BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh:

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 

Cập nhật ngày: 13/07/2018 - 17:14

BTNO - Từ 2011 đến nay, Tây Ninh chỉ mới thu hút được 28 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ và 18 bác sĩ về công tác tại tỉnh…

Thực hiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2011-2020, thời gian qua, các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cho công tác này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề chưa như mong muốn.

Những con số tích cực

Tính đến 2016, tổng dân số của tỉnh đạt trên 1,1 triệu người, trong đó dân số độ tuổi lao động chiếm hơn 57%. Thời gian qua, vấn đề giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo nghề luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, tạo cơ hội cho lao động học nghề và tìm kiếm việc làm trong các thành phần kinh tế.

Cán bộ phường 3, TP.Tây Ninh hỗ trợ viết hồ sơ tìm việc cho công dân.

Thông qua các hình thức giáo dục đào tạo, dạy nghề, lực lượng lao động trong các thành phần, lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được củng cố về số lượng và chất lượng. Đây là yếu tố quan trọng góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội mà tỉnh đề ra.

Trong tổng số hơn 22.000 cán bộ công chức cả tỉnh, có hơn phân nửa (57,5%) có trình độ đại học (năm 2010 chỉ hơn 43%). Trong khi đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các trường được nâng cao về chất lượng, với hơn 70% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề, tỉnh đã hình thành được mạng lưới đa dạng, phong phú, qua đó giúp người lao động có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp để tự tạo việc làm, hoặc tìm việc thích hợp với bản thân.

Con số thống kê ở lĩnh vực đào tạo nghề qua các năm cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 45% và đến 2017 đã tăng lên 64%. Hằng năm, các cơ sở nghề đào tạo khoảng 9.000 học sinh.

Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, dạy nghề của tỉnh được quan tâm đầu tư. Riêng số lượng lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng tăng qua từng năm.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 120.300 người, năm 2016 tăng thêm gần 22.000 người, năm 2017 trên 18.000 người, so với kế hoạch đề ra đạt gần 107%.

Cần nâng chất lượng cho nguồn nhân lực

Có thể khẳng định, với công tác, kế hoạch về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã triển khai thời gian qua, lực lượng lao động trên nhiều khu vực của tỉnh rất dồi dào. Tuy nhiên, chất lượng lao động là một vấn đề đáng quan tâm.

Trong báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu rõ, nguồn nhân lực tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như: chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế- xã hội; tồn tại thực tế là thừa lao động trình độ thấp nhưng lại thiếu lao động kỹ thuật có trình độ cao.

Công nhân một doanh nghiệp may mặc trong giờ làm việc. Ảnh: Hải Vũ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, trong công tác giáo dục đào tạo, cơ cấu hệ thống chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Việc phân luồng để định hướng giáo dục và đào tạo nghề còn mất cân đối; nhiều trường nghề chưa có sự phối hợp tốt với các trường phổ thông để giới thiệu chương trình đào tạo, cơ hội việc làm trên thị trường…

Trong khi đó, công tác đào tạo nhân lực cho khu vực sản xuất kinh doanh cũng còn nhiều hạn chế. Đơn cử như trong nông nghiệp, toàn tỉnh có 39 HTX với hơn 1.000 thành viên, nhưng tỷ lệ lao động trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 3,8%; sơ cấp, trung cấp chiếm 6,4%.

Số lao động còn lại làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, truyền nghề. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp của tỉnh đang triển khai thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, một lực lượng lao động có trình độ cao là bài toán cần các cơ quan chức năng sớm có lời giải.

Tương tự, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện vẫn tồn tại thực tế là: địa phương đào tạo nhân lực nhưng không quản lý; mô hình không gắn với việc làm; việc kết nối, liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa sát sao nên sau đào tạo, nhiều học viên đều phải “tự bơi” để tìm công ăn việc làm cho mình.

Khám bệnh cho trẻ em- Ảnh minh hoạ

Ở các lĩnh vực đòi hỏi nhân lực trình độ cao, hiện tỉnh cũng đang rất thiếu để đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh chỉ mới thu hút được 28 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ và 18 bác sĩ về công tác tại tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, hiện chỉ đạt 5,8 bác sĩ/vạn dân (kế hoạch năm 2015 là 7 bác sĩ/vạn dân; năm 2020 là 8 bác sĩ/vạn dân).

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chính sách phát triển nhân lực phù hợp với thực tế; xây dựng cơ chế thu hút các chuyên gia đến làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức điều tra, tổng hợp các danh mục ngành nghề để thông tin và cung cấp cho thị trường; chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương có sự thống nhất, đồng bộ trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Xuân Phú