Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh 

Cập nhật ngày: 03/12/2018 - 11:25

BTN - Do năng suất đạt thấp, chất lượng gạo kém nên thu nhập của người trồng lúa không được cải thiện. Trong khi đó, điều kiện để đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa (nhất là cây rau, hoa màu) là khá thuận lợi. Do đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh cần quan tâm nhiều hơn đến lợi thế này để tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp.

Thu hoạch lúa trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng.

Hiện nay cho thấy, người dân không nỗ lực để gia tăng giá trị hay làm giàu từ cây lúa mà có xu hướng chuyển sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chính vì vậy, cây lúa khó có thể trở thành cây chủ lực hay cây làm giàu cho người dân. Khả năng tăng giá trị bằng các loại giống mới hay phương thức sản xuất tiên tiến đối với cây lúa trên địa bàn tỉnh không cao.

Sản lượng, chất lượng còn hạn chế

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năng suất lúa ở Tây Ninh luôn ở mức thấp so với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long (chỉ bằng khoảng 65%), trong khi có nhiều điều kiện để sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản. Do đó, lúa gạo ở Tây Ninh không thể cạnh tranh với đồng bằng Sông Cửu Long về năng suất. Con đường duy nhất để ngành hàng lúa gạo của tỉnh phát triển là sản xuất lúa gạo chất lượng cao và lúa đặc sản, nhưng lợi thế này ở Tây Ninh chưa được quan tâm đúng mức.

Do năng suất đạt thấp, chất lượng gạo kém nên thu nhập của người trồng lúa không được cải thiện. Trong khi đó, điều kiện để đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa (nhất là cây rau, hoa màu) là khá thuận lợi. Do đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh cần quan tâm nhiều hơn đến lợi thế này để tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay trong quá trình sản xuất lúa, người dân đã cơ giới hoá khâu làm đất đến khâu thu hoạch nhưng vẫn còn thực hiện thủ công và bán cơ giới một số khâu. Hệ thống giao thông thuỷ lợi ở mức trung bình. Các trục giao thông nội đồng chính cơ bản hoàn thiện nhưng các trục giao thông nhánh đến tận ruộng còn chưa thuận lợi.

Ðê bao vùng chuyên canh cây lúa chưa hoàn chỉnh. Trên địa bàn tỉnh chưa có sân phơi, máy sấy. Tình hình sâu bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Diện tích lúa đạt chuẩn VietGAP chiếm còn ít - khoảng 1.478,3 ha. Người sản xuất sử dụng giống có phẩm cấp đạt khoảng 62,7%, vẫn còn sản xuất lúa có phẩm chất kém đến trung bình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có một nhà máy chế biến lúa gạo lớn có công suất 8.000 tấn/năm nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ với nông dân. Chính vì vậy, thông tin về thị trường còn hạn chế, đầu ra của sản phẩm còn phụ thuộc vào thương lái. Lúa sau khi thu hoạch đa phần được thương lái thu mua tại ruộng.

Thời gian qua, cây lúa trồng ở Tây Ninh có hiệu quả kinh tế thấp hơn so với các loại cây trồng như rau, bắp, đậu phộng, khoai mì, mía và cây ăn trái. Ðồng thời, việc tổ chức sản xuất mới chỉ dừng lại ở các tổ hợp tác nên chưa có tư cách pháp nhân trong hoạt động kinh doanh. Các hợp tác xã hoạt động theo luật mới chưa nhiều và còn yếu ở nhiều mặt.

Ông Nguyễn Văn Leo, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất lúa ấp Bến Kéo (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết, sản phẩm lúa gạo của tỉnh cần được nâng giá trị. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các ngành chức năng có liên quan cần xem xét hỗ trợ nông dân phương pháp, kỹ thuật sản xuất phù hợp đặc thù từng địa phương để tăng năng suất lúa, tăng phẩm chất hạt gạo.

Mới đây, Tổ liên kết sản xuất lúa dự định ký hợp đồng bao tiêu với một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do phần lớn diện tích lúa nằm ven sông Vàm Cỏ, bất tiện trong quá trình vận chuyển khi thu hoạch nên doanh nghiệp đề nghị giảm giá thu mua 200 đồng/kg để bù vào chi phí vận chuyển. Ðiều này làm cho người trồng lúa “ngần ngại”, nên tổ vẫn chưa liên kết được với doanh nghiệp trên.

Hiện nay, đa số nông dân bán lúa tươi cho thương lái (chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long). Do ở xa vùng sản xuất lúa tập trung, xa các cơ sở chế biến, quy mô diện tích trồng lúa ở mỗi vùng trên địa bàn tỉnh không lớn nên sản phẩm lúa đến được cơ sở chế biến thường phải qua hai cấp thương lái, làm cho lợi nhuận của người sản xuất lúa bị chia xẻ khá nhiều. Ðây là một trong những điểm bất lợi làm cho tính cạnh tranh của cây lúa ở Tây Ninh không cao.

Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, tình trạng sử dụng giống lúa bị lẫn tạp, kém chất lượng vẫn còn phổ biến ở nhiều nông hộ; diện tích sản xuất lúa giống cấp xác nhận ở tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá trong sản xuất lúa còn hạn chế.

Ông Ðỗ Châu Sa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa chất lượng cao Việt Hàn ấp Voi (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) cho biết, để đầu tư một máy cấy lúa thì chi phí không hề nhỏ - khoảng 300 - 500 triệu đồng/máy. Chính vì vậy mà số lượng máy móc được đưa vào sản xuất lúa rất hạn chế. HTX đã đầu tư 1 máy cấy lúa, ngoài việc phục vụ cơ giới hoá cho các thành viên và người sản xuất lúa trên địa bàn xã, HTX còn nhận cấy lúa thuê ở các huyện khác.

Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Tổ phó Tổ liên kết sản xuất lúa VietGAP Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) cho biết, tổ đã liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 31 ha. Ðầu ra cho hạt gạo là vấn đề then chốt trong sản xuất của nhà nông.

Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm

Trong định hướng mới, ngành hàng lúa gạo Tây Ninh cần chuyển hướng sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nhắm vào thị trường nội tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, ngành nông nghiệp có giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm bớt trung gian trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Vĩnh Phú - Tổ phó Tổ liên kết sản xuất lúa VietGAP Bình Thạnh cho rằng, để nâng cao chất lượng lúa gạo, các ngành liên quan cần xem xét, hỗ trợ đầu tư vùng quy hoạch sản xuất lúa đặc sản; hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết 4 nhà; chọn chủng loại giống đặc trưng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để đưa vào sản xuất; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm theo chất lượng; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất.

Ngành Nông nghiệp cũng đã có hướng khắc phục khó khăn, hạn chế, nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh là 48.686 ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng hoàn chỉnh dự án vùng lúa chất lượng cao với quy mô 17.250 ha (ở các huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu và Hoà Thành), vùng sản xuất lúa đặc sản 3.000 ha (ở các huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Châu và thành phố Tây Ninh).

Ðồng thời, ngành Nông nghiệp thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất lúa như nâng tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật lên 90% - 95%, áp dụng biện pháp kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, “1 phải - 5 giảm”; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá ở những nơi có quy mô cho phép; xây dựng và hình thành mạng lưới cung ứng giống lúa cấp xác nhận để bảo đảm nhu cầu giống lúa xác nhận đối với từng mùa vụ trên toàn tỉnh; quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cánh đồng lớn đối với cây lúa; vận động thành lập HTX đối với các cánh đồng lớn; kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo trên cánh đồng lớn bằng các chính sách ưu đãi.

 NHI TRẦN