xã An Tịnh) không còn lạ lẫm gì với cảnh tượng rác ngập ngụa khắp nơi. Rác thải sinh hoạt, bã mía, túi ni-lông vứt vương vãi suốt tuyến đường gần 1km. Còn tại khu vực gần ngã tư An Bình, nơi khu chợ tự phát mọc lên, mỗi buổi chiều luôn để lại rác kín cả con đường.

Tại điểm họp chợ trên đường 782, trước cổng Khu công nghiệp (KCN) Phước Ðông, dù chính quyền địa phương đã dựng rào chắn cao hơn 1,5m và nhiều lần ra quân thu gom rác thải nhưng sau mỗi buổi chợ thì nơi đây lại đầy rác.

Nhiều nơi cần thành lập chợ

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của những gánh hàng rong, chợ chồm hỗm tự phát này phần nào đáp ứng nhu cầu mua bán của nhiều người, nhất là công nhân ở các khu - cụm công nghiệp bởi sự tiện lợi và mức giá “bình dân”. Tuy nhiên, những hệ luỵ mang lại từ chợ tự phát là không nhỏ. Do đó, cần có giải pháp hữu hiệu, dung hoà các nhu cầu thực tế của xã hội.

Ông Trương Văn Rưa, Chủ tịch UBND xã Phước Ðông (huyện Gò Dầu) cho biết, chủ trương của xã là khuyến khích người dân chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập. Tuy nhiên, do HTX chợ Phước Ðông đang gặp tình trạng quá tải, nên nhiều người tràn ra đường buôn bán. Thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông huyện thường xuyên tuần tra giải toả khu vực này, nhưng kết quả như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Ðịa phương đang cho đầu tư, mở rộng HTX chợ Phước Ðông với diện tích gần 5.000m2, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018. Sau khi xây chợ, địa phương sẽ mạnh tay giải toả khu chợ tự phát trên đường 782 trước cổng KCN Phước Ðông.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết, tình trạng chợ tự phát xuất hiện “ăn theo” các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện từ nhiều năm qua- nhất là trước cổng Công ty CP Việt Nam - Mộc Bài. Ban Quản lý đã phối hợp với chính quyền huyện Bến Cầu và xã Lợi Thuận cử lực lượng hỗ trợ giữ an ninh trật tự, nhưng tình hình chưa được cải thiện.

Nhằm sắp xếp trật tự, an toàn giao thông và đáp ứng nhu cầu mua sắm của công nhân và người dân tại đây, từ đầu năm, Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, lập phương án xây dựng chợ và đã trình UBND tỉnh.

Hy vọng, sau khi được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây chợ, người dân và công nhân sẽ có nơi mua bán ổn định, văn minh. Các địa phương khác cũng cần quan tâm, có phương án đầu tư mở chợ để giải quyết nhu cầu thực tế tại địa phương.

Minh Dương